Vài lời tâm tình với ông Lê Công Định và nhà cầm quyền Việt Nam

LTS: Ngay sau khi đăng loạt tin bài về việc bắt giữ ông Lê Công Định, Dân trí đã nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Chúng tôi xin trích đăng một ý kiến tiêu biểu với mong muốn nhận được thêm những chia sẻ từ bạn đọc...

Gửi ông Lê Công Định!

Bây giờ là 16 giờ chiều ngày 24/6/2009 là lúc tôi ngồi viết lá thư này tại HCM city, tính ra tôi đã từ Mỹ về đến Việt Nam được hơn tuần lễ và đây cũng là lần về thăm quê hương đầu tiên sau hơn 34 năm trường xa cách.

Xin được tự giới thiệu về mình đôi dòng trước khi đi vào nội dung lá thư sau đây mà tôi muốn gởi đến ông Lê Công Định và nhà cầm quyền Việt Nam như là một đóng góp mang đầy cảm xúc và tâm huyết của một con dân nước Việt sống xa tổ quốc lâu ngày, luôn tâm niệm “ly hương nhưng không ly tổ”.

Năm nay tôi đã 63 tuổi, hiện đang định cư tại Main street - Garden Grove bang California. Trước năm 1975, tôi tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh ngạch Phó đốc sự và từng giữ chức vụ phó quận trưởng tại một quận thuộc miền Đông Nam Bộ.
 
Một tuần lễ trước khi lên máy bay về thăm quê, tôi đọc được trên mạng việc luật sư Lê Công Định, một trí thức trẻ được đánh giá là có năng lực, tốt nghiệp cử nhân luật tại Hà Nội, từng theo học tại Đại học Pantheon - Assas - Paris (Pháp) sau đó lại được học bỗng Fulbright tiếp tục học luật tại đại học Columbia - New York, rồi cao học luật tại đại học Tulane ở NewOrleans (cả hai trường này đều ở Hoa Kỳ) vừa bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN”, cũng có nơi nói rằng Định còn bị quy kết thêm tội “Âm mưu lật đổ chính quyền”.
 
Tất nhiên, cùng với nguồn tin đó kèm theo những lời bình luận của nhiều hội đoàn, cá nhân trong cộng đồng người Việt hải ngoại, ngợi khen Định cũng có mà chê cũng có. Thú thật, lúc bấy giờ tôi chọn thái độ trung dung không khen mà cũng chẳng chê, bởi vì kinh nghiệm cuộc sống dạy tôi không thể khen một người khi mình chưa biết gì về họ nhất là những việc họ làm vì mục đích gì?
 
Còn chê thì cũng khó, bởi lẽ trên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Việt tại hải ngoại mà phần lớn nằm trong tay những tổ chức, phe nhóm và cá nhân chống cộng một chiều, thường xuyên bóp méo tình hình thực tế trong nước, mô tả chính thể và xã hội Việt Nam chẳng khác nào một địa ngục trần gian, không hề có một chút tự do, dân chủ nào cả.
 
Ông Định ơi, nói ông đừng buồn, chỉ sau mấy ngày đặt chân xuống Sài Gòn, tiếp xúc với nhiều người quen biết, nghe và thấy cuộc sống đang diễn ra sinh động từng ngày trên quê hương, tôi ý thức được ngay đâu là sự thật, vì thế mà nảy sinh ra ý nghĩ phải viết đôi dòng gởi đến ông như những lời tâm tình của thế hệ tôi, sắp gần đất xa trời, nói với thế hệ con cháu những trăn trở của mình.
 
Thưa ông Lê Công Định!
 
Tôi có một nghi vấn muốn đặt ra với ông: Nếu như ở Việt Nam, không có nhân quyền và tự do không được tôn trọng thì tại sao nhiều người tự cho mình là người bất đồng chính kiến với đảng cầm quyền, nhà dân chủ, người đấu tranh cho nhân quyền… vẫn xuất hiện trên mạng với những bài viết chỉ trích, bôi bác chế độ một cách nặng nề, có người còn sử dụng ngôn từ rất hàng tôm, hàng cá nhằm thỏa mãn sự cay cú hơn là bày tỏ chính kiến.
 
