Tục thờ thần Sấm của người Thái

(Dân trí) - Trong đời sống tâm linh của người Thái ở Kỳ Sơn (Nghệ An) thần Sấm có một vị trí hết sức quan trọng. Người Thái nơi đây một nghi lễ đặc biệt và trang trọng dành riêng cho thần Sấm với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Đã lâu lắm rồi, lâu đến nỗi những người già nhất trong các bản làng ở xã Mỹ Lý này cũng không nhớ nổi là năm nào. Năm ấy người Thái được mùa to, thóc lúa đưa về chất đầy cả một góc nhà. Dân bản không còn phải lo đói ăn, thiếu mặc. Mải mê với thành tích đó họ quên mất rằng nhờ Phà (Trời) ban mưa thuận gió hòa mới được như thế.

Tức giận, Phà sai thần Gió, thần Sấm và thần Mưa xuống trần gian để lấy lại những sản vật mà Ngài đã ban cho dân làng. Đoàn quân của Phà rùng rùng kéo xuống trần gian. Mở đầu là thần Sấm đánh những hồi trống dài dồn dập, giận giữ. Kế đến thần Gió quét chiếc chổi khổng lồ khiến toàn bộ nhà cửa đổ sập, cây cối, hoa màu ngã rạp. Thần Mưa vươn cái vòi khổng lồ của mình xuống dòng Nậm Nơn hút nước lên đổ xuống đống đổ nát mà thần Gió đã gây ra.

Bỗng chốc cả vùng trù phú, giàu có trở nên tan hoang. Niềm vui được mùa vừa mới nhen lên bỗng tắt ngúm. Người Thái đối mặt với cái đói, cái rét nhặt nhạnh những gì còn lại sửa soạn một mâm cúng dâng lên Phà xin Phà rủ lòng thương. Biết dân bản đã biết lỗi, Phà đồng ý và giao cho thần Sấm chịu trách nhiệm đưa lại mưa thuận gió hòa cho bản làng. Từ đó người Thái ở Mỹ Lý bắt đầu thờ thần Sấm.

Để đảm bảo cho việc thờ thần Sấm được thực hiện đúng nghi lễ, dân làng bầu ra một người, gọi là già làng. Người này phải là người có uy tín nhất để thay mặt dân bản đứng ra "thương thuyết" với thần Sấm và đảm đương nhiệm vụ này cho đến hết đời. Bởi vậy trong quan hệ xã hội của người Thái già làng có vị trí hết sức quan trọng. Điều đặc biệt là "người thương thuyết" này không phải theo tục cha truyền con nối mà mỗi khi già qua đời, dân bản tổ chức bầu một già làng khác để đảm đương công việc quan trọng này.

Nghi lễ cúng thần Sấm được tiến hành một cách trang trọng trong gia đình của chính già làng. Nghi lễ đó cũng không theo một ngày cụ thể nào. Già làng Lữ Văn Vĩnh (62 tuổi) - bản Xiềng Tắm (Mỹ Lý) cho biết: "Cứ ngày đầu tiên có sấm trong năm già làng sẽ một mình cầm rựa phát cây cối tạo thành "một đường lên trời cho thần gió đi xa khỏi bản". Con đường lên núi càng dài càng tốt. Việc phát đường lên núi phải đích thân già làng làm mà không được sự trợ giúp của bất kỳ ai. Sau khi phát xong con đường già làng sẽ chuẩn bị mâm đồ cúng để dâng lên thần Sấm. Việc chuẩn bị lễ cúng là công việc quan trọng phải do già làng làm, phụ nữ, trẻ con không được lai vãng ở gần để tránh làm cho thần nổi giận".

Trong khi già làng phát đường lên núi thì tất cả dân bản mang dụng cụ lao động, mâm chậu đồng gõ vào nhau để mừng thần Sấm. Theo kinh nghiệm của các già làng thì: Đầu năm có sấm ban ngày, năm đó sẽ có hạn hán nặng, mùa màng sẽ bị mất mát; Nhưng nếu có sấm vào ban đêm, thì năm đó sẽ có mưa thuận, gió hoà, trời sẽ cho mùa vàng bội thu.

Lễ dâng lên thần Sấm hết sức đơn giản, bao gồm thịt, cá, xôi được gói riêng từng gói, mỗi loại phải đủ 2 gói, một đĩa rau, một vò rượu cần và trầu cau. Tất cả được xếp vào mâm đồng và dâng lên bàn thờ. Khi cúng nhất thiết phải thắp nến được làm bằng sáp ong để soi đường cho thần Sấm đi. Già làng sẽ thay mặt dân bản cảm ơn thần Sấm trong suốt một năm qua đã tạo mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nhà, trâu lợn đầy gầm sàn và mong muốn thần tiếp tục phù hộ để dân làng có thêm nhiều sức khỏe, sản xuất thuận lợi...

Trong 3 ngày tiếp theo dân làng nhất thiết không được vác rìu, vác dao vào rừng, kiêng đốt quả ớt khô và không được chặt gỗ phá rừng để tránh làm thần Sấm nổi giận.

Thần Sấm có một ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tâm linh của người Thái bởi vậy thần Sấm cũng được thờ cùng với tổ tiên. Vào dịp Tết, nghi lễ cúng thần Sấm sẽ được thực hiện sau khi nghi lễ cúng gia tiên đã hoàn thành. Lần này già làng không phải dọn đường lên núi cho thần gió đi nữa mà chỉ cần chuẩn bị mâm cỗ và bái vọng lên trời. Sau khi già làng hoàn tất nghi lễ, các nhà trong làng cũng chuẩn bị mâm cỗ để cũng thần Sấm ở bàn thờ nhà mình.

Cỗ cúng cũng nhất thiết phải có 2 gói thịt, 2 gói cá, 2 gói xôi, rau, rượu cần và trầu cau. Chủ nhà sẽ chuẩn bị một đồng bạc trắng cùng các vị thuốc bắc rửa thật sạch cho vào một chiếc bát nước. Mọi người trong nhà đều phải rửa mặt bằng thứ nước này để được thần Sấm che chở cho khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ và trường thọ. Khi cây nến bằng sáp ong cháy hết mâm cỗ sẽ được hạ xuống chia cho mọi người trong nhà và mời những người quen trong bản đến chung vui. Các sản vật chuẩn bị đón tết được chủ nhà đưa ra thiết đãi khách. Mọi người cùng ăn uống nhảy múa và ca hát cho đến hết ngày hôm đó. "Trước đây nghi lễ cúng thần Sấm kéo dài đến 3 ngày nhưng nghe theo Đảng người Thái ta rút lại chỉ còn một ngày thôi. Phải biết tiết kiệm chứ", già Vĩnh cho biết.

Trải qua nhiều biến thiên của cuộc sống, nhiều phong tục của người Thái ở Kỳ Sơn đã bi mai một tuy nhiên nghi lễ thờ thần Sấm của người Thái ở Kỳ Sơn vẫn được duy trì và trở thành một nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

 Hoàng Lam