Vẫn còn quá nhiều cây xanh bị “làm thịt”!

(Dân trí) - Tết năm nay đúng vào những ngày đẹp nhất của mùa xuân. Nhờ có thời tiết thuận lợi, nhiều lễ hội truyền thống diễn ra thật tưng bừng ở các đô thị cũng như các làng quê…

Nhiều phong tục tốt đẹp đã được phát huy làm đậm đà thêm những nét đặc sắc của Tết dân tộc. Riêng có tục “hái lộc xuân” còn gợi lên những điều đáng suy nghĩ…

Khi những chùm pháo hoa đón mừng năm mới trên bầu trời thủ đô vừa vụt tắt, thì cũng là lúc khá nhiều nơi trong thành phố, nhiều cây xanh tươi tốt đứng bên đường đã bị “làm thịt” bởi những người dân đi hái lộc xuân thiếu ý thức giữ gìn cây xanh, bảo vệ môi trường sống.

Theo quan sát của chúng tôi thì tại một số quận trung tâm thành phố, tình trạng hái lộc theo kiểu bẻ cành chặt cây đã giảm nhiều so với các năm trước, bởi do được tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện truyền thông nên người dân đã có ý thức hơn đôi chút và phần nhiều họ bỏ tập tục hái hộc, hoặc nếu còn giữ thì chuyển qua mua lộc mà người ta mang bán ở lề đường.

Thế nhưng, đi ra các vùng phụ cận, ven đô thì khung cảnh tang thương của những hàng cây xanh phải… “chịu trận” vẫn còn quá nhiều. Có những loại cây như: đa, si luôn là tâm điểm của các vụ bẻ cành, hái lộc, vì vậy sau giờ Giao thừa là những cây này bị trơ trụi hết cành lá.

Ngay cả những cây đó được trồng ở các chùa, đền phủ, miếu mạo… cũng không tránh khỏi sự tàn phá của những người đi hái lộc. Tại các khu vực như: quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, huyện Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì… có khá nhiều tuyến phố mà cây xanh bị tàn phá một cách dã man qua đêm Giao thừa.

Có cây thấp, nhỏ, người ta còn phạt cả ngọn mang về và như vậy là “bức tử” luôn cây đó, không thể tái sinh nổi vì chẳng còn một cành lá nào. Tôi từng chứng kiến tại đường Hoàng Quốc Việt, mấy người đi hái lộc còn mang dao dựa ra chặt cả cành cây to đùng mang về làm… lộc nhà mình!

Có một điều lạ nữa là, năm nay tại những khu vực quanh các ngân hàng, cây xanh bị vặt trụi hết vì những người đi hái lộc quan niệm và truyền tai nhau rằng “lộc ở những nơi này nhiều” nên họ ra sức chặt, bẻ cành cây ở nơi đây.

Chẳng hiểu những người đi hái lộc quanh các ngân hàng có mang được lộc về nhà mình hay không chứ nhìn những hàng cây trơ trụi mới càng thấy xót thương và chẳng biết đến bao giờ chúng mới “phục hồi” như cũ được (?!)

Được biết, mấy năm nay một số địa phương đã cắt cử người bảo vệ cây xanh trong đêm Giao thừa, thế nhưng do đêm tối, địa bàn lại rộng, lực lượng thường không nhiều nên tình trạng cây xanh bị triệt phá do tập tục hái lộc đầu xuân vẫn diễn ra.

Để hạn chế tình trạng triệt phá cây xanh do tập tục hái lộc, chính quyền các địa phương cần tuyền truyền và giáo dục sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức giữ gìn cây xanh bảo vệ môi trường trong từng con người. Nhắc nhở họ nên từ bỏ tập tục hái lộc, hoặc nếu có thể thì chuyển qua mua lộc cây, lộc quả mà thị trường vẫn có bán…

Gia Long (Hà Nội)

LTS Dân trí-Vào dịp Tết cổ truyền, phát huy những phong tục truyền thống tốt đẹp là điều đáng cổ vũ và hoan nghênh, nhưng cần bài trừ những hủ tục như “hái lộc xuân” tàn phá cây xanh, làm hủy họai môi trường.

Mùa xuân là mùa đâm trồi nảy lộc của cây cỏ; cũng là mùa trồng cây thuận lợi nhất. Từ ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta phát động Tết trồng cây, nhân dân ta có thêm phong tục hết sức văn minh và tốt đẹp là cứ vào đầu xuân, mọi người mọi nhà và tòan xã hội tham gia Tết trồng cây. Đấy là phong tục mới thể hiện thái độ và nếp sống thân thiện với môi trường của nhân dân ta.