Từ việc chen nhau để nộp hồ sơ học lớp 1 cho con: Nên bỏ "chất lượng cao"?

Khả Vân

(Dân trí) - Nhiều độc giả cho rằng, trường tốt là trường ít lạm thu, các khoản "đóng góp không bắt buộc" đúng nghĩa, giáo viên không gợi ý các con đi học thêm... Một số độc giả đề xuất bỏ từ "chất lượng cao".

Sau bài viết "Cha mẹ xếp hàng xuyên đêm, chen lấn rách áo để nộp hồ sơ vào lớp 1 cho con", nhiều độc giả Dân trí đã bày tỏ ý kiến xung quanh về vấn đề chọn trường, lớp cho con ở cấp tiểu học.

Theo đó, "cấp một chọn trường, cấp hai chọn lớp, cấp 3 chọn thầy" là câu nói được nhiều phụ huynh truyền tai nhau khi con đến tuổi đi học. Thực tế hiện nay nhiều phụ huynh có con mới lên 4, 5 đã bắt đầu định hướng chọn trường cấp 1 cho con tùy thuộc vào quan điểm và kinh tế của gia đình.

Có phụ huynh tìm mọi cách, tận dụng mọi mối quan hệ để xin cho con vào học ở ngôi trường điểm, trường chất lượng cao. Có người cũng chỉ nghe đồn trường này "ngon", trường kia dở mà tỏ ra hoang mang.

Từ việc chen nhau để nộp hồ sơ học lớp 1 cho con: Nên bỏ chất lượng cao? - 1

Phụ huynh xếp hàng xuyên đêm trước cổng Trường Tiểu học Vạn Bảo để nộp hồ sơ nhập học cho con (Ảnh: NVCC).

Trong nhiều ý kiến bình luận gửi về báo Dân trí, nhiều cha mẹ cùng chung quan điểm rằng tiểu học thì cứ chọn trường gần nhà, thuận tiện đưa đón chứ không nhất thiết phải tranh giành vào trường điểm cho khổ. "Trường tốt là trường ít lạm thu và các khoản "đóng góp không bắt buộc" đúng nghĩa; giáo viên không gợi ý các con phải đi học thêm", ý kiến của độc giả Đức Khôi.

Quan điểm này được nhiều độc giả đồng tình ủng hộ.

Độc giả Nam Nguyễn: "Hiếu học thì tốt. Học giỏi càng tốt. Nhưng cái kiểu ganh đua và ép con học ngày học đêm, học trường này trường kia cho bằng con người ta là không thể chấp nhận được, nhất là với các cháu mầm non, tiểu học.

Tôi không quan trọng bé học ở trường nào mà quan trọng ở chỗ an toàn cho bé là được. Cái thứ 2 là thuận tiện trong việc đưa đón cháu. Tuổi này ý thức học tập của trẻ chưa được hoàn chỉnh nên chỉ cần vừa đủ năng lực là ok rồi. Vào trường điểm, trường chuẩn làm cho bé và phụ huynh áp lực hơn thôi".

"Cấp 1 cần thiết gì phải lựa trường top. Cái tư duy này là cái thể hiện sự áp đặt và kỳ vọng quá cao của người lớn. Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan thì hà cớ gì bắt mấy bé phải học ngày, học đêm, học để đạt thủ khoa tiểu học ư?.

Tiêu chí chọn trường cấp 1 cho con của tôi thứ nhất là trường phải gần nhà bởi các con vẫn còn bé nên thời gian di chuyển quá xa để đến trường không phải là tốt. Thứ hai là trường phải có khuôn viên rộng rãi bởi nhiều trường công lập tại Hà Nội có diện tích quá bé, sân trường không đáp ứng được nhu cầu vui chơi của các con đang ở tuổi hiếu động, làm giảm khả năng vận động của các con", độc giả Huy Minh.

"Cấp 3 hay bậc đại học thì có thể hiểu. Cấp 1,2 thì cứ gần nhà, tiện đường mà cho con học. Nên nhớ chương trình học ở Việt Nam cũng không phải chuẩn tuyệt đối theo kiểu nối tiếp tri thức, cấp dưới không biết cấp trên không dạy lại đâu mà lo. Giai đoạn con học bậc tiểu học, không ai khác chính bố mẹ là người thầy tốt nhất của con mình. Các con có hứng thú học tập ở giai đoạn này hay không, phần lớn phụ thuộc vào sự quan tâm của bố mẹ", độc giả Đỗ Trang.

Ở góc nhìn khác, độc giả Quân Bùi cho rằng ngành giáo dục nên bỏ từ "trường chất lượng cao" hoặc trường nào cũng phải chất lượng cao thì phụ huynh cũng bỏ tư tưởng phải vào đây và chen lấn đi. Vẫn là hội chứng đám đông và ảo tưởng, chẳng nghĩ cho trẻ phải chịu áp lực học như nào".

Đồng quan điểm, độc giả Lương Phạm đề xuất: "Nên xóa bỏ khái niệm "chất lượng cao" đối với các trường học cũng như các bệnh viện lớn trên cả nước. Việc này sẽ khiến người học/ người bệnh mất thêm tiền và tăng áp lực cho các trường học/ bệnh viện vì rất đông học sinh/ bệnh nhân đổ về các nơi này. Mới học đầu cấp mà đã cực khổ thế này rồi".