Văn phòng Chính phủ yêu cầu làm rõ vụ bệnh nhân chết tại BV Pháp Việt

(Dân trí) - Nhận được đơn của gia đình nạn nhân Mai Trung Kiên tố cáo bệnh viện Pháp Việt thiếu trách nhiệm khiến bệnh nhân tử vong, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị làm rõ vụ việc và thông báo kết quả về Văn phòng Chính phủ.

Văn bản số 7251/VPCP – KNTN do Vụ Trưởng Vụ theo dõi giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng Phan Văn Minh ký ngày 14/9/2012 gửi Bộ Y tế nêu rõ:

“Bà Mai Thị Thu Trang trú tại P109, D6, khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội có gửi đơn Thủ tướng Chính phủ tố cáo bệnh viện Pháp Việt thiếu trách nhiệm dẫn đến tử vong của ông Mai Trung Kiên (bố đẻ bà Trang); bà Trang đề nghị xử lý kỷ luật đối với bác sĩ Lê Đức Tuấn và kiểm tra xem xét năng lực chuyên môn, việc thực hiện y đức của đội ngũ bác sĩ bệnh viện Pháp Việt để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Văn bản của Văn phòng Chính phủ đề nghị làm rõ sự việc
Văn bản của Văn phòng Chính phủ đề nghị làm rõ sự việc

Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của bà Mai Thị Thu Trang đến Bộ Y tế để xem xét giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả”.

Sau Văn bản của Văn phòng Chính phủ, ngày 18/9/2012, Thanh tra Bộ Y tế đã ký văn bản chuyển đơn đến Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề nghị vào cuộc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Mai Trung Kiên tại bệnh viện Pháp Việt ngày 11/8/2012.

Ngày 20/9/2012, bà Mai Thị Thu Trang tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Mai Trung Kiên (bố đẻ bà Trang) và có biện pháp xử lý đối với những sai phạm đã xảy ra. Đơn của bà Mai Thị Thu Trang nêu rõ:
 
Văn bản của Thanh tra Bộ Y tế gửi Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Văn bản của Thanh tra Bộ Y tế gửi Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

“Tối 7/8/2012, bố tôi bị đau bụng nên gia đình đã đưa vào bệnh viện FV (Pháp Việt). Sau khi khám, bác sỹ kết luận bố tôi bị viêm ruột thừa nên phải mổ. Và hậu quả là 3 ngày sau khi mổ, bố tôi đã tử vong tại bệnh viện FV do không được cấp cứu kịp thời.

Ngày 12/8/2012, chúng tôi đã làm đơn khiếu nại gửi cho Sở Y tế yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của bố tôi và xử lý kỷ luật đối với các bác sỹ của bệnh viện FV.

Và ngày 29/8/2012, Sở Y tế đã có công văn số 4912/SYT-TTr gửi cho gia đình thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn về trường hợp tử vong của bố tôi khi điều trị tại Bệnh viện FV và Bệnh viện Tim Tâm Đức như sau:

Nguyên nhân tử vong: sốc không hồi phục do xuất huyết nội sau phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa trên bệnh nhân có bệnh tim mạch với nguy cơ cao và di chứng tai biến mạch máu não đang điều trị thuốc kháng đông. Bệnh viện FV đã không chẩn đoán và xử lý kịp thời tình trạng xuất huyết nội..."

Văn bản của Thanh tra Bộ Y tế gửi Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Gia đình bà Mai Thu Trang bức xúc trước việc Bệnh viện Pháp Việt không thừa nhận trách nhiệm trước cái chết tức tưởi của ông Mai Trung Kiên

Như thông tin đã đưa, sau khi xảy ra sự cố, ngày 23/8/2012, bệnh viện FV đã đến gặp gia đình bệnh nhân Mai Trung Kiên và có sự tham dự của Ông Jean Marcel Guillon- TGĐ bệnh viện FV. Ông TGĐ phát biểu: "Chúng tôi đã tìm hiểu nguyên nhân và thừa nhận đây là lỗi sai sót của bệnh viện, sai về chuyên môn, của cả êkip 6 bác sỹ điều trị. Sự việc này là 1 bài học rất lớn và FV cam kết là sẽ yêu cầu tất cả các bác sỹ của bệnh viện sẽ phải được đào tạo và chia sẻ về bài học này để rút kinh nghiệm".

