Hà Nội:

UBND quận Nam Từ Liêm tự chế “tuổi thọ” cho đất của dân: Ai sẽ chịu trách nhiệm?

(Dân trí) - “Hơn 200m2 đất của dân có nguồn gốc đất ở đã được UBND huyện Từ Liêm cấp sổ đỏ với thời hạn sử dụng lâu dài. Thế nhưng, khi chủ sở hữu làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất cho con gái thì cuốn sổ đỏ do ông Nguyễn Trường Sơn - Phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã biến hoá từ đất có nguồn gốc đất ở, thời hạn sử dụng lâu dài thành đất trồng cây lâu năm, thời hạn sử dụng đất là đến hết ngày 15/10/2043. Đó là hành vi phạm luật”, nhiều luật sư phân tích.

Liên quan đến việc đất của dân bị UBND quận Nam Từ Liêm tự chế “tuổi thọ”, luật sư Nguyễn Ngọc Tấn - Giám đốc Công ty luật Ngọc Tấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra những phân tích dưới góc độ pháp lý.

Thông tin bà Nha cung cấp như sau: Diện tích 237m2 đất bà được thừa hưởng từ mẹ ruột là cụ Nguyễn Thị Thu, người có tên trong bản đồ, sổ mục kê lập năm 1960 hiện còn lưu giữ tại UBND phường Phương canh, quận Nam Từ liêm, Hà nội Thửa đất số 27, Tờ bản đồ số 04, diện tích 940m2, trên bản đồ đã thể hiện ngôi nhà cổ 5 gian , loại đất T (đất ở nông thôn).

Ngày 01/01/1991, UBND huyện Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số A922456, số vào sổ cấp giấy chứng nhận 000.82.QSDĐ cho bà Nguyễn Thị Nha được quyền sử dụng 1294m2, trong đó có 237m2 thuộc thửa đất số 07, tờ bản đồ 19, loại đất vườn thời hạn sử dụng lâu dài; Căn cứ thực tế mẹ bà là bà Nguyễn Thị Thu và đến nay gia đình bà vẫn đang sử dụng diện tích 237m2 nêu trên để ở.

Tuy nhiên, ngày 05/12/2013 gia đình bà Nha đã làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên cho con gái và đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng mục đích sử dụng đất lại ghi là "đất trồng cây lâu năm", thời hạn sử dụng đất lại ghi là đến hết ngày 15/10/2043. Gia đình bà Nha không đồng ý và đã có đơn khiếu nại.


Thửa đất được xác định trong Trích lục bản đồ của UBND xã Phương Canh.

Thửa đất được xác định trong Trích lục bản đồ của UBND xã Phương Canh.


237m2 đất được UBND quận Nam Từ Liêm cấp sổ đỏ ghi rõ thời hạn sử dụng lâu dài.

237m2 đất được UBND quận Nam Từ Liêm cấp sổ đỏ ghi rõ thời hạn sử dụng lâu dài.


Thế nhưng, UBND quận Nam Từ Liêm đã thực hiện việc chế tuổi thọ cho miếng đất đến năm 2043.

Thế nhưng, UBND quận Nam Từ Liêm đã thực hiện việc chế "tuổi thọ" cho miếng đất đến năm 2043.

Luật sư Tấn cho rằng: Việc áp dụng căn cứ là Tờ bản đồ và sổ mục kê 1960 là đúng luật định, đây là Tờ bản đồ và Sổ mục kê được cơ quan nhà nước đo vẽ được lập theo Nghị định 71/1960/NĐ-HĐCP quy định về công tác quản lý ruộng đất lúc đó gồm: Lập bản đồ, địa bạ về ruộng đất..., thể hiện nhằm thống kê, kiểm kê đất đai và xác định diện tích, vị trí và hình thể thửa đất, tứ cận thửa đất vào thời điểm đó và được đo vẽ, vào sổ nhằm mục đích để quản lý đất đai tại địa phương theo quy hoạch, kế hoạch của nhà nước.

Thông qua Tờ bản đồ và sổ mục kê 1960 này chính quyền địa phương dùng làm căn cứ để thu các nghĩa vụ của nhân dân với nhà nước và dùng để giải quyết các tranh chấp đất đai phát sinh và dùng làm căn cứ xác nhận thực tế quyền sử dụng đất của nhân dân.

