Văn hoá giao thông là món hàng xa xỉ của dân ta

Văn hoá GT như 1 món hàng xa xỉ, làm gì có mà để bàn cãi. Sở GT thì đặt những biển báo, vị trí đèn đỏ, sơn kẻ đường không rõ, không thực tế… Tóm lại đó là cái vòng luẩn quẩn: quá tải - hỗn loạn - bức xúc - không có văn hoá GT.

Đó là một trong những bức xúc của bạn đọc Dân trí sau khi bài viết “Văn hóa giao thông đang xuống cấp thảm hại” được đăng tải ngày 26/11:

 

Chúng tôi xin trích đăng một vài ý kiến trong số đó:

 

Bạn đọc: Hoàng Tiết Kiệm

 

Đúng. Văn hoá giao thông của chúng ta quá kém và nguyên nhân chính là y thức của người tham gia giao thông. Thế nhưng chúng ta cùng quay lại cái triết lý hình thành ý thức con người, đó là gồm 2 yếu tố: môi trường xã hội và hệ thống giáo dục. Ở đất nước ta hiện nay, cả 2 yếu tố này đều đang “rất” bất cập. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý về giao thông của chúng ta đã được cải thiện và dần phù hợp với thực tế nhưng hiệu quả thực hiện thấp vì Người thực thi “không” nghiêm túc.

 

Như vậy, để tạo được văn hoá giao thông chúng ta phải hoàn thành mục tiêu đề ra của 2 yếu tố trên. Và như vậy đòi hỏi cả Chính phủ và người Dân phải thực sự kiên quyết vào cuộc. 

 

Bạn đọc: Chau Ha 

 

Bài viết rất hay, đánh thức được cơ quan quản lý. Các cơ quan đừng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà nên nhìn lại trách nhiệm quản lý của mình. Còn ý thức người dân đúng là có phần xuống cấp. Nếu tất cả cùng điều chỉnh từ từ, tôi nghĩ bài toán này sẽ được giải. Tôi cũng thấy mệt mỏi khi vật lộn với ùn tắc giao thông hàng ngày với hơn 2 giờ đồng hồ trong khi thời gian làm việc 8 tiếng. 

 

Bạn đọc: Hiếu cận 

 

Như tôi có nghe người chú của mình nói: không thể lập “văn hoá giao thông” khi mọi người không chấp hành nghiêm “kỷ luật giao thông”. Nếu như mọi hành vi vi phạm an toàn giao thông đều được xử lý nghiêm minh, đúng mức độ, thì dù có mất thời gian nhưng dần dần nó sẽ ngấm vào ý thức người dân. Lâu dần sẽ tạo ra thói quen là “đừng vi phạm thì không bị phạt”, cái này nghe ra có vẻ tiêu cực nhưng tôi nghĩ nó cũng có mặt tích cực là sợ phạt nên rất ít người vi phạm, đến khi đó, một số rất ít người vi phạm luật giao thông sẽ bị coi là “khác người, khó coi”. Chứ cứ như bây giờ, các cháu mẫu giáo thì luôn luôn phải nhắc nhở bố mẹ mình đi đúng tín hiệu đèn để rồi trông nhiều lúc còn bị bố mẹ mắng, các cháu thanh thiếu niên đi học thành từng đoàn xe đạp có, xe máy có, rồi đội mũ bảo hiểm và không đội mũ bảo hiểm, chở 2 chở 3 vô tư vượt đèn đỏ tại ngã tư mà các chú cảnh sát vẫn đứng đó thì lâu và còn lâu lắm, và có thể là không bao giờ chúng ta có cái thứ xa xỉ phẩm được gọi với tên mỹ miều là “văn hoá giao thông”.

 

Bạn đọc: Vũ Văn Lực 

 

Tôi đặt một giả thiết: Nếu ý thức tham gia giao thông của tất cả mọi người đều rất tốt CSGT và thanh tra giao thông, các cơ quan chức năng... làm việc cũng tốt thì kết quả theo tôi việc ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông cũng chỉ giảm một phần.

 

Lý do cốt lõi đó là cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cống quá kém, quá nhỏ... lưu lượng người và phương tiện giao thông quá lớn và ngày càng gia tăng. Nếu văn hóa giao thông của người tham gia giao thông và người quản lý giao thông thật tốt thì cũng chỉ là dòng người ra đường luôn đứng im ngoan ngoãn khi tham gia giao thông hoặc luôn bị muộn giờ...