"Từ chủ động nghỉ việc, tôi rơi vào khủng hoảng vì thất nghiệp bị động"

PV

(Dân trí) - Trong lúc rất nhiều người loay hoay, bất an vì làn sóng sa thải trên diện rộng, nhiều nhân sự vẫn quyết định xin nghỉ vì những lý do riêng.

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, làn sóng sa thải (layoff) diễn ra trên toàn thế giới khiến rất nhiều người lao động ở trong trạng thái bất an. Ở thời điểm hiện tại, duy trì một công việc ổn định để có thu nhập lo cho bản thân, gia đình là mục tiêu, ưu tiên của rất nhiều người.

Song cũng có nhiều người vì những lý do khác nhau mà đã và đang muốn nghỉ việc.

Một Agency (đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến truyền thông, quảng cáo) ở Hà Nội trong 6 tháng sau Tết Quý Mão ghi nhận tới 12 nhân sự xin nghỉ việc trong tổng số 47 nhân sự. Đây rất có thể chưa phải là con số cuối cùng khi tháng 9, tháng 10 được xem là mùa tuyển dụng thứ 2 của các công ty, tập đoàn.

Chuyện của những người nghỉ việc giữa làn sóng layoff

Phạm Quang Sáng (sinh năm 1996), từng có 6 năm va vấp với ngành thiết kế vừa xin nghỉ việc vào ngày cuối cùng của tháng 7 để trở thành một freelancer (người làm tự do). Trước lần nghỉ chính thức này, Sáng từng một lần xin nghỉ việc vào cuối tháng 5 tuy nhiên được thuyết phục ở lại.

"Đối với tôi, việc rèn luyện năng lực chuyên môn và có trách nhiệm với công việc là phẩm chất phải có của người lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động cũng cần có tầm nhìn chiến lược của họ và sắp xếp công việc phù hợp để tận dụng được điểm rơi của người lao động. Quyết định nghỉ việc của tôi được đưa ra khi 2 bên không nhìn được giá trị của nhau để cùng "chia sẻ"", Sáng cho biết. 

Từ chủ động nghỉ việc, tôi rơi vào khủng hoảng vì thất nghiệp bị động - 1

Có bạn trẻ lựa chọn bám trụ công việc đang có để đi qua "bão sa thải" (Ảnh: Freepik).

Linh Soo (SN 1999) chuyên dựng đồ họa 3D giải thích lý do nghỉ việc: "Vì cảm thấy môi trường làm việc không ổn. Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh như quyền lợi không rõ ràng, mâu thuẫn với đồng nghiệp hoặc sếp".

Sau khi nghỉ việc Linh vẫn làm về 3D nhưng thay vì làm game, cô chuyển sang làm về thương mại nhiều hơn.

Thủy Tiên (SN 1995) vừa quyết định nghỉ việc sau gần 4 năm gắn bó với công việc của một trang tin. "Mình mến đồng nghiệp, thích môi trường trẻ trung, năng động, nhưng nơi mình nghỉ việc hơi mòn sức, cường độ cao, thức đêm, thức hôm nhiều. Lúc đầu mình nghĩ có việc rồi mới nghỉ, nhưng sau đó mình thay đổi suy nghĩ, quyết định cứ nghỉ đi đã, việc tính sau".

Trong một group (nhóm) về công sở, một tài khoản ẩn danh đã chia sẻ về lý do quyết định nghỉ việc ngay trong thời điểm thị trường khó khăn: "Bản thân mình cũng suy nghĩ và đắn đo, nhưng mình nghĩ đây là quyết định chính xác. Công ty cũng có tiếng trên thị trường, mức lương khá ổn, nhưng công việc khá là nhàn hay nói cách khác là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của mình.

Bạn bè và người thân từng bảo mày còn muốn điều gì nữa, cứ làm đi rồi cuối tháng nhận lương, quan trọng thời kỳ này là tích lũy thu nhập. Mình hiểu khía cạnh của mọi người góp ý, nhưng bận cũng hết 1 ngày, nhàn rỗi cũng hết 1 ngày, khi mình không đem được cho giá trị gì cho công ty và bản thân thì ý nghĩ xin nghỉ nó càng thôi thúc hơn.

Mình đã trao đổi với sếp về tình trạng công việc hiện tại của mình, nhưng cũng không tìm được cách giải quyết chung, do sếp chỉ quan tâm đến kết quả mình đem lại được, còn lộ trình của mình thì mình cứ làm đi muốn thay đổi gì thì có thể báo lại. 

Mỗi ngày đi làm mình đều không muốn rẽ vào công ty, công việc cũng không tạo sự hứng thú để hết lòng chiến đấu, mình sợ tầm 2-3 năm nữa mình không biết mình là ai, muốn gì và không có gì để kể lại các trải nghiệm bản thân cho bạn bè, gia đình".

Nhưng không phải ai xin nghỉ việc cũng ở trong tâm thế chủ động như Sáng, như Linh, Tiên hay như tài khoản ẩn danh kể trên. 

