“Văn hóa giao thông đang xuống cấp thảm hại”
(Dân trí) - Về lý do dẫn đến văn hóa giao thông kém, cán bộ các đơn vị quản lý, chính trị đoàn thể cho là do ý thức tham gia giao thông của người dân kém; các nhà khoa học thì cho là do quản lý yếu kém, tiêu cực.
Giao thông khó khăn gây nên tâm lý khó chịu, dẫn đến những hành vi kém văn hóa nơi công cộng
Văn hóa giao thông quá kém
Thạc sĩ Nguyễn Hải Nguyên, giảng viên ĐH KHXH&NV TPHCM mang đến hội thảo trăn trở về hình ảnh người đàn ông trung niên ủi vào xe của cô gái phía trước, bấm còi inh ỏi ngỏ ý muốn cô tránh đường cho mình rẽ phải khi đèn đỏ. Thấy cô gái không có động tĩnh gì, ông ta leo lên lề và quay sang nhổ thẳng nước bọt vào cô gái rồi rẽ phải trong sự thất kinh của mọi người…
Th.s Nguyên bàng hoàng: “Tại sao chúng ta lại phải chứng kiến nhiều vấn đề tưởng chừng như nhỏ nhưng không hề nhỏ ấy? Những hành vi ấy xuất phát từ đâu?...”.
Nhà giáo hưu trí Thân Ngọc Dũng trình bày những kinh nghiệm từng thấy tận mắt: “Nhiều người có thói quen thấy ùn tắc mà vẫn cố đi, bất kể là ngược chiều hay lên vỉa hè. Khi va chạm nhau, người ta quát tháo nhau để thị uy, giải tỏa cơn tức giận. Nếu gặp người không phải tay vừa, sẽ ăn miếng trả miếng, cãi vã to tiếng, ẩu đả diễn ra…”.
Và ông than: “Văn minh đô thị, đạo đức của con người bị xuống cấp một cách thảm hại, không còn trật tự kỷ cương, trên kính dưới nhường… Thay vì chửi nhau, tại sao người ta lại không nói một lời xin lỗi?”.
Quản lý kém dẫn đến ý thức kém
Dẫn đến văn hóa giao thông kém như trên, các cơ quan như Sở Giao thông Vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Mặt trận Tổ quốc TPHCM… đều cho nguyên nhân chính là do ý thức người dân quá kém.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM dẫn chứng bằng kết quả điều tra xã hội học trên 400 người vi phạm luật giao thông. Theo đó, 71,8% số người trả lời họ vi phạm vì… không nhìn thấy công an, 55% số người trả lời còn đưa thêm lý do là… làm theo người khác. Đây đều là những lý do thuộc về ý thức con người.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khác thì lần ra thêm nguyên nhân sâu xa hơn: vì sao ý thức tham gia giao thông của người dân kém? Không thể chối cãi ý thức của con người nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa giao thông hiện nay của người Sài Gòn. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố bên ngoài tác động đến làm phá vỡ cái gọi là “văn hóa giao thông”.
Hạ tầng giao thông yếu, quá tải khiến tình hình giao thông hỗn loạn là điều dễ nhận thấy. Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, ĐH Quốc gia TPHCM thì hạ tầng giao thông yếu không chỉ vì chúng ta thiếu vốn đầu tư mà chủ yếu vì quy hoạch không gian và quy hoạch giao thông chưa ổn. Điều này thể hiện tầm nhìn và trình độ của người quản lý còn yếu kém.
Việc đặt các trung tâm thương mại, dịch vụ tại các giao lộ, không phát triển trung tâm mới khi trung tâm cũ có dấu hiệu quá tải… tạo thành sức nén giao thông tại các khu vực trọng điểm, gây nên tình trạng giao thông hỗn loạn hiện nay. Mà việc di chuyển khó khăn hàng ngày đã ảnh hưởng xấu đến thái độ, tâm lý, văn hóa và ứng xử của người dân.
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chính thái độ ứng xử của người thi hành công vụ cũng góp phần phá hỏng “văn hóa giao thông”.
Tình trạng tiêu cực của CSGT tạo cho người dân ý thức coi thường pháp luật, năn nỉ và “chung chi” khi vi phạm. Hình ảnh không nghiêm túc khi tham gia giao thông, thái độ và cách ứng xử không đúng đắn của các cá nhân có trách nhiệm như CSGT, Thanh tra GT cũng tạo thành “hình mẫu” cho người dân “noi theo”.
Mà theo TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học, ĐH Sư phạm TPHCM: “Chính những cảm xúc tiêu cực, chính những hẫng hụt, chính những rung động âm tính trở thành “đường hướng” lối mòn trong suy nghĩ, thái độ và ứng xử”. Từ đó tạo thành thói quen, ý thức kém của người dân hiện nay.
Tùng Nguyên