Từ vụ "Trang Nemo": Hống hách trên mạng, trả giá ngoài đời
(Dân trí) - Nhiều người nhờ mạng xã hội mà "đổi đời" sau một đêm. Nhưng không ít trong số đó, đã phải trả giá bằng việc "bóc lịch" bởi tự cho rằng mình có quyền "thực thi công lý".
Bản án 9 tháng tù vì tội gây rối trật tự công cộng dành cho "hot girl thị phi - Trang Nemo" như một lời cảnh tỉnh đến những người đang sử dụng mạng xã hội để thách thức pháp luật.
Bên cạnh sự việc gây ồn ào, đánh nhau gây thương tích của Nguyễn Xuân Hương Trang - Trang Nemo, nhiều người cho rằng, sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu người này không bị bệnh "ngáo quyền lực".
Nguồn cơn của sự việc chính là sau vụ ẩu đả tại cửa hàng, "Trang Nemo" lên mạng livestream (phát sóng trực tiếp) gây phẫn nộ với người bị hại và dư luận. Nhiều người cho rằng, đây là thái độ thách thức, coi thường pháp luật, thể hiện rõ bệnh "ngáo quyền lực" của một số Tiktoker, Youtuber (những người làm sáng tạo nội dung trên nền tảng titok, youtube)… thời nay.
Và mới đây "Trang Nemo" chính thức bị tuyên án 9 tháng tù vì tội gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng bản án còn nhẹ với cô "hot girl thị phi" này.
Độc giả Huy SAINDECO: "Trang Nemo và đồng phạm xứng đáng bị xử lý hình sự vì tính chất vụ việc, và hành vi thách thức pháp luật. Có mặt lực lượng an ninh ở đó nhưng cô ta tỏ vẻ không hề sợ hãi, mà ngang nhiên đánh người như sự thách thức với cơ quan chức năng. Nên phạt tù từ 1-2 năm mới xứng đáng với tội danh".
Độc giả Trung nguyen: "Xử nghiêm những đối tượng này để cảnh tỉnh cho những người khác. Giới trẻ hiện tại có những người hành động rất bộc phát, hành xử kiểu hoang dã vô văn hóa. Làm gì cũng phải nghĩ trước sau, không vi phạm pháp luật".
"Đánh người còn livestream. Thái độ quá ngông nghênh và coi thường pháp luật, nên phạt nặng hơn nữa để răn đe cho tất cả những ai đang lạm dụng mạng xã hội để khẩu chiến", độc giả Trang Le.
Độc giả Linh Nguyen: "Một phút bốc đồng, 9 tháng bốc gạch, nên xử tù thật nặng hơn nữa nhằm răn đe luôn một số thành phần ảo tưởng sức mạnh trên mạng như các tiktoker, youtuber... nghĩ muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm".
Trên các diễn đàn MXH, nhiều người cho rằng nên phạt thật nặng hơn nữa nhằm răn đe một số thành phần ảo tưởng sức mạnh trên mạng như các tiktoker, youtubers, KOLS... nghĩ muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Thậm chí một số KOL (người có sức ảnh hưởng) đang tự cho mình quyền hành hơn người, được quyền phán xét, chỉ trích hay thậm chí đụng tay chân với người khác.
Thực tế cho thấy, nhiều người dùng mạng xã hội mang tâm lý ảo tưởng, dùng sự tranh cãi để điều hướng dư luận. Nhiều người trong cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam rất thích những nội dung gây tranh cãi.
Nội dung càng tiêu cực càng nổi tiếng, càng được lan truyền chóng mặt. Chính điều này đã tạo kẽ hở để những người làm nội dung số bám vào đó ăn theo.
Khi người dùng bất chấp mọi giá trị đạo đức để tạo danh tiếng trên mạng xã hội
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Thị Lan Hương, nếu như ngày trước, chỉ có các đơn vị báo chí truyền thống mới có được công nghệ và nguồn lực để xây dựng các trang tin, tòa soạn, các kênh truyền hình thu hút lượng theo dõi, quan tâm lớn, và được coi là quyền lực thứ tư trong xã hội. Tuy nhiên, kể từ ngày xuất hiện mạng xã hội, điều này đã thay đổi rất nhiều.
Thời điểm hiện tại, với nhiều hình thức mới của mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube short, Instagram view (các đoạn video ngắn trên nền tảng Youtube, Instagram), bất kể ai cũng có thể tạo ra nội dung, và nó có thể đẩy một người từ vô danh thành nổi tiếng chỉ trong một đêm với video chứa nội dung không nhất thiết phải hay. Những nội dung này không hề có rào cản về nguyên tắc hay quy chuẩn.
Hầu hết các thông tin thu hút, tạo ra xu hướng nhanh lại là những thông tin giết người, cướp của, sốc, sex, ghen tuông… Chính điều này vô tình hình thành các content creators (những nhà sáng tạo nội dung số) bất chấp tất cả để đạt được lượng views (lượt xem) như mong muốn. Và khi bước đầu đã đạt được mục tiêu thì người ta sẽ lao theo con số đó để làm sao giữ vững vị thế và tiếp tục tạo sức ảnh hưởng tới nhiều người hơn nữa.
Điều nguy hiểm đối với độc giả tiếp nhận chính là những thông tin trên không hề có bất cứ rào cản đạo đức nào. Trong trường hợp như vụ "Trang Nemo" có thể hiểu đơn giản là người này đang bất chấp mọi thứ để bán hàng, tạo danh tiếng trên mạng xã hội, chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình để thay pháp luật thực thi công lý. Và hậu quả có thể thấy rõ chính là bệnh "ngáo quyền lực" khi người này đã livestream để thách thức người bị hại, pháp luật và dư luận.
Đối với những người "chưa hề được chuẩn bị" để kiểm soát được kênh mà có nhiều người theo dõi thì rất dễ rơi vào trạng thái tâm lý thao túng, quyền lực, giữ và duy trì cái sức ảnh hưởng đó, vì không ai muốn mất đi "tài sản trên mạng" này cả.
Mặc dù các nền tảng đều có chế độ hạn chế các nội dung "xấu", "bẩn", tuy nhiên, những thông tin tiêu cực vẫn tìm cách lách và có một sự ảnh hưởng nhất định trong một khoảng thời gian ngắn đối với những độc giả đang hàng ngày tiếp nhận.
Nên chăng, các nền tảng xã hội cần có các cuộc đào tạo, sự quan tâm, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nhiều các chương trình nhằm định hướng những content creators (người sáng tạo nội dung số) hiểu thế nào là nội dung có giá trị, như thế nào là nội có tác động xã hội xấu thì có lẽ việc làm nội dung "chộp giật" dẫn đến ngáo quyền lực sẽ không còn chỗ đứng.