Đến ngày 29/8/2012, Sở Y tế TP.HCM đã gửi đến gia đình chị Mai Thị Thu Trang (con gái ông Kiên) thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế khẳng định nguyên nhân gây ra cái chết của ông Kiên là: “Sốc không hồi phục do xuất huyết nội sau phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa trên bệnh nhân có bệnh tim mạch với nguy cơ cao và di chứng tai biến mạch máu não đang điều trị thuốc kháng đông. Bệnh viện FV đã không chẩn đoán và xử lý kịp thời tình trạng xuất huyết nộilà do Bệnh viện FV đã không chẩn đoán và xử lý kịp thời tình trạng xuất huyết nội”.

Nhưng đến ngày 7/9/2012, Tổng giám đốc của Bệnh viện FV, bác sĩ Jean – Marcel Guillon lại lên tiếng phủ nhận toàn bộ kết luận của Sở Y tế và cho rằng nguyên nhân tử vong của ông Kiên là do nhồi máu cơ tim.

Đánh giá về nguyên nhân dấn đến cái chết tức tưởi của ông Mai Trung Kiên, bác sĩ Don Phạm, chuyên gia phẫu thuật tiết niệu ở Mỹ nhận định:

Thứ nhất, chẩn đoán viêm ruột thừa cấp có thể thực hiện bằng biện pháp đơn giản như xét nghiệm máu và khám nghiệm. Chẩn đoán bệnh xong bệnh nhân phải được mổ cấp cứu ngay. Không có bác sĩ phẫu thuật nào chờ đợi đến ngày hôm sau để xác định chẩn đoán với CT scan rồi mới mổ.

Sự chậm trễ này làm cho một trường hợp viêm ruột thừa bình thường có thể trở thành trường hợp khó. Trong trường hợp của ông Kiên phải làm cấp cứu ngay hôm nhập viện chứ không phải đợi đến hôm sau làm CT scan rồi mới mổ.

Thứ hai, tôi không biết Bác sĩ phẫu thuật chính cho ông Kiên có theo dõi bệnh nhân của mình chặt chẽ hay không. Với một bệnh nhân có tiền sử các bệnh như ông Kiên, khi bệnh nhân khiếu nại đau bụng và đau ngực cùng với sự sụt giảm 4,0 gram Hemoglobin, điều này rõ ràng rằng ông Kiên đã có chảy máu bên trong, nhất là khi ông đã được phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Một bác sĩ phẫu thuật sơ cấp cũng nghĩ ra được bệnh nhân bị chảy máu trong nếu khám và xét nghiệm cho bệnh nhân.

Đến ngày thứ 3 sau hậu phẫu, xét nghiệm cho thấy Hemoglobin tiếp tục giảm,điều đó càng khẳng định chắc chắn bệnh nhân bị chảy máu trong.

Tôi hiểu rằng máu chảy sau hậu phẫu có thể xảy ra nhất là trong các trường hợp khó. Nhưng không hiểu chuyên môn và trình độ của các Bác sĩ FV như thế nào khi tất cả họ đều chẩn đoán nhầm và đẩy ông Kiên sang bệnh viện Tâm Đức?

Vì sự thiếu năng lực của các Bác sĩ FV, ông Kiên đã bị chảy máu trong trong 3 ngày và dẫn đến một cái chết, mà cái chết này hoàn toàn có thể tránh được nếu các Bác sĩ có trách nhiệm và chuyên môn hơn. Cho dù khi ông Kiên mất có đột biến tim hay không, tôi tin chắc rằng nếu ông được điều trị đúng lúc và đúng cách thì ông Kiên vẫn còn sống.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến