Tự nguyện!
Thời gian gần đây, người ta rất thích dùng hai chữ TỰ NGUYỆN trong giao tiếp với Nhân dân! Thật đúng là thời buổi dân chủ có khác!
Tự nguyện, chữ gốc Hán đấy, nhưng mà dễ hiểu, người bé hay người lớn; người nhiều chữ hay người ít chữ; người nông dân hay người công nhân; người trí “thức” hay người trí “ngủ”… chỉ nghe thoáng qua đều hiểu ngay!
Bệnh viện thì có “Phòng tự nguyện”, “Giường tự nguyện”, “Thuốc tự nguyện”; gần đây lại thấy có cả… “Thầy thuốc tự nguyện” nữa. Thoải mái chữa hỡi các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân? Muốn có phòng đầy đủ tiện nghi? - Có ngay! Muốn được bác sỹ… “xịn” chăm sóc? - Có ngay! Từ nay, không còn chê trách được điều gì nữa nhé miễn là… có tiền! Còn nếu chỉ có cái sổ Bảo hiểm y tế không thôi thì không có quyền vào “Phòng tự nguyện”, càng không yêu cầu được “Thầy thuốc tự nguyện”.
Trường học thì có lớp học… “thêm” tự nguyện. Ai muốn cho con cháu nên người, thì cứ việc tự nguyện làm đơn xin cho học thêm, chứ nhà trường không có bắt buộc đâu đấy! Khoản đóng góp khác của quý phụ huynh cũng vậy, nhà trường đã có nghị quyết không được thu bất cứ khoản tiền gì ngoài quy định của trên. Còn việc hội Phụ huynh các vị bầy ra việc thu khoản này, khoản kia làm phần thưởng động viên thầy cô giáo, để lo lễ tết nhà trường,… là chuyện tự nguyện của hội Phụ huynh, nhà trường không can thiệp vào những chuyện như thế đâu!
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Đến cơ quan công quyền cấp phường để xin giấy tờ, ví như giấy khai sinh, giấy hôn thú,… thì cũng là dịp người dân phải nhớ đến những khoản đóng góp tự nguyện mà bấy nay chưa… kịp đóng nhé. Ngoài ra, những khoản tiền in ấn tài liệu thì phải tự nguyện trả sòng phẳng đấy, mỗi tờ “A4” bên ngoài phô tô hết hai trăm, thì cơ quan lấy thành năm ngàn… Đấy là chuyện vặt, phải tự nguyện cho được việc thôi. Có ai còn cò kè suy tính để ra ngoài mà phô tô rồi quay vào xin dấu biết đâu lại bị gây khó dễ…
Mấy ngày vừa qua, báo chí lại đưa tin: bà con Nông dân muốn bán cá trước hạn thu mua của các nhà thầu cá, để khỏi bị tốn kém công nuôi, phải làm đơn “tự nguyện bán rẻ” xuống vài giá. Đó là bà con ta tự nguyện nhé, chứ chúng tôi không giở thói ép giá của “con buôn” với bà con đâu! Các nhà thầu cá giải thích vậy, vì nếu không làm đơn xin hạ giá, thì hóa ra “chúng tôi vi phạm hợp đồng với bà con ư?”. Còn bà con tuy bị lỗ to, nhưng vẫn “biết ơn” các doanh nghiệp đã thu mua kịp thời, nếu không, cứ tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt thế này, thì càng giữ cá lại ở ao, hồ, càng lỗ chổng kềnh!
“TỰ NGUYỆN”! Hai chữ vừa dễ hiểu, vừa gần gũi với cuộc sống đồng bào ta đến thế, thiết nghĩ nên “sáng tạo” thêm nhiều trường hợp để vận dụng phổ cập hơn nữa hai từ “tự nguyện”! Các Ngành các Cấp, nếu nơi nào chưa áp dụng kế sách cao kiến này, thì mau mau “học tập” đi; lợi cả ba bề bốn bên chứ chẳng chơi đâu!
Trần Huy Thuận
LTS Dân trí - Tác giả viết bài trên đây có nhã ý bình luận một cách châm biếm về hai chữ “tự nguyện” đang được dùng khá phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Hay nói theo cách nói mà đồng bào Miền Nam thường dùng là “Nói vậy mà không phải vậy”!
Thật ra hai chữ “tự nguyện” vốn có ý nghĩa tốt đẹp, nói lên sự thoải mái làm một công việc gì đó do tự mình muốn làm, không bị ai thúc ép bắt buộc phải làm. Nhưng trên thực tế, nhiều khi chữ “tự nguyện” được dùng với ẩn ý là bắt buộc (theo cách ngầm hiểu) như chuyện phụ huynh học sinh “tự nguyện”đóng góp nhiều khoản thu không tên vào đầu năm học, hay người bệnh “tự nguyện” xin chữa bệnh theo chế độ dịch vụ (mặc dù có bảo hiểm y tế hẳn hoi). Rồi chuyện bà con nông dân “tự nguyện” bán cá rẻ hơn giá đã ký kết trong hợp đồng… Nghe những chữ “tự nguyện” ấy mà thấy rầu lòng làm sao!
Hóa ra nói là “tự nguyện” mà không tự nguyện, hay chính xác hơn đấy là sự bắt buộc của “kẻ mạnh” đối với “kẻ yếu” chính là những người dân đang cần chữa bệnh, đang cần cho con đi học, hoặc đang cần bán cá… như tác giả bài viết nói trên nêu ra làm ví dụ.