“Vấn nạn” chạy theo bằng cấp

Cơ quan tôi có một cán bộ có nhiều bằng cấp nhưng khổ nỗi không có năng lực tương xứng với những bằng cấp đó, cho nên đành tìm con đường tiến thân… “đi bằng đầu gối”!

          

Ấy thế nhưng anh ta lại được lãnh đạo cơ quan ưu ái và cơ cấu vào đội ngũ cán bộ kế cận. Có suất đi học gì, anh này cũng được ưu tiên cử đi. Hiện anh ta là người có nhiều bằng cấp nhất cơ quan. Tuy nhiên, những tấm bằng đó chỉ để làm đồ “trang sức” cho anh ta trên con đường tiến thân, chứ không đóng góp được gì cho công việc, cụ thể là chưa bao giờ lập được thành tích trong công việc, nhưng ai cũng biết rằng anh ta sẽ lên làm lãnh đạo trong tương lai vì có đầy đủ bằng cấp!

 

Có nhiều bằng cấp mà không thực chất, không có năng lực như anh này thì đồng nghiệp rất coi thường, thậm chí có lúc coi khinh, bởi khi gặp phải công việc khó, tuy có liên quan đến chuyên môn của mình mà không làm được đành phải nhờ người khác làm giúp?! Như vậy làm sao dám tự hào mình có bằng này bằng nọ? Vậy nên, trong công việc chẳng bao giờ thấy anh này khí khái yêu cầu đồng nghiệp làm việc nghiêm túc mà chỉ xuề xòa, qua loa, đại khái. Vì thế dù có nhiều bằng cấp nhưng đồng nghiệp không ai trọng, ai cũng coi thường. Sống mà như thế thì cũng chẳng sung sướng gì, vì khi khoác lên mình “chiếc áo” không được dệt nên từ tri thức của chính mình, thì sẽ luôn “sống trong sợ hãi”, sợ đụng phải công việc liên quan đến bằng cấp của mình, sợ người khác biết mình không có khả năng làm những việc đó.

 

Còn nữa, tôi có đứa em tốt nghiệp đại học sư phạm chưa xin được việc làm nên đành xin dạy hợp đồng tại một trường tư thục. Thế nhưng tại đây, em tôi cũng như nhiều sinh viên khác cùng bộ môn phải thất vọng ra về bởi vị trí đó đã có một Tiến sĩ của một trường đại học xin dạy thỉnh giảng. Chao ôi, đường đường là Tiến sĩ mà lại đi làm công việc lẽ ra dành cho cử nhân như vậy? Mà có phải trường tư thục đó trả tiền thù lao cho vị Tiến sĩ này nhiều nhặn gì cho cam, chỉ 30.000 đồng 1 tiết! Nhiều người cho rằng vị đó là Tiến sĩ “giấy”, vì nếu thực chất thì với tầm của một Tiến sĩ thì họ có thể đường hoàng kiếm tiền từ nghiên cứu công trình khoa học, làm đề tài, hay dự án, thậm chí là viết sách, viết báo…

 

Những người có bằng cấp mà không thực chất, không tiến thân bằng năng lực của mình mà “đi bằng đầu gối” như anh bạn kể trên, hay như vị Tiến sĩ kia rõ ràng là bị đồng nghiệp và xã hội coi thường!

 

Nhưng làm sao người ta không chạy theo bằng cấp khi mà việc tuyển dụng, xếp lương, đề bạt dựa trên bằng cấp? Vì lẽ đó mà “thạc sĩ hoá” trở thành cao trào trong cả nước, không có thạc sĩ thì không phong “cấp, chức”, không được đứng lớp dạy ĐH. Thế nhưng ai cũng biết một thực tế là đào tạo thạc sĩ ở ta đang còn nhiều bất cập, chất lượng chưa cao. Thực tế đó được một vị quan chức của ngành giáo dục thừa nhận trong một cuộc hội thảo khoa học: 60% luận án thạc sĩ chỉ dùng làm tài liệu tham khảo… xếp ngăn tủ, 30% luận án tiến sĩ là vô bổ. Mặc dù vậy những người nằm trong con số đáng xấu hổ đó sau khi có bằng “thạc sĩ, tiến sĩ” là được phong “cấp, chức”, được bổ nhiệm làm lãnh đạo?!...