Bên cạnh đó còn có những kẻ công khai phát biểu suy nghĩ của mình trong những bài phỏng vấn có chủ đích xuyên tạc sự thật của một số báo đài ngoại quốc và cộng đồng hải ngoại mà vẫn tồn tại, không ai đụng đến họ? Vậy có phải là tự do, hay nói một cách khác là tự do quá trớn hay không?
 
Đặc biệt những thành phần này trong đó có ông, nhất cử, nhất động đều được sự cổ xúy, bênh vực, tung hô của những tổ chức, phe nhóm, hội đoàn tự mạo nhận thay mặt cộng đồng luôn hô hào chống phá Việt Nam hậu thuẫn, mặc dù những người này chẳng đủ tư cách đại diện cho ai cả.
 
Nhưng những tổ chức phe nhóm, cá nhân, hội đoàn này là ai? Tiêu biểu như mặt trận lừa của Hoàng Cơ Minh, chính phủ ma của Nguyễn Hữu Chánh… mà diện mạo thật của họ đã bị cộng đồng lật mặt nạ, để lộ nguyên hình là những kẻ bịp bợm.
 
Tôi không hiểu ông Lê Công Định có đủ trình độ và bản lĩnh bằng những vị như Bùi Tín, hay giáo sư tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt hay không? Nhưng ngay những khuôn mặt một thời được các thế lực lưu vong ngợi ca như là những anh hùng bằng những cuộc đón rước tưng bừng, cờ xí rợp trời ở buổi đầu tiên họ mới đặt chân đến Mỹ. Tiếp đó là những cuộc diễn thuyết, họp báo để họ được tung hô lên tận mây xanh như là những chính khách, những nhà tranh đấu cho tự do, nhân quyền sẳn sàng sống chết vì lý tưởng.
 
Thế mà giờ đây cũng ngậm đắng nuốt cay khi nhận ra rằng mình chỉ là một con cờ trong tay kẻ khác và khi không còn gì để người ta lợi dụng nữa, họ đã bị bỏ rơi lại đằng sau để chìm sâu vào quên lãng chẳng khác nào một miếng chanh đã bị vắt hết nước.
 
Nhưng không chỉ có những Bùi Tín, Đoàn Viết Hoạt hiện đang như “gái ngồi phải cọc” mà còn có rất nhiều nạn nhân khác nữa đã và đang rơi vào tình trạng tương tự, nhưng tùy thuộc vào tầm vóc, giá trị của mỗi người để họ bị lợi dụng nhiều hay ít.
 
Từ đó, tôi lại nghĩ đến trường hợp của ông hiện nay, phải chăng ông đang được ru ngủ bằng những lời ca tụng quá mức để ông không còn đường rút lui. Ngay cả khi ông đã chính thức nhận hết sai phạm thì những kẻ xấu này vẫn cố tình suy diễn theo cách của họ, mưu toan dồn ông vào con đường cùng để tiếp tục lợi dụng ông.
 
Thưa ông Lê Công Định!
 
Tôi không biết ông sinh trưởng ở miền Nam hay miền Bắc? Nhưng nếu có sinh trưởng ở miền Nam chăng nữa thí năm nay ông mới 41 tuổi, có nghĩa là ngày 30/4/1975 ông mới tròn 7 tuổi cho nên ông không thể nào biết được sự bát nháo của chính trường miền Nam từ năm 1975 về trước dưới một thể chế đa đảng.
 
Có thể nói "trò chơi" đa đảng đã làm cho nhà cầm quyền ở miền Nam yếu hẳn đi bởi sự tranh giành quyền lợi của các đảng phái. Trong hồi ức của tôi còn nhớ một số đảng hoạt động vào thời kỳ đó như: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Tân Đại Việt, Cấp Tiến, Dân Xã Đảng… mà đảng nào cũng được phân phối một số ghế bộ trưởng trong nội các và nghị sĩ, dân biểu trong lưỡng viện quốc hội.
 
Và rồi những nhân vật được mời tham chính vào các chức vụ dân cử đều đặt quyền lợi của đảng mình, phe nhóm mình trên quyền lợi của nhân dân nên chuyện đấu đá nhau bằng miệng lẫn chân tay xảy ra ở nghị trường là chuyện bình thường.
 
