Nộp lại bao nhiêu tiền hối lộ thì có thể được miễn án tử hình?

Hải Hà

(Dân trí) - Trường hợp người nhận hối lộ tự động nộp lại 3/4 số tiền nhận hối lộ; tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án và lập công lớn, họ có thể được xem xét miễn án tử hình.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khung hình phạt đối với tội Nhận hối lộ được quy định như thế nào? Trong trường hợp bị truy tố với khung hình phạt cao nhất lên tới tử hình, người phạm tội có thể được xem xét miễn án tử hình trong trường hợp nào?

Trả lời

Luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Bách gia luật và liên danh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, người nào nhận hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục 1 Chương XXIII Bộ luật này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tùy thuộc số tiền nhận hối lộ cùng các tình tiết định khung, người phạm tội có thể đối diện các khung hình phạt khác nhau. Trong trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Về nguyên tắc áp dụng hình phạt tử hình, Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

Nộp lại bao nhiêu tiền hối lộ thì có thể được miễn án tử hình? - 1

Trong phiên tòa chuyến bay giải cứu, đại diện Viện kiểm sát đánh giá, Phạm Trung Kiên-cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ nhiều lần nhất, tổng số tiền nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất (Ảnh: Nguyễn Hải).

Hình phạt này sẽ không áp dụng hoặc không thi hành đối với những đối tượng sau: người dưới 18 tuổi khi phạm tội; phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc xét xử và người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Như vậy, đối với tội Nhận hối lộ, người phạm tội sẽ được xem xét không thi hành án tử hình nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: Chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ; Tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án và Lập công lớn.

Ngoài ra, theo tinh thần của Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ được quy định như sau:

- Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.

- Trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

- Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015 đối với người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;

+ Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc, không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi;

+ Đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;

+ Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;

+ Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.