Từ vụ Tịnh thất Bồng Lai: Người cao tuổi phạm tội được ưu đãi gì?

Khả Vân

(Dân trí) - Hiện nay sự quy định khác nhau, chưa thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về khái niệm người cao tuổi, người già yếu gây ra không ít khó khăn, trở ngại cho công tác thi hành pháp luật.

Công an tỉnh Long An vừa tiến hành khởi tố bị can đối với 4 người ở Tịnh thất Bồng Lai: ông Lê Tùng Vân (SN 1932), Lê Thanh Hoàn Nguyên (1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (1991), Lê Thanh Trùng Dương (1995) về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân". 

Trong đó, ông Lê Tùng Vân, người có dấu hiệu phạm tội hình sự trong vụ việc này có độ tuổi rất cao - 89 tuổi.

Với truyền thống tôn trọng người cao tuổi nên chính sách pháp luật đối với người cao tuổi của nước ta có những bảo vệ khác biệt, ưu đãi hơn so với các độ tuổi khác. Chúng ta cùng tìm hiểu pháp luật hình sự hiện hành quy định trách nhiệm hình sự đối với người cao tuổi phạm tội và người bị hại là người cao tuổi.

Từ vụ Tịnh thất Bồng Lai: Người cao tuổi phạm tội được ưu đãi gì? - 1

Các đối tượng ở Tịnh thất Bồng Lai lợi dụng trẻ em để chiếm đoạt tài sản người khác.

Bao nhiêu tuổi được xác định là người cao tuổi?

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết: Theo Điều 2, Luật người cao tuổi năm 2009 xác định: "Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên".

Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự hiện hành không giải thích thế nào là người cao tuổi mà chỉ đề cập đến tình trạng sức khỏe, độ tuổi của người phạm tội, người bị hại trong vụ án hình sự sẽ được hưởng những ưu đãi, chịu trách nhiệm hình sự khác biệt khi là người "già yếu", "người từ đủ 70 trở lên", "người từ đủ 75 tuổi trở lên".

Trường hợp người "già yếu", "người từ đủ 70 trở lên" là người bị hại trong vụ án hình sự

Tình tiết định tội, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự khi phạm tội với người già yếu, người từ đủ 70 tuổi trở lên trong các tội: Cố ý gây thương tích (điều 134), tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (điều137), tội hành hạ người khác (điều 140), tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điều 157), tội bắt cóc con tin (điều 301)… của Bộ luật hình sự (BLHS)

Cụ thể trong tội cố ý gây thương tích, người thực hiện hành vi gây thương tích với người bị hại là người già yếu thì sẽ bị xác định là phạm tội dù tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11%. Trong khi cùng với hành vi gây thương tích, cùng mức độ tỷ lệ tổn thương tương tự nhưng với các người bị hại không già yếu thì không đủ yếu tố định tội.

Với những tội danh khác có người bị hại là người già yếu, người từ đủ 70 tuổi trở lên thì khung hình phạt tòa án sẽ với người phạm tội là khoản 2 với mức án nặng hơn thay vì khoản 1.

Người phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi phạm tội đối với người bị hại từ đủ 70 tuổi trở lên (điểm i, khoản 1, điều 52 BLHS).

Trường hợp "người già yếu", "người từ đủ 70 trở lên", "người từ đủ 75 tuổi trở lên" là người phạm tội

Được giảm nhẹ, không áp dụng hình phạt:

Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu người đó đủ 75 tuổi trở lên (khoản 2, 3 điều 40 BLHS).

Được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên" (điểm 0, khoản 1, điều 51 BLHS).

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "phạm tội do lạc hậu" (điểm m, khoản 1 điều 51 BLHS) do người từ đủ 60 tuổi trở lên sinh khoảng năm 1961 trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh dẫn tới việc học tập, đời sống kinh tế, văn hóa hiểu biết có những hạn chế nên hiểu biết pháp luật thường không đầy đủ. Đây là những người bị tụt lại phía sau, không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung đã trở nên cũ, không còn thích hợp với hoàn cảnh, yêu cầu, điều kiện mới.

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc khoản 2 điều 51 Bộ luật hình sự do có bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận cơ quan, đoàn thể cấp cho người cao tuổi.

Được tha tù trước thời hạn có điều kiện với ít thời gian, điều kiện hơn:

Trường hợp người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên thì điều kiện tha tù trước thời hạn chỉ là: đã chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Thay vì mức: đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn (khoản 1 điều 66 BLHS).

Như vậy người từ đủ 70 tuổi có điều kiện tha tù trước thời hạn ít, ngắn hơn so với người phạm tội khác: sớm hơn 03 năm đối với hình phạt tù Chung thân và mức 1/3 thay vì mức1/2 thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn.

Được những ưu đãi khi bị áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự, thi hành án:

Không áp dụng biện pháp tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác với người già yếu mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng (khoản 4, điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự).

Người già yếu mà có người chăm sóc bị tạm giữ, tạm giam thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, tạm giao phải ra quyết định giao người già yếu đó cho người thân thích khác chăm sóc hoặc giao cho chính quyền cấp xã chăm sóc (khoản 1, điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự) .

Không được áp giải, dẫn giải người già yếu (Khoản 6, điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự).

Không áp dụng cùm chân đối với người bị kỷ luật là người đủ 70 tuổi trở lên (Khoản 3, điều 23 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam).

Được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù do già yếu (điểm d, khoản 2, điều 38 Luật thi hành án hình sự năm 2019).

Được Tòa án xem xét rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại đã được tuyên tại Bản án đã có hiệu lực (khoản 3, điều 64 Luật thi hành án hình sự năm 2019).

Được giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ với điều kiện đã chấp hành được 1/4 thời hạn án phạt thay vì điều kiện đã chấp hành 1/3 án phạt (Khoản 4, điều 102 Luật thi hành án hình sự năm 2019).

Được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Như vậy có thể thấy tính nhân đạo, nhân văn trong chính sách pháp luật đối với người cao tuổi của nước ta khi có những quy định cụ thể khác biệt, ưu đãi hơn về người cao tuổi so với các độ tuổi khác khi phạm tội, khi là người bị hại, người bị chấp hành hình phạt.

Tuy nhiên hiện nay sự quy định khác nhau, chưa thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về khái niệm người cao tuổi, người già yếu gây ra không ít khó khăn, trở ngại trong công tác thi hành pháp luật với nhóm người này. Mong rằng trong thời gian tới công tác lập pháp sẽ quan tâm, xem xét giải quyết sự khách biệt, chưa rõ ràng, thống nhất này.