Từ vụ Phan Công Khanh bị bắt: Có thể bị xử lý ra sao nếu tự ý đổi màu ô tô?
(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi tự ý đổi màu phương tiện mà không thông báo cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính với mức phạt 2-4 triệu đồng.
Trong vụ việc Phan Công Khanh (tức Khanh Super, 29 tuổi, quê Bến Tre) bị Công an TP.HCM bắt giữ để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tang vật là chiếc xe McLaren 650S Spider có giá bán khoảng 9-10 tỷ đồng trên thị trường xe cũ.
Chiếc xe là tài sản của chị Hương (SN 1991, ở TP.HCM) và đã trải qua ít nhất 2 đời chủ cùng nhiều lần đổi màu trước khi thuộc sở hữu của người phụ nữ này. Đầu tiên, chiếc xe mang màu cam khi được nhập về Việt Nam năm 2016.
Một thời gian sau, siêu xe thuộc về tay "ông trùm cafe" Đặng Lê Nguyên Vũ và được đổi sang màu trắng. Tới giữa năm 2018, ông Vũ bán xe cho thiếu gia Nghiêm Đức (chồng cũ người mẫu Diệp Lâm Anh). Xe được đổi sang màu xanh lá và màu hồng trong thời gian ông Đức sử dụng.
Cuối năm 2020, doanh nhân này bán xe. Ở lần xuất hiện tiếp theo, chiếc xe có màu xanh cốm trước khi được chị Hương "thay áo" bằng bộ decal nghệ thuật và được giữ như vậy từ đó tới nay.
Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, pháp luật quy định ra sao về việc đổi màu ô tô? Nếu tự ý đổi màu phương tiện mà không làm thủ tục, thông báo cơ quan chức năng thì có thể bị xử phạt hay không?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường như có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; có đủ đèn chiếu sáng gần xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu; có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực hay các kết cấu phải đủ độ bền và đảm bảo tính năng vận hành ổn định...
Điều 55 Luật này về bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ quy định chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, chủ xe không được tự ý thay đổi tổng thành, trong đó có màu xe, mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trước khi cải tạo, thay đổi màu xe (kể cả vẽ, quảng cáo), chủ xe đều phải khai báo trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe và được xác nhận của cơ quan đăng ký xe thì mới được làm.
Sau khi đăng ký, được xác nhận và đã thay đổi xong màu xe, chủ xe sẽ làm thủ tục đổi lại Giấy chứng nhận đăng ký xe đối với phương tiện của mình.
Hành vi tự ý thay đổi màu sơn xe mà không đăng ký với cơ quan quản lý có thẩm quyền là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, người có hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.