Bạn đọc viết:

Văn hóa giao thông thời ta đang sống

(Dân trí) - Trước đây mọi sự di chuyển của con người đều bắt đầu bằng từ đi. Đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy, đi ô tô, đi tàu hỏa, đi thuyền… Nhưng khi có Luật Giao thông đường bộ người ta dùng chung một cụm từ: tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông vi vu đầu trần trên Quốc lộ 5
Cảnh sát giao thông "vi vu" đầu trần trên Quốc lộ 5
thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Cứ tưởng rằng đã có luật rồi thì mức độ nguy hiểm khi tham gia giao thông sẽ giảm đi. Thực tế lại không phải vậy. Trước đây ít ai lo sợ bị tai nạn khi ra đường vì đi bộ, đi xe đạp có va vấp thì lại đứng dậy đi tiếp. Còn bây giờ tai nạn giao thông luôn gây nên thương vong nhưng lại xẩy ra như “cơm bữa”. Tai nạn đã không trừ bất kể một loại phương tiện nào kể cả đi bộ. Ở thành phố đất chật người đông tai nạn giao thông nhiều thì đã đành; nông thôn, miền sơn cước mật độ dân cư thưa thớt cũng bị tai nạn.

Nghĩa là bất cứ đâu cứ có người tham gia giao thông là có tai nạn giao thông. Thậm chí đang ở trong nhà mình cũng bị tai nạn giao thông. Nhiều năm rồi số người chết vì tai nạn giao thông ở xứ ta trong một ngày luôn ở mức trên dưới 30 người, kèm theo đó số người là bị thương cũng xấp xỉ. Tính ra mỗi năm có đến hơn chục vạn người bằng quân số một Sư đoàn chết vì tai nạn giao thông. Bởi thế mà tai nạn giao thông đã được cho là quốc nạn, thảm họa, báo động đỏ quốc gia.

Trước thực trạng trên nghị trường, chính trường, xã hội nhiều lúc đã “nóng” lên vì tai nạn giao thông. Quan chức, dân thường, các học giả… những người quan tâm đã đưa ra nhiều giải pháp, cơ quan chuyên lo chuyện an toàn giao thông của các cấp chính quyền cũng đã được thành lập, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông được tăng cường.

Đường giao thông được nâng cấp, phương tiện “quá đát” bị cấm lưu hành, luật pháp được phổ biến rộng rãi… Nhưng thực tế tai nạn giao thông chưa có biểu hiện giảm, điều đó đồng nghĩa với việc người vô tội vẫn cứ chết. Phải chăng từ một nước với hơn 80% dân số làm nông nghiệp chỉ quen đi bộ theo đường mòn, nay "đường ta rộng thênh thang ta bước”, phương tiện giao thông ngày một có tốc độ cao nhưng văn hóa giao thông của người tham gia giao thông lại "dẫm chân tại chỗ".

Đã thế khi tai nạn xẩy ra theo "luật xóm”, "luật làng” không cần biết “phải trái” cứ ai điều khiển phương tiện nhiều tiền hơn thì phải bồi thường cho người có phương tiện rẻ hơn. Còn pháp luật cũng chưa thấy xử lý một trường hợp nào người đi bộ, người điều khiển phương tiện thô sơ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tai nạn.

Những người làm công tác quy hoạch chỉ có tầm nhìn cho một đô thị vài chục vạn dân mà dân chỉ đi bộ hoặc xe đạp nay đô thị đó phải “oằn mình” chứa cả triệu người, phương tiện giao thông thì tăng nhanh chóng mặt. Với tư duy như vậy tai nạn giao thông nếu không nhiều mới là chuyện lạ.

Luật giao thông đã được đưa vào trường học. Nhưng ở đất Việt lâu nay đang có chuyện bất kể chương trình học nào mà kết quả của khóa học không quyết định một điều gì đó thì người đi học cũng chỉ đến…. cho có.
 
Vì thế mà vừa học luật giao thông, an toàn giao thông xong nhưng khi ra đường đèn đỏ, đèn xanh, còi xe không có ý nghĩa gì đối với những cô cậu đang tuổi học trò. Khi đang mặc chiếc áo đồng phục của một trường phổ thông đã vậy. Khi cởi áo đồng phục học trò ra thì chuyện họ lạng lách “đánh võng”, “kẹp 3 kẹp 4”, trên đầu không đội mũ bảo hiểm vì sợ che mất “vẻ đẹp” của mái tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ, coi thường cảnh sát giao thông là chuyện tất nhiên.

Khi các “cậu ấm, cô chiêu” không làm theo luật, không thi hành ý kiến người thi hành công vụ các “ông bô, bà bô” có chức sắc sẵn sàng “a lô” để giải cứu. Có mua bảo hiểm nhưng chẳng may tai nạn xảy ra thủ tục quá phiền hà, nhờ đến pháp luật cũng chẳng đơn giản tý nào nên người dân đã phải tìm đến cách “nhờ cậy” người quen có chức sắc. Ai nhờ được người có “thế” hơn người đó thắng. Văn hóa giao thông kiểu đó thì tại nạn không nhiều cũng mới là chuyện lạ.