Một tài khoản ẩn danh khác chia sẻ, "Sau khi bị công ty nợ lương 3 tháng thì em cũng quyết định xin nghỉ việc. Một tuần nay em đi dạo quanh để tìm việc mà sao thấy thị trường việc làm ảm đạm quá. Những lần trước đăng tin thì hộp thư cứ nổ ầm ầm, lần này thì cả ngày mới được vài cái JD (bản mô tả công việc)".

Nghỉ việc trong thời kỳ khủng hoảng, lạc quan là không đủ

Hậu nghỉ việc thường là khoảng thời gian thoải mái, dễ chịu bậc nhất khi nhân sự được rời khỏi các deadline (giới hạn thời gian nhất định phải hoàn thành một hay nhiều công việc, nhiệm vụ), không sợ bỏ lỡ thông tin, không cần chăm chú vào màn hình tối thiểu 8 tiếng một ngày khiến đôi mắt trong tình trạng khô mỏi và đầu óc thường xuyên rơi vào tình trạng căng như dây đàn.

Từ chủ động nghỉ việc, tôi rơi vào khủng hoảng vì thất nghiệp bị động - 2

Hậu nghỉ việc thường là khoảng thời gian thoải mái, dễ chịu bậc nhất khi nhân sự được rời khỏi các deadline (Ảnh minh họa: JobStreet).

Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, niềm vui này sẽ chẳng kéo dài quá lâu, đặc biệt nếu bạn mang trên lưng gánh nặng cơm áo. Nếu sau đó không tìm được công việc mới sau khi đã nghỉ ngơi đủ, thậm chí bạn sẽ còn căng thẳng, áp lực hơn nhiều. 

Thủy Tiên chia sẻ: "Lúc nghỉ việc tháng đầu thì vui lắm, nhưng đến tháng thứ 2 thì mình loay hoay và bắt đầu hơi lo lắng. Mình làm trong ngành sáng tạo nên còn lo dừng lại lâu sẽ không bắt kịp cái mới, mình cũng không giàu để nghỉ việc luôn mà không bận tâm đến tiền".

Một tài khoản ẩn danh cũng chia sẻ câu chuyện từ thất nghiệp chủ động chuyển thế thành thất nghiệp bị động của bản thân: "Chán việc công ty cũ muốn làm gì cho mới và khác hơn nên mình quyết định nghỉ việc. Sau đó đi du lịch, nghỉ Tết và chọn học nghề mới, xui thay chọn chỗ không có tâm, nhận tiền nhưng dạy không ra gì. 

Bay mất nửa năm, mình vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí thụt lùi, từ thế chủ động thành thế bị động. Công việc bấp bênh, tiền thì cạn dần. Xin việc lại thì nộp hồ sơ mà tỷ lệ gọi phỏng vấn thấp quá. Tự tin nghỉ việc bao nhiêu thì dần dần cái tự tin ấy nó vơi. Mình thấy bản thân hiện tại là một phiên bản quá tệ, luẩn quẩn hoài chưa thoát ra được"!

Tài khoản Nguyễn Kim Anh: "Em 23 tuổi và đã thất nghiệp gần 4 tháng. Thời gian này đáng sợ thật sự, em cứ ở nhà tìm việc hết ngày này qua ngày khác mà chả tìm được công việc nào, dù em đã có 1 năm kinh nghiệm về ngành mình theo. Nhìn bạn bè có công việc ổn định mà em thấy bản thân kém cỏi thật sự, bố mẹ thì hỏi sao mãi không có việc làm em thấy càng áp lực hơn".

Vậy có nên nghỉ việc trong thời kỳ khủng hoảng và nếu chọn nghỉ, cần chuẩn bị gì để tránh khủng hoảng cả về tâm lý lẫn tài chính?

Không có đáp án chính xác cho vấn đề này, nhưng từ câu chuyện của cá nhân, nhiều bạn đọc đưa ra ý kiến.

Bạn đọc Quang Sáng: "Những người làm trong nghề sáng tạo có lợi thế là hệ sinh thái công việc dành cho Freelancer rất tiềm năng. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc bạn phải chuẩn bị cho mình tính trách nhiệm thật cao".

Bạn đọc Mai Đường: "Nguyên tắc trong thời điểm kinh tế khó khăn: dù layoff liên tục nhưng vẫn phải là có công việc mới thì mới xin nghỉ. Nên nhìn xa về tương lai khi mà rất nhiều người thất nghiệp đó bạn à. Phải chừa đường lui cho bản thân đó".

Tài khoản Bò Khô: "Giai đoạn khó khăn, nếu chưa chuẩn bị được nguồn tài chính dự phòng tốt, bạn nên tìm được một công việc mới trước rồi xin nghỉ bạn ạ".

Tài khoản Linh Su: "Nếu bạn đã chuẩn bị tài chính cho ít nhất 6 tháng thất nghiệp thì nghỉ thôi, mình cũng xin nghỉ vào thời điểm layoff. Xác định thời gian chờ việc thì ăn tiêu ít lại, tiêu xài tính toán kỹ một chút".

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, trong 5 tháng đầu năm, có 509.903 lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương, chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Theo dự báo, tình hình khó khăn còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023. 

Hải Đăng