Từ chối bồi thường, Bảo hiểm Hàng không bị kiện ra tòa

Công ty CP Bảo hiểm Hàng Không (VNI) đang phải đối mặt với một vụ “đáo tụng đình” do từ chối bồi thường tổn thất vụ cháy nhà xưởng sản xuất sơn của Công ty Cổ phần NISHU Nam Hà, xảy ra đêm ngày 03/01/2011 tại Khu Công nghiệp Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam.

Từ chối bồi thường, Bảo hiểm Hàng không bị kiện ra tòa
Hiện trường vụ cháy
Khi doanh nghiệp bảo hiểm “tiền hậu bất nhất”

Trong đơn khiếu nại gửi tới PLVN, công ty CP NISHU Nam Hà cho biết: ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hiểm rủi ro trong quá trình sản xuất, ngày 18/8/2009 NISHU Nam Hà đã ký các Hợp đồng bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt số 040900277 cho cùng tài sản là: nhà xưởng, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất với Công ty CP Bảo hiểm Hàng Không (VNI).

Ngày 18/8/2010, hợp đồng số 040900277 hết hạn,VNI đề nghị NISHU Nam Hà ký hợp đồng tái tục và làm các thủ tục để ký tiếp hợp đồng. Do NISHU Nam Hà có một số tài sản đã thế chấp cho ngân hàng để vay vốn, do đó ngân hàng yêu cầu tách các hợp đồng bảo hiểm để ngân hàng là đơn vị thụ hưởng đối với những tài sản mà NISHU Nam Hà đã thế chấp.

Sau khi làm các thủ tục cần thiết, NISHU Nam Hà đã ký với VNI các hợp đồng: Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số số 081000587, Giấy chứng nhận Bảo hiểm số 081000587 có thời hạn bảo hiểm từ 16h00 ngày 18/8/2010 đến 16h00 ngày 18/8/2011 với số tiền bảo hiểm là: 5.000.000.000 đồng. Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số 081000670, Giấy chứng nhận Bảo hiểm số 081000670, sửa đổi bổ sung số 081000670.E01 có thời hạn bảo hiểm từ 16h00 ngày 07/10/2010 đến 16h00 ngày 07/10/2011 với số tiền bảo hiểm là: 6.500.000.000 đồng.

Sau khi ký hợp đồng, VNI đã phát hành hóa đơn thu phí bảo hiểm số 0012570 với số tiền: 6.000.000 đồng và số 0012571 với số tiền: 7.800.000 đồng vào ngày 11/11/2010 và gửi cho NISHU Nam Hà đề nghị thanh toán phí cùng với một số hóa đơn thu phí bảo hiểm phương tiện cơ giới đã phát hành. Do cán bộ thu phí của VNI không đến thu phí tại chỗ như các lần trước nên đến ngày 14/12/2010, NISHU Nam Hà đã nộp phí bằng ủy nhiệm chi qua ngân hàng và VNI đã nhận khoản phí này.

Vào lúc 23h55 ngày 03/01/2011 tại Khu Công nghiệp Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam xảy ra vụ cháy tại xưởng sản xuất của công ty CP Nishu Nam Hà.

Căn cứ Biên bản giám định tổn thất bảo hiểm tài sản, cháy và các rủi ro đặc biệt do giám định viên của Công ty cổ phần bảo hiểm hàng không thực hiện ngày 04/01/2011 và Báo cáo giám định ngày 05/01/2011 của Công ty TNHH Giám định & Tư vấn Kỹ thuật RACO  là đơn vị giám định độc lập do VNI chỉ định, công ty CP Nishu Nam Hà xác định mức tổn thất thực tế từ vụ cháy là: 14.612.446.576 đồng.
Từ chối bồi thường, Bảo hiểm Hàng không bị kiện ra tòa
Mức tổn thất thực tế từ vụ cháy được xác định là: 14.612.446.576 đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Duy Tiên cũng tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập mẫu vật, lời khai nhân chứng để xác định nguyên nhân gây cháy, kết quả bước đầu đã nhận định: nguyên nhân gây cháy là do chập điện trên đường dây tải từ trạm biến áp vào khu vực nhà kho, nhà xưởng.                     