Thử hỏi có bao nhiêu cơ quan dám bổ nhiệm, đề bạt người không có bằng cấp nhưng có năng lực làm lãnh đạo trong khi cùng cơ quan nhiều người có bằng cấp?

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để loại bỏ vấn nạn chạy theo bằng cấp bằng mọi giá? Vấn đề này tôi rất tán thành với ý kiến của TS Nguyễn Sĩ Dũng trong bài viết “Lạm dụng bằng cấp” trên chuyên mục “Thời sự và suy nghĩ” của báo Tuổi Trẻ. Đấy là: “Để vượt qua vấn nạn chạy theo bằng cấp bằng mọi giá thì điều quan trọng cần phải làm là xây dựng cho được hệ thống tiêu chuẩn năng lực cho mọi công việc và mọi chức danh (Từ điển năng lực công vụ). Không nên chuẩn hóa cán bộ, công chức theo bằng cấp, mà nên chuẩn hóa họ theo năng lực và sắp xếp công việc cho họ dựa trên năng lực.

 

Năng lực được cấu thành từ kiến thức, kỹ năng và tinh thần thái độ làm việc. Mỗi công việc cần một loại kiến thức và một loại kỹ năng khác nhau. Và công việc nào cũng đòi hỏi sự tận tụy. Ai có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và có tinh thần thái độ làm việc tốt phải được sắp xếp, đề bạt. Như vậy, cái cần chạy là kiến thức, kỹ năng chứ không chỉ bằng cấp. Việc chạy để có đủ loại bằng sẽ nhanh chóng được chấm dứt.

 

Một chiến dịch truyền thông để định hướng giá trị xã hội cũng rất cần thiết. Cần phê phán hiện tượng chạy theo bằng cấp bằng mọi giá, đồng thời cần vinh danh con người dựa trên sự đóng góp cho xã hội, dựa trên tri thức và kỹ năng có thực chứ không phải trên bằng cấp. Cuối cùng, phẩm hạnh chứ không phải bằng cấp làm nên giá trị của con người”.

 

Chỉ khi giải quyết được vấn nạn bằng cấp, khi người tài đức được trọng dụng, khi sử dụng và đánh giá con người dựa trên phẩm chất tài năng và hiệu quả công việc làm thước đo thì xã hội mới phát triển bền vững và tốt đẹp.

                                           Thu Thủy

 

LTS Dân trí - Bằng cấp không thực chất đem lại sự “tiến thân” cho không ít người trong xã hội ta nhưng cũng đem lại nỗi nhục âm thầm cho chính những con người đó như bài viết trên đã phản ảnh.

 

Sở dĩ có tình trạng này là do chính sách sử dụng và đề bạt cán bộ còn nặng về bằng cấp một cách hình thức. Lẽ ra bằng cấp chỉ là cơ sở ban đầu, muốn tuyển dụng hay đề bạt cán bộ còn cần xem xét thực chất năng lực chuyên môn cũng như thái độ làm việc, cung cách ứng xử và mối quan hệ hợp tác với các đồng nghiệp… Tiêu chuẩn hóa cán bộ ở mỗi vị trí công tác nói chung và từng ngành chuyên môn nói riêng chính là cơ sở quan trọng để tuyển dụng hay đề bạt cán bộ.

 

Nếu có chính sách đúng trong sử dụng cán bộ, công chức thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình chạy theo bằng cấp cũng như “vấn nạn” bằng cấp đang diễn ra trong xã hội ta ngày nay.