USD giá chợ đen: tiền vào túi ai?
“Nếu công ty chúng tôi vay 100.000USD công ty sẽ mất 140.000.000 đồng - con số không hề nhỏ nằm ngoài sổ sách. Tôi không rõ là phần chênh lệch tỷ giá này cuối cùng rơi vào tay ngân hàng hay doanh nghiệp có USD hay vào tay cá nhân có quyền bán USD hoặc ai khác?”.
Gửi email tham gia tranh luận về vấn nạn USD hai giá, độc giả Nguyen Dinh Phan (dinhphan@...com.vn), đặt câu hỏi:
“Tôi rất bức xúc vì hiện trạng hai tỷ giá vì công ty chúng tôi có hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu. Chuyện sử dụng hai tỷ giá trong ngân hàng đã có từ năm 2009 rồi. Trước đó thì tôi không biết vì công ty chúng tôi mới tham gia nhập khẩu từ năm 2009.
Khi công ty chúng tôi cần USD thì phải gọi điện trực tiếp cho nhân viên thuộc bộ phận thanh toán quốc tế để hỏi giá USD theo tỷ giá từng ngày. Nói chung, giá USD gần bằng giá tại thị trường chợ đen (thường là rẻ hơn khoảng 100-200 đồng). Muốn biết tỷ giá ngày nào thì phải hỏi ngày đó còn tỷ giá niêm yết thì ngày nào cũng như nhau chỉ có tác dụng dùng để tính toán vào sổ sách khi ngân hàng bán USD cho doanh nghiệp.
Trên thực tế công ty chúng tôi phải mua với giá gần bằng giá chợ đen. Như thế phần chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá thực bán thường được tính vào chi phí mở L/C.
Đặc biệt là khi vay USD thì khoản chênh lệch này không tính vào bất cứ khoản chi phi hay phí nào cho nên công ty tôi thường phải nộp thẳng cho nhân viên ngân hàng mà không có được phiếu thu hay hoá đơn gì.
Nói tóm lại, đây là khoản chi phí phải chi nhưng không được tính vào sổ sách. Chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết (19.500 đồng/USD) và "chợ đen" ngân hàng (20.950 đồng/USD) vào tháng 1 là vào khoảng 1.400 đồng/USD. Như vậy là nếu vay 100.000 USD, công ty sẽ mất 140.000.000 đồng. Một con số không hề nhỏ không được hạch toán vào sổ sách. Tôi không rõ là phần chênh lệch tỷ giá này cuối cùng sẽ vào tay ngân hàng hay doanh nghiệp có USD hay vào tay cá nhân có quyền bán USD hoặc vào tay ai khác...
Tôi nghĩ là Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp chấn chỉnh việc sử dụng hai tỷ giá trong giao dịch giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Nếu Ngân hàng Nhà nước không có đủ ngoại tệ bán ra thị trường thì nên cho phép các ngân hàng thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ theo cung cầu thị trường. Bởi vì Ngân hàng Nhà nước thừơng không có USD can thiệp nên ra thông báo tỷ giá cho có thôi trong khi nhu cầu thực sự của doanh nghiệp nhập khẩu thì không được đáp ứng.
Còn các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn USD thì không muốn bán cho ngân hàng vì tỷ giá ở thị trường chợ đen cao hơn rất nhiều. Hoặc có bán thì họ cũng bán với giá cao hơn giá niêm yết nhiều. Thậm chí họ không muốn bán mà cho vay USD vì lãi suất USD cao mà lại không sợ mất giá so với tiền đồng.
Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều công cụ và biện pháp để minh bạnh hoá thị trường tiền tệ. Nhưng cách điều hành vừa qua khiến giá USD lúc thì lạnh lúc thì nóng. Giữa năm 2010 thì giá USD hạ, đầu năm và cuối năm thì sốt.Cuối cùng chỉ có doanh nghiệp là bị thiệt vì hai tỷ giá”.
Mọi ý kiến bình luận xin gửi về hòm thư diendan@dantri.com.vn.
Theo Vietnammet