Công ty CP NISHU Nam Hà đã tiến hành yêu cầu VNI giải quyết bồi thường theo đúng các thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.

Tuy nhiên, đến ngày 05/04/2011, VNI có văn bản số 377/CV-VPKV5 thông báo từ chối bồi thường tổn thất do cháy nhà xưởng sản xuất sơn của Công ty Cổ phần NISHU Nam Hà. Lý do từ chối là “do các hợp đồng bảo hiểm trên trong tình trạng nộp phí chậm nên không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.”

“Đáo tụng đình”

 Trao đổi với PLVN, ông Đỗ Việt Anh- giám đốc Công ty CP NISHU Nam Hà bức xúc cho rằng: “việc VNI cố tình dựa vào những căn cứ không chính đáng để từ chối trả tiền bồi thường bảo hiểm cho công ty chúng tôi, thể hiện sự bất tín trong kinh doanh- điều mà một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có đạo đức không khi nào được phép vi phạm”.

Việc xảy ra cháy tại công ty chúng tôi là rủi ro không ai mong muốn và thực tế công ty chúng tôi đã có ý thức, trách nhiệm phòng ngừa và đã không tiếc tiền mua bảo hiểm rủi ro ngay từ khi nhà máy hoạt động( 2009). Trong rất nhiều các công ty kinh doanh bảo hiểm chào mời, chúng tôi đã quyết định mua bảo hiểm của VNI vì tin tưởng vào thương hiệu lớn của VNI( là doanh nghiệp thuộc Tổng công ty hàng không Việt Nam). Không ngờ, VNI lại tiền hậu bất nhất như vậy”, ông Đặng Anh Tú- Chủ tịch HĐQT công ty Nam Hà cũng bức xúc phản ảnh.

Theo điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong trường hợp này, các hợp đồng bảo hiểm NISHU Nam Hà ký với VNI đã có hiệu lực đầy đủ vào thời điểm VNI phát hành hóa đơn thu phí bảo hiểm và nhận phí bảo hiểm với số tiền: 30.084.000 đồng. Thiệt hại thực tế xảy ra đối với tài sản (nhà xưởng sản xuất, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất sơn) do hậu quả của vụ cháy thuộc phạm vi bảo hiểm theo các Hợp đồng bảo hiểm đã ký. Vụ cháy thuộc rủi ro được bảo hiểm và không thuộc điều khoản loại trừ bảo hiểm. Do vậy, việc VNI đưa ra lý do chậm nộp phí ( căn cứ vào ngày ký hợp đồng, không căn cứ vào giao dịch hợp đồng thực tế) trong khi vẫn nhận tiền, phát hành hóa đơn cho đơn vị mua bảo hiểm ( mà không đề nghị ký lại hợp đồng hay làm thêm phụ lục) là không công bằng, không đúng tinh thần Luật kinh doanh bảo hiểm”, một luật sư từ công ty luật Nghiệp Hưng phân tích.
 
Từ chối bồi thường, Bảo hiểm Hàng không bị kiện ra tòa
VNI cố tình từ chối thực hiện nghĩa vụ bồi thường?
 
Ông Đỗ Việt Anh cho biết thêm, NISHU Nam Hà đã có nhiều buổi làm việc với VNI và đã đưa ra bằng chứng về việc đóng phí đầy đủ, đồng thời nêu rõ việc thiếu hoàn toàn cơ sở pháp lý của VNI khi từ chối bồi thường. Tuy nhiên phía VNI vẫn cố tình từ chối thực hiện nghĩa vụ bồi thường.

Ngày 6/7/2011, NISHU Nam Hà đã nộp đơn tới Tòa án nhân dân TP Hà Nội khởi kiện VNI để đòi tiền bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm với số tiền 9.028.234.500.

Được biết, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã triệu tập đương sự liên quan để bắt đầu giải quyết vụ kiện.
 
Theo Pháp luật Việt Nam