Tự ý lắp khóa bẫy, dựng cọc cấm đỗ xe, chủ nhà có vi phạm pháp luật?

Thế Hưng

(Dân trí) - Cộng đồng mạng xôn xao với hình ảnh một đoạn ngõ 102 Ngụy Như Kon Tum bị chắn bằng dây và khóa để cấm ô tô đỗ. Sau khi hình ảnh trên được chia sẻ, chủ nhà đã bị UBND phường Nhân Chính yêu cầu tháo dỡ.

Cụ thể, ngày 5/8, hình ảnh một đoạn ngõ 102 Ngụy Như Kon Tum bị rào bằng dây thừng và hệ thống khóa bẫy và cọc cấm đỗ xe đã lan truyền trên mạng xã hội. Mục đích của việc làm này theo như chia sẻ là để không cho xe ô tô lạ đỗ trước cửa nhà.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hệ thống khóa cọc được lắp gần vỉa hè đối diện nhà số 16A ngõ 102 phố Ngụy Như Kon Tum. Phía trước có treo thông báo: "Vui lòng không đỗ xe trước cửa phòng khám. Xin cảm ơn!".

Tự ý lắp khóa bẫy, dựng cọc cấm đỗ xe, chủ nhà có vi phạm pháp luật? - 1

Hệ thống khóa và rào chắn cấm ô tô (Ảnh: FB Anh Thinh).

Nhiều người đã tỏ ra bức xúc với cách làm của chủ nhà và cho rằng đây là hành vi chiếm dụng lòng đường. Tuy nhiên, theo một số hộ sinh sống tại khu vực này cho biết, nhiều xe ô tô lạ thường đến đây đỗ cả ngày, từ sáng tới chiều tối. Ngõ ngắn mà xe đậu kín hai bên đường, còn duy nhất lối nhỏ cho xe máy đi được ở giữa.

"Có công ty thuê trụ sở ở đây phải dùng ô tô đi lại chở hàng, mà thường xuyên trong tình trạng nửa ngày không vào được đến cửa do ô tô lạ đỗ kín ngõ nên giờ đây đã phải chuyển trụ sở đi nơi khác. Những người dân sống ở ngõ này có việc cần đánh ô tô ra khỏi nhà mà không biết tìm chủ xe ở đâu, họ đỗ xe rất vô ý thức, không thèm để lại số điện thoại để liên hệ. Có ở đây mới thấy sự bức xúc của người dân từng ngày, từng giờ với nạn đỗ xe bừa bãi như vậy", một người dân sống tại ngõ 102 Ngụy Như Kon Tum cho biết.

Tự ý lắp khóa bẫy, dựng cọc cấm đỗ xe, chủ nhà có vi phạm pháp luật? - 2

Ngõ 102 Ngụy Như Kon Tum thường xuyên trong tình trạng hết chỗ để xe vì ở đây tập trung nhiều quán cà phê, công ty (Ảnh: Thế Hưng).

Anh Phạm Công (Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên ngồi cà phê tại khu vực này cũng xác nhận tình trạng đỗ xe ô tô ở đây rất lộn xộn. Không ít lần anh Công chứng kiến cảnh va chạm giữa xe máy và xe ô tô đỗ hai bên đường.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Công an Phường Nhân Chính cho biết, chủ hộ làm cọc chống đỗ xe trước cửa vì bức xúc với xe ô tô của người lạ, khách tới uống cà phê đỗ lại.

Tự ý lắp khóa bẫy, dựng cọc cấm đỗ xe, chủ nhà có vi phạm pháp luật? - 3

Chủ nhà bức xúc vì nhiều xe lạ tới đỗ trước cửa (Ảnh: Thế Hưng).

"Việc làm của chủ nhà chưa gây ra ảnh hưởng gì nên chúng tôi không xử phạt mà chỉ nhắc nhở họ", đại diện Công an phường Nhân Chính khẳng định.

Qua trao đổi với Chủ tịch UBND phường Nhân Chính - ông Nguyễn Kiều Hưng, cho hay: "Chủ nhà tự làm các cọc này nhưng phường đã yêu cầu tháo dỡ từ cuối tuần trước. Khi được nhắc nhở, chủ hộ đã chấp hành ngay". 

