Từ vụ diễn viên Ngọc Lan khóc vì bảo hiểm: Điều chỉnh phí đóng được không?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, đối với một số công ty bảo hiểm, trong quá trình tham gia bảo hiểm người mua có quyền yêu cầu điều chỉnh về số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm trong hợp đồng đã ký.

Diễn viên Ngọc Lan mới đây gây chú ý khi bất ngờ khóc nức nở trên livestream và chia sẻ rằng mình có nguy cơ mất số tiền lên đến hàng tỷ đồng vì không đọc kỹ hợp đồng khi mua bảo hiểm.

Cô cho biết đã tham gia bảo hiểm cách đây 3 năm, trong đó có một hợp đồng bảo hiểm cho bản thân và một hợp đồng cho con trai. Mỗi năm nữ diễn viên đóng hơn 700 triệu đồng cho cả 2 bảo hiểm với mong muốn sau 10 năm được nhận về số tiền gốc gần 7 tỷ đồng theo lời của nhân viên tư vấn.

Tuy nhiên, gần đây cô mới biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm. Bên cạnh đó, do hợp đồng còn bao gồm nhiều khoản bảo hiểm khác đi kèm, nên số tiền mà cô có thể nhận về sẽ ít hơn rất nhiều so với dự kiến. 

Sự việc khiến nhiều người cùng chung nỗi lo lắng và đặt nhiều câu hỏi như vì sao khách hàng không được tham gia vào quá trình soạn thảo, điều chỉnh quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm của mình? Mọi người thường nói rằng để giải quyết được quyền lợi thường thủ tục rất phức tạp, thực hư như thế nào? Khi cần phải bồi thường bảo hiểm, điều chúng tôi nên làm là gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Trong suốt quá trình tham gia đóng BHNT, nếu có điều chỉnh về nhu cầu gói sản phẩm có giá trị nhiều hơn hoặc ít hơn, chúng tôi có thể thay đổi trên hợp đồng đã ký được không?

Từ vụ diễn viên Ngọc Lan khóc vì bảo hiểm: Điều chỉnh phí đóng được không? - 1

Diễn viên Ngọc Lan (Ảnh: Facebook nhân vật).

Hiểu một cách đơn giản, bảo hiểm nhân thọ là giải pháp cung cấp một khoản tài chính cho người tham gia để đáp ứng nhu cầu chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí phải bỏ ra trong tương lai khi xảy ra các rủi ro như ốm đau, thương tật, mất sức lao động, tai nạn, tử vong… hoặc để hoàn thành những dự định trong tương lai như đảm bảo việc học cho con, mua nhà, mua xe, an dưỡng tuổi già…

Tuy nhiên, do một số lý do khách quan bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang bị nhìn nhận chưa đầy đủ. Những thắc mắc trên của độc giả đã từng được giải đáp tại tọa đàm "Bảo hiểm và đời sống" mà báo Dân trí thực hiện trước đây với sự giải đáp của các chuyên gia.

Người mua bảo hiểm có quyền yêu cầu điều chỉnh về số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm trong hợp đồng đã ký

Về thắc mắc, vì sao khách hàng không được tham gia vào quá trình soạn thảo, điều chỉnh quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm của mình?

PGS.TS.NGƯT Đoàn Minh Phụng - Học viện Tài chính cho biết, tất cả các quy tắc, điều khoản, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, biên lai thu phí bảo hiểm lần đầu, bảng minh họa quyền lợi của khách hàng đều được Bộ Tài chính phê chuẩn. Như vậy các nội dung được Bộ Tài chính phê chuẩn không được sửa một từ một chữ, chỉ có khoảng trống để khách hàng điền vào, thể hiện sự lựa chọn của khách hàng hoặc để khách hàng kê khai thông tin, phục vụ nhu cầu bảo hiểm.

Như vậy, cả doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và khách hàng đều không được sửa một từ, một chữ trong các văn bản trên so với nội dung mà Bộ Tài chính đã phê duyệt. Quy định trên đều xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi cho người được bảo hiểm, nếu không quy định như vậy, việc chỉnh sửa các điều kiện, điều khoản hoặc ghi thêm các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng có thể dẫn đến bất lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Trước câu hỏi, mọi người thường nói rằng để giải quyết được quyền lợi thường thủ tục rất phức tạp, thực hư như thế nào? Khi cần phải bồi thường bảo hiểm, điều chúng tôi nên làm là gì để bảo vệ quyền lợi của mình?, ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết:

Trong quy tắc điều khoản bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm đều ghi rõ quyền lợi bảo hiểm bao gồm các khoản tiền được chi trả toàn bộ hay một phần số tiền được bảo hiểm (theo một số tiền nhất định hoặc theo tỉ lệ % trên số tiền bảo hiểm, đồng thời cũng quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ giấy tờ cần thiết kèm theo giấy yêu cầu trả tiền bảo hiểm). Người tham gia bảo hiểm nên đọc kỹ và thực hiện theo hướng dẫn các văn bản trên để được trả tiền bảo hiểm nhanh chóng và chính xác.

Tuy nhiên, có một số trường hợp có nghi vấn về kê khai số tiền yêu cầu chi trả bảo hiểm chưa chính xác thường liên quan đến bệnh lý hoặc chi phí điều trị (như cảm cúm nằm nội trú 30 ngày, vết thương phần mềm điều trị 2 tháng) hoặc có dấu hiệu gian lận bảo hiểm (theo điều 213 Bộ Luật Hình sự) thì doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có quyền xác minh thêm.

Thời gian xác minh chậm nhất là 30 ngày (theo luật Kinh doanh bảo hiểm), DNBH phải có kết luận thanh toán tiền bảo hiểm. Trường hợp DNBH nhũng nhiễu đòi hỏi thêm nhiều thủ tục, giấy tờ hoặc trả tiền bảo hiểm không đúng quy định, khách hàng có thể khiếu nại đến Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) - địa chỉ số 28 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nếu vẫn chưa được DNBH giải quyết theo đúng cam kết của hợp đồng bảo hiểm khách hàng có thể khởi kiện DNBH ra tòa án hoặc trọng tài để xử lý và được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Về thắc mắc, trong suốt quá trình tham gia đóng BHNT, nếu có điều chỉnh về nhu cầu gói sản phẩm có giá trị nhiều hơn hoặc ít hơn, chúng tôi có thể thay đổi trên hợp đồng đã ký được không?

Luật sư Đặng Ngọc Châu, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, đối với một số công ty bảo hiểm, trong quá trình tham gia bảo hiểm người mua bảo hiểm có quyền yêu cầu điều chỉnh về số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm đã ký. Người mua bảo hiểm chỉ cần lập hồ sơ theo mẫu gửi đến công ty bảo hiểm để yêu cầu điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm.

Một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có quy định tự động điều chỉnh phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm khi người mua bảo hiểm có khó khăn khi đóng phí bảo hiểm.

Theo dantri.com.vn