Theo luật muốn tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe ô tô phải có giấy phép lái xe. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay nhiều loại văn bằng danh giá hơn nhiều còn có thể mua được huống chi cái giấy phép lái xe gắn máy, xe ô tô cỏn con. Luật giao thông quy tụ lại cũng chỉ là phép ứng xử trên đường, lúc nào được đi, lúc nào phải dừng, lúc nào phải nhường đường, lúc nào được rẽ… nhưng mỗi khi không biết hoặc biết nhưng vì để thể hiện “sự yêng hùng” nên cứ ngồi lên xe là họ “hết số hết ga”, “đường ta ta cứ đi” thì tai nạn xẩy ra chỉ là vấn đề thời gian.

Trước đây muốn trở thành “bác tài” phải qua một số năm làm phụ lái để rèn dũa tư chất cần có của người cầm vô lăng. Bây giờ chỉ qua một khóa học là đã “vi vu” trên đường. Trước đây một “bác tài” muốn có bằng lái xe chở “tài sản quí giá nhất” điều đầu tiên phải có bằng lái xe tải hạng nào đó, rồi còn phải thi tuyển, còn bây giờ chẳng cần quy định nào.

Tính mạng hàng chục con người được phó thác cho một người “trẻ người non dạ”. Đã thế nhiều người lại muốn thu hồi vốn nhanh, làm giàu thật nhanh nên phóng nhanh vượt ẩu tranh giành khách, quay vòng nhiều chuyến. Có “ông tài” ca cẩm rằng mình chẳng sung sướng gì trước việc lúc nào cũng phải vội vã tất bật nhưng vì ngoài những khoản xăng dầu, hao mòn, thuế má, lại còn phải làm “luật” nữa thì mới yên. Vì vậy khi “thượng đế” ít xe nhiều nếu không tìm mọi cách "nhồi nhét khách" thì lấy gì nuôi thân. Với hoạt động vội vã khẩn trương đó chỉ sơ sẩy một tý là tai nạn xẩy ra.

Còn xe chở hàng hóa thì chất gấp đôi thậm chí gấp ba trọng tải thiết kế.
 
Hỏi ông tài: “Có biết làm như vậy là nguy hiểm không?” Câu trả lời là: “Có, hệ thống phanh, lốp, độ thăng bằng …đã được tính toán tương xứng với trọng tải. Nay trọng tải vượt quá nhiều lần, quán tính tăng, hệ thống phanh sẽ kém hiệu quả nên rất dễ gây tai nạn. Biết nhưng vẫn phải làm”. Cái sự “phải làm” cũng không ngoài lợi nhuận.

Cứ tham gia giao thông bằng một chuyến xe chở người hoặc chở hàng hóa nào đó sẽ thấy trên các tuyến đường có rất nhiều trạm kiểm tra kiểm soát của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Đến một trạm như vậy nếu thấy chiếc gậy của ông cảnh sát giơ lên là xe lập tức được nép vào vệ đường.

Có trạm người thi hành công vụ nhắc nhở thậm chí phạt tiền lái xe vì lỗi phạm nhưng không ít trạm phụ xe vội vàng nhảy xuống cầm theo một vài tờ giấy gì đó tới gặp ông cảnh sát. Rồi cũng nhanh như lúc xuống phụ xe quay trở lại nháy mắt cho lái xe tiếp tục hành trình.

Hỏi: “Sao nhanh vậy?” Câu trả lời: “Làm luật mà”.

Người và hàng chở quá quy định vẫn yên vị trên xe. Các bác tài còn cho biết có những trạm kiểm tra ban đêm người trực cứ ngủ. Khi xe qua các trạm này lái xe chỉ cần bỏ “phong bì” đã ghi rõ số xe vào khe cửa. Nếu không thực hiện lần sau quay lại sẽ lãnh đủ. Thì ra hệ thống quan sát tự động đã ghi lại hình ảnh các xe qua trạm trong đêm.

Câu chuyện “làm luật” hay nói cách khác là “nhận tiền mãi lộ” này nếu kể còn dài dài và việc phân định ai làm hư ai cũng chưa có hồi kết. Nhưng hậu quả của nó là những vụ tai nạn thì ai cũng biết.

Bị tai nạn giao thông chẳng ai mong muốn. Nhưng cứ với văn hóa giao thông, cách kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng kiểu như đã nêu thì tai nạn giao thông có vẻ xa nhưng lại rất gần với mọi người, mọi nhà. Tai nạn giao thông chỉ có thể giảm khi văn hóa giao thông ở xứ ta được nâng cao.

Sỹ Lập - Nguyễn Duy