Chiếm dụng lòng đường có thể đối mặt khung hình sự?

Trao đổi với Dân trí về sự việc trên, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, theo các quy định pháp luật Dân sự, Luật giao thông đường bộ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì người có nhà ở mặt đường chỉ có quyền sở hữu, sử dụng, quản lý bất động sản theo ranh giới ghi nhận tại các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu sử dụng.

Đối với phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà người dân là tài sản công cộng, do nhà nước quản lý. Đã là tài sản công cộng thì mọi người đều bình đẳng trong việc khai thác, sử dụng. Bởi vậy người dân có bất động sản cạnh đường giao thông cũng chỉ có quyền sử dụng phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình như các cá nhân khác trong xã hội.

Hiện nay không có một quy định nào trao cho chủ nhà có quyền ưu tiên khai thác sử dụng vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình hơn các chủ thể khác. Họ cũng không có quyền ngăn chủ thể khác khai thác sử dụng phần tài sản công này và càng không có quyền chiếm lấy làm tài sản sử dụng riêng, ngăn cản các chủ thể khác trong xã hội khai thác sử dụng.

Tự ý lắp khóa bẫy, dựng cọc cấm đỗ xe, chủ nhà có vi phạm pháp luật? - 4

Hành vi lắp vật cản trên đường có thể bị xử phạt (Ảnh: Thế Hưng).

Hành vi tự ý đặt vật cản, lắp đặt các thiết bị trên đường giao thông còn có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 10, điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 6- 8.000.000 đồng đối với cá nhân. Nặng hơn, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo điều 261 Bộ luật hình sự nếu hành vi đặt, để chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ ; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy mà gây hậu quả chết người hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì có thể bị phạt tù bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đáng chú ý, theo luật sư Lực thì dù pháp luật không có quy định chủ nhà ở ven đường có quyền sử dụng, khai thác riêng vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình để làm nơi đậu, đỗ xe nhưng về thực tiễn sử dụng, thói quen thì hành động này đều được cả xã hội thừa nhận. Điều này đã trở thành tập quán trong xã hội, phù hợp với quy định tại điều 5 Bộ luật dân sự năm 2015.

Theo đó: "Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự".

Như đã nêu ở trên do pháp luật không có quy định nên để phân định việc ai có quyền khai thác, quản lý sử dụng phần vỉa hè cần phải áp dụng tập quán. Vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà người có bất động sản cần ưu tiên cho chủ nhà khai thác sử dụng tuân theo quy định tại khoản 2, điều 5, Bộ luật dân sự năm 2015: "Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này".

"Trong một xã hội văn minh, mọi ứng xử của người dân trong các quan hệ dân sự dựa trên các quy định pháp luật, trường hợp pháp luật chưa điều chỉnh thì áp dụng tập quán, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là lẽ công bằng. Mong rằng chủ nhà, người dân nắm bắt được các nội dung nêu trên để từ đó có hiểu biết và đưa ra các ứng xử hài hòa, phù hợp đảm bảo quyền lợi cá nhân, an ninh trật tự xã hội", luật sư Lực chia sẻ.

Theo quan điểm riêng, Luật sư Trần Viết Hà, LS Thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn chia sẻ, việc người dân tự ý xây thiết bị cấm đỗ trên đường, tạo chướng ngại vật trên đường phố là vi phạm pháp luật. Cụ thể hành vi này là một trong các trường hợp bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008: Cấm đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ."

Tự ý lắp khóa bẫy, dựng cọc cấm đỗ xe, chủ nhà có vi phạm pháp luật? - 5

Mặt đường bị tự ý khoan đục (Ảnh: Thế Hưng).

Tự ý lắp khóa bẫy, dựng cọc cấm đỗ xe, chủ nhà có vi phạm pháp luật? - 6

Ốc vít còn lại ở hiện trường (Ảnh: Thế Hưng).

"Theo đó với hành vi nói trên, căn cứ điểm b, khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP chủ hộ dựng dọc, khoan đường lắp khóa có thể sẽ phạt tiền từ 2.000.000-3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000-6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông", luật sư Hà khẳng định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm