Từ vụ phạt 22 triệu ở Lào Cai: Nhà nghèo có được miễn, giảm tiền xử phạt?

Khả Vân

(Dân trí) - Từ vụ việc một phụ nữ ở Lào Cai bị xử phạt 22 triệu đồng vì thường xuyên ép con đẻ đi bán hàng rong, độc giả Dân trí thắc mắc: hộ nghèo có được miễn, giảm tiền nộp phạt không?

Như đã đưa tin, UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà L.T.M. 22 triệu đồng do thường xuyên ép 2 con đẻ đi bán hàng rong kiếm tiền.

Trước đó, vào hồi 21h14 ngày 11/3, Tổ công tác số 4 phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong tại đường phố Thạch Sơn ở trung tâm thị xã, phát hiện 2 cháu bé là T.T.P. (SN 2013) và T.M.B. (SN 2020), cùng cư trú tại xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, mang theo 7 móc khóa để bán cho khách du lịch.

Tại thời điểm kiểm tra, hai cháu bé không có người giám hộ đi cùng. Tổ công tác đã lập biên bản vụ việc và đưa hai cháu về chăm sóc tại Trung tâm chính trị thị xã Sa Pa.

Từ vụ phạt 22 triệu ở Lào Cai: Nhà nghèo có được miễn, giảm tiền xử phạt? - 1

Cơ quan chức năng thị xã Sa Pa làm việc với chị L.T.M. (bìa phải) về hành vi ép con đẻ đi bán hàng rong (Ảnh: Trung tâm VHTTTT Sa Pa).

Bình luận về sự việc, nhiều độc giả Dân trí băn khoăn về mức xử phạt này bởi nếu có số tiền 22 triệu để nộp phạt, chắc gia đình chị M. cũng không đến nỗi phải để con đi bán móc khóa dạo như thế.

"Thiết nghĩ chính quyền nên cảnh cáo giáo dục và có biện pháp giáo dục, hỗ trợ tạo điều kiện cho gia đình của chị M. có công ăn việc làm, bố trí khu bán hàng lưu niệm để gia đình chị và bà con ở đây có nơi sinh sống ổn định. Mặc dù hành vi của chị M. là không đúng, nhưng mức phạt đó quá cao đối với gia đình chị", ý kiến của độc giả Nguyễn Hồng Minh.

Độc giả Nguyễn Trung Trực đồng quan điểm: "Nên cảnh cáo giáo dục thì tốt hơn chăng? Nếu lần sau còn tái phạm thì mới nên mạnh tay để đảm bảo tính nhân văn".

Bên cạnh đó, có độc giả thắc mắc, nếu gia đình chị M. là hộ nghèo thì có được miễn, giảm tiền nộp phạt hành chính không, bởi phạt số tiền lớn vậy thì họ lấy đâu ra?.

Giải đáp băn khoăn của độc giả, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết cá nhân thuộc hộ nghèo không thuộc đối tượng được miễn giảm tiền phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nếu trường hợp này thuộc hộ nghèo nên dẫn đến việc không có khả năng chi trả do gia đình khó khăn thì có thể được xem xét để được miễn hoặc giảm một phần tiền phạt nhưng phải thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật.

Theo đó, để được xem xét là hộ nghèo, cần căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/ 2021.

"Điều 2. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình

Hộ nghèo:

a) Khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Căn cứ Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định về trường hợp giảm, miễn tiền phạt như sau:

"Điều 77. Giảm, miễn tiền phạt

1. Việc giảm một phần tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật này được quy định như sau:

a) Cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;

2. Cá nhân được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt do không có khả năng thi hành quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;

b) Đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này nhưng gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

...

4. Cá nhân không có khả năng thi hành quyết định được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật này mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;

b) Bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

...

6. Cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt kèm theo xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận, được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định việc giảm, miễn và thông báo cho người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do".

Theo đó, ở trường hợp cụ thể là vụ việc của chị M. hay bất cứ hoàn cảnh thuộc hộ nghèo trong khu vực được trợ cấp và hưởng những quyền lợi của hộ nghèo, để được miễn hoặc giảm một phần tiền phạt thì phải có đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt kèm theo xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để người ra quyết định xử phạt xem xét.