Từ vụ hoa hậu bán dâm 200 triệu: Xử lý thế nào số tiền mua dâm?

PV

(Dân trí) - Luật sư nhìn nhận, theo quy định pháp luật, số tiền phục vụ hoạt động mại dâm sẽ bị tịch thu. Người mua dâm không có quyền đòi lại số tài sản đó.

Công an TP.HCM mới đây đã triệt phá đường dây môi giới mại dâm do Nguyễn Thành Liêm (34 tuổi, quê Cà Mau) và Hà Thụy Vân Anh (24 tuổi, ở quận Tân Phú, TP.HCM) cầm đầu. Khai thác lời khai, cơ quan chức năng kiểm tra, bắt quả tang 4 cặp nam nữ có hành vi mua bán dâm thông qua môi giới của 2 nghi phạm tại tòa nhà O.R.S. (quận 7) và khách sạn La Galerie (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Trong số này, T.T.H. (36 tuổi, Hoa hậu Thế giới người Việt) bán dâm với giá 200 triệu đồng. N.N.T.T. (27 tuổi, Hoa khôi Du lịch Việt Nam) bán dâm giá 45 triệu đồng trong khi hai cô gái còn lại bán dâm với giá 5 triệu đồng.

Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật, số tiền mua dâm sẽ được xử lý thế nào?

Từ vụ hoa hậu bán dâm 200 triệu: Xử lý thế nào số tiền mua dâm? - 1

Liêm và Vân Anh tại thời điểm bị cảnh sát bắt giữ (Ảnh: Công an cung cấp).

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm như sau:

Đối với người mua dâm, Điều 22 Pháp lệnh này quy định tùy tính chất, mức độ vi phạm thì người mua dâm có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Trong trường hợp mua dâm đối với người chưa thành niên hoặc người mua dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Đối với người bán dâm, theo Điều 23 Pháp lệnh này, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà người đó có thể bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Trường hợp người vi phạm là người nước ngoài thì có thể bị áp dụng các hình thức cảnh cáo, phạt tiền hoặc trục xuất khỏi Việt Nam.

Đối với người môi giới mại dâm, đây là hành vi phạm tội và sẽ bị xử lý hình sự về tội Môi giới mại dâm theo Điều 328 Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, đối với các hành vi mua dâm và bán dâm, nếu không thuộc trường hợp bị xử lý hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Căn cứ Điều 24 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, khung hình phạt đối với hành vi mua dâm sẽ là 1-5 triệu đồng. Đối với hành vi bán dâm, theo Điều 25 Nghị định này, mức phạt sẽ từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Ngoài ra, đối với cả 2 hành vi này, người vi phạm đều bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính.

Về khái niệm tang vật vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 chưa quy định cụ thể về khái niệm này. Tuy nhiên, Điều 26 Luật này định nghĩa khái niệm "tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính" là việc sung vào ngân sách Nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính.

Theo khoản 6, Điều 5 Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ, việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính có thể được áp dụng đối với trường hợp vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.

Căn cứ những quy định trên, có thể thấy tiền mua bán dâm là phương tiện liên quan trực tiếp tới vi phạm hành chính nên được coi là tang vật vi phạm hành chính. Nếu không có số tiền này, hành vi vi phạm hành chính không thể thực hiện được. Do đó, có cơ sở để áp dụng biện pháp tịch thu tang vật hành chính trong trường hợp này.

Như vậy, đối với những người mua bán dâm, số tiền phục vụ cho hoạt động mại dâm này sẽ bị tịch thu, sung công quỹ chứ không được trả lại cho chủ nhân của số tiền đó.

Hoàng Diệu