Tôi không hiểu có bao giờ ông Lê Công Định nghĩ rằng chiêu bài đa nguyên, đa đảng là một âm mưu gây xáo trộn tình hình trong nước, dọn đường cho không ít kẻ cơ hội có dịp thực hiện ý đồ và tham vọng của họ, làm suy yếu đi guồng máy cầm quyền hiện hữu đang chạy ngon trớn trên đà đưa đất nước đến một tương lai tốt đẹp hơn.
 
Thưa ông Lê Công Định!
 
Một vấn đề nữa tôi muốn được nói với ông, là sau khi ông bị bắt, một số bài báo đã cho rằng ông có những liên hệ mật thiết với một số người nằm trong một số tổ chức ở hải ngoại đã và đang hoạt động chống phá Việt Nam với ý đồ lật đổ chính quyền hiện hữu. Lập tức số người đó đã vội vàng lên tiếng phủ nhận mọi liên hệ đó, có người còn nói là chưa hề trò chuyện hoặc gặp gỡ ông một lần nào cả.
 
Theo tôi, sự lên tiếng đó có thể đúng nhưng cũng có thể sai, bởi lẻ hư thực như thế nào chỉ bản thân ông, những người liên hệ và cơ quan điều tra biết rõ mà thôi. Tuy nhiên theo cách nhìn của tôi, thì cốt lõi của sự việc là những hoạt động của ông và số người này có nhiều điểm giống nhau và hình như có cùng một mục đích như nhau.
 
Do đó bất cứ ai cũng có thể nhận định được rằng giữa ông và họ chẳng có gì cách biệt là điều hợp lý. Ở đây, tôi chỉ muốn nói lên một điều là ông chưa hề đi qua chiến tranh như thế hệ của tôi nên chưa thấy hết sự quý giá và thiêng liêng của hai tiếng “HÒA BÌNH” được tái lập trên tổ quốc thống nhất hơn 34 năm qua.
 
Do đó, tôi mong rằng ông nên suy nghĩ lại, phải thật tâm nhìn thấy việc làm nguy hiểm của mình đối với đất nước. Tôi không nghĩ là ông không yêu nước, nhưng tôi nhớ một câu nói của ai đó, đại loại rằng "Yêu nước sai lầm còn tệ hại hơn cả không yêu nước” lẽ ra ông nên đóng góp khả năng của mình một cách minh bạch bằng những ý kiến xây dựng bài bản và quang minh chính đại như một kẻ sĩ chính hiệu không bị ai lợi dụng.
 
Từ đó, với nhiệt huyết của mình, ông phải có niềm tin càng ngày đất nước càng mở rộng cánh cửa hội nhập và tiến bộ hơn nữa mà không gây xáo trộn xã hội như ông đã làm. Thư này tôi muốn gởi riêng cho ông nhưng vì hiện nay ông đang vướng vòng lao lý nên tôi không có cách nào hơn là nhờ chính quyền với hy vọng nó sẽ được trao đến tận tay ông.
 
Giá như mọi chuyện bình thường, chắc chắn tôi sẽ tìm mọi cách để được diện kiến, tọa đàm với ông nhiều vấn đề không thể gói gọn trong mấy trang thư. Mong ông thông cảm và xin gởi lời cầu chúc sức khỏe đến ông.
 
Kính thưa các vị lãnh đạo!
 
Cùng với bức thư này, tôi xin có một vài ý kiến đề đạt đến quý vị bằng những suy nghĩ hết sức chân thật khởi đi từ một tấm lòng tha thiết với tổ quốc.
 
Theo tôi, sau khi ông Định đã nhận hết mọi lỗi lầm thì chỉ cần yêu cầu ông ta thành tâm viết một bản cam kết không tái phạm là có thể trả tự do cho ông ta. Như thế Nhà nước Việt Nam sẽ được tiếng độ lượng và chỉ đánh kẻ chạy đi chứ không bao giờ đánh kẻ quay về.
 
Vài lời thô thiển xin quý vị lượng thứ. Thành kính cầu chúc quý vị an khang.
 
Davis Tran