Tại khoản 1 điều 18 NĐ 43/2014/NĐ-CP ngày 15-05-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai 2014 có nêu :các giấy tờ khác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định tại điểm g khoản 1 điều 100 luật đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm: 1. Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18/12/1980”.


Ngôi nhà cổ 5 gian vẫn còn nguyên hiện trạng.

Ngôi nhà cổ 5 gian vẫn còn nguyên hiện trạng.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 4 QĐ 22 ngày 20/06/2014 của UBND TP Hà Nội quy định: “Trường hợp trên giấy tờ về quyền sử dụng đất có xác định rõ diện tích đất ở (hoặc thổ cư) thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó”.

Trường hợp này của gia đình bà Nha, sổ mục kê đất lập năm 1960, ghi rõ tên chủ sử dụng đất là cụ Nguyễn Thị Thu (mẹ ruột bà Nha), loại đất T (đất ở nông thôn) cho toàn bộ diện tích 940m2 tại thửa đất 27 tờ bản đồ số 4, bản đồ thể hiện có công trình nhà ở, có ranh giới rõ ràng. Sổ mục kê mang tên cụ Nguyễn Thị Thu (mẹ ruột bà Nha) là có thật và đây là căn cứ xác định diện tích đất 237m2 của gia đình bà Nha (được ghi là đất thổ cư năm 1960 và đất vườn, thời hạn lâu dài năm 1991) là đất ở là phù hợp với quy định của pháp luật. Việc ghi đât vườn, thời hạn lâu dài năm 1991 không phải là nguyên nhân để tước đi mục đích sử dụng đất ở của gia đình bà Nha.

Ngày 08/04/2016, UBND quận Nam Từ Liêm đã có công văn "chữa cháy" số 532/UBND-TNMT gửi UBND thành phố Hà nội và kiến nghị UBND TP Hà nội cho phép UBND quận Nam Từ liêm áp dụng điểm b, khoản 1điều 45 NĐ 181/2004-NĐ-CP, nay là điều b khoản 5 điều 24NĐ 43 /2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai 2014 để điều chỉnh lại diện tích 237m2 đất vườn, thời hạn lâu dài ghi trên GCN QSDĐ số A922456 do UBND huyện Từ liêm cấp năm 1991, đã chuyển đổi quyền sử dụng đất cho con gái bà ngày 12/05/2014 thành đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Nhận định về sổ mục kê năm 1960, UBND quận Nam Từ liêm nêu rõ "Bản đồ và sổ mục kê năm 1960 lưu tại UBND phường Phương canh, quận Nam Từ liêm mặc dù không có dấu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nhưng là tài liệu duy nhất phục vụ công tác quản lý đất đai trong các thời kỳ trước đây. UBND xã, UBND huyện, nay là UBND phường, UBND quận đã sử dụng bản đồ, sổ mục kê nêu trên để xác nhận nguồn gốc và quá trình sử dụng đất; các trường hợp sử dụng đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở hình thành trước ngày 18/12/1980, có ranh giới rõ rang và sử dụng liên tục cho đến nay đều được cấp GCN QSDĐ đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất thổ cư ghi trong sổ mục kê nêu trên theo quy định tại điều 11 quy định ban hành kèm theo QĐ 23/2005/QĐ-UBND ngày 18/02/2005 của UBND TP Hà nội và văn bản số 2147/UB-NNĐC ngày 27/05/2005 của UBND TP Hà nội đã nêu: “Trong quá trình xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ, các tài liệu như sổ địa chính, sổ kiến điền, sổ mục kê, Bản đồ địa chính, Bản đồ giải thửa... lập trước ngày 15/10/1993 kể cả không có dấu xác nhận của chính quyền địa phương đều là cơ sở, căn cứ để cấp giấy chứng nhận QSDĐ”.

Như vậy, Căn cứ theo thực tế sử dụng đất của gia đình bà Nha ổn định và liên tục từ năm 1960, nguồn gốc của diện tích đất 237m2 nói trên là đất ở, căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ do gia đình và UBND phường Phương Canh lưu giữ trong đó có Tờ bản đồ và sổ mục kê 1960, căn cứ các quy định của pháp luật như đã viện dẫn bên trên thì việc gia đình bà yêu cầu được xác định lại diện tích đất ở cho thửa đất số 07, tờ bản đồ số 19, có diện tích 237m2 là đất có mục đích sử dụng: Đất ở và gia đình bà không phải nộp tiền sử dụng đất là đúng và phù hợp theo luật định.


UBND TP Hà Nội chỉ đạo Giám đốc Sở TNMT giải quyết khiếu nại của người dân.

UBND TP Hà Nội chỉ đạo Giám đốc Sở TNMT giải quyết khiếu nại của người dân.

Ngày 26/5/2016, UBND TP Hà Nội đã giao Giám đốc Sở TNMT cập nhật, tổng hợp văn bản 532/UBND-TNMT nêu trên của UBND quận Nam Từ Liêm khi thực hiện nhiệm vụ đã giao trong việc xác minh, kết luận, báo cáo Chủ tịch UBND TP Hà Nội theo quy định của pháp luật.

UBND quận Nam Từ Liêm tự chế “tuổi thọ” cho đất của dân: Ai sẽ chịu trách nhiệm? - 6


Một văn bản trao đổi nghiệp vụ lại được Sở TNMT TP Hà Nội vận dụng trả lời người dân khiến người dân phản ứng cho rằng đó là việc phạm luật.

Một văn bản trao đổi nghiệp vụ lại được Sở TNMT TP Hà Nội vận dụng trả lời người dân khiến người dân phản ứng cho rằng đó là việc phạm luật.

Thế nhưng, gia đình bà Nha cho biết, tại buổi họp thông qua dự thảo báo cáo kết quả xem xét, giải quyết do ông Trịnh Việt Dân, Phó Chánh thanh tra Sở TNMT chủ trì với gia đình bà ngày 12/08/2016, Ông Dân lại viện dẫn văn bản 1568/BTNMT-ĐKTKDĐ ngày 25/04/2007 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường để cho rằng Sổ mục kê ghi diện tích đất của gia đình bà Nha không phải là căn cứ pháp lý để xác định đất của gia đình bà là đất có giấy tờ theo luật đất đai.

“Quan điểm của Sở TNMT như trên hoàn toàn trái với quan điểm của nhiều luật sư và quan điểm giải quyết khiếu nại của chính UBND quận Nam Từ Liêm tại công văn 532/UBND-TNMT ngày 08/04/2016. Sở TN-MT có đúng không khi không áp dụng các quy định của luật đất đai để giải quyết khiếu nại cho dân như luật sư đã nêu trên đây mà lại vận dụng văn bản 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25/04/2007 của Bộ TNMT gửi TAND TP Hà Nội? Văn bản 1568 ký ngày 26/04/2007 viện dẫn luật đất đai năm 2003, trong khi luật đất đai 2014 đã thay thế luật đất đai năm 2003 thì có được áp dụng nữa không? Kể cả trường hợp văn bản 1568 có giá trị thì văn bản này có áp dụng đúng cho gia đình tôi không bởi vì đối tượng của văn bản 1568 là nói về Sổ mục kê thành lập theo QĐ 56-ĐKTK ngày 5/11/1981, QĐ 499 QĐ-ĐC ngày 27/07/1995 nghĩa là những sổ mục kê sau thời điểm 5/11/1981 trong khi sổ mục kê của gia đình tôi được lập theo NĐ71/1960/NĐ-HĐCP từ năm 1960? Nếu cán bộ của Sở TN-MT cho rằng không chấp nhận ghi đất ở trên GCN QSDĐ đối với gia đình tôi thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi vận dụng không đúng những quy định của pháp luật và làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây ảnh hưởng không tốt tới chính sách ổn định đất đai của nhà nước?”, bà Nha đặt câu hỏi.

Báo Dân trí kính đề nghị UBND TP Hà Nội giám sát việc xác minh, báo cáo, kết luận của Sở Tài nguyên môi trường, giải quyết sự việc theo đúng quy định pháp luật.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế