Trộm xong mang trả chủ nhà vì sợ bị camera ghi hình, tên “đạo chích” có thoát tội?

(Dân trí) - Trên đường uống thuốc cai nghiện ma túy về, lợi dụng chủ nhà ngủ trưa, Huỳnh Tín Đạt đã lẻn vào trong nhà trộm tài sản. Lúc tẩu thoát, Đạt nghĩ chủ nhà có gắn camera an ninh, sợ bị phát hiện nên đã trở lại trả số tài sản vừa trộm được cho bị hại. Vậy tên “đạo chích” này có thoát tội?

Sự việc xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 10/12, Đạt điều khiển xe máy biển kiểm soát 66K9 - 8687 từ nhà đến Trung tâm y tế thành phố Long Xuyên để uống thuốc cai nghiện ma túy.

Đến 13h cùng ngày, trên đường về nhà, Đạt nảy sinh ý định trộm cắp tài sản lấy tiền tiêu xài.

Khi ra Quốc lộ 91 đến đoạn thuộc khóm Đông Thịnh 5, phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, Đạt phát hiện anh Hồ Minh Dương (sinh năm 1979) đang ngủ trưa trong nhà mà cửa trước không có khóa, Đạt liền vào trong nhà lấy trộm 02 chiếc điện thoại Samsung trị giá trên 12 triệu đồng và 01 chiếc ví bên trong có khoảng 1,3 triệu đồng rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Trên đường về, Đạt nhớ lại nhà anh Dương có gắn camera an ninh, sợ bị phát hiện, Đạt đem số tài sản vừa trộm được đến trả lại cho anh Dương. Sau đó, anh Dương điện báo Công an phường Mỹ Phước.


Đối tượng Huỳnh Tín Đạt tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Huỳnh Tín Đạt tại cơ quan điều tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Long Xuyên (An Giang) ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Huỳnh Tín Đạt, sinh năm 1996, trú tại khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạn, thành phố Long Xuyên để tiếp tục điều tra về hành vi "trộm cắp tài sản".

Vậy kẻ “đạo chích” này có thoát tội sau khi đem trả lại đồ ăn cắp? Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Ngay khi Đạt lén lút chiếm đoạt tài sản của anh Hồ Minh Dương với tổng trị giá tài sản 13,3 triệu đồng thì hành vi này của Đạt đã cấu thành tội phạm với tội danh Trộm cắp được quy định tại khoản 1 điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.

“Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản , chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”.

Hành động ăn trộm tài sản sau đó chủ động lại cho người bị mất thể hiện sự hối hận, nhận thức việc mình làm sai trái mong muốn khắc phục hậu quả do mình gây ra. Tình tiết Đạt trả lại tài sản không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh nhưng ảnh hưởng nhiều đến việc Tòa án xác định mức độ hình phạt.

Đây được coi là tình tiết giảm nhẹ quan trọng, cơ sở để Tòa án quyết định giảm nhẹ hình phạt cho Đạt ghi nhận tại điểm b khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả".


Luật sư Quách Thành Lực: Tình tiết Đạt trả lại tài sản không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh nhưng ảnh hưởng nhiều đến việc Tòa án xác định mức độ hình phạt.

Luật sư Quách Thành Lực: Tình tiết Đạt trả lại tài sản không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh nhưng ảnh hưởng nhiều đến việc Tòa án xác định mức độ hình phạt.

Trong trường hợp này, khi Đạt có hành động chủ động trả lại tài sản và chủ động khai ra hành vi phạm tội của mình với cơ quan tiến hành tố tụng trước khi anh Dũng gọi điện báo Công an thì Đạt có thêm tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự thú” quy định tại điểm o, khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 “Tự thú là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội”.

Có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 thì khi xét xử, Tòa án có thể áp dụng điều 47 Bộ luật Hình sự “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, ……. thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung” Đạt có thể chỉ phải nhận mức án thấp nhất của khung hình phạt quy định cho tội trộm cắp.

Ở nước ngoài, hành vi trả lại tài sản, hối hận trước hành vi sai trái được đánh giá rất cao về mặt nhận thức, đạo đức. Có những câu chuyện trở thành giai thoại được lưu truyền rộng rãi đối với hành vi hướng thiện này.

“Việc trả lại tài sản trộm cắp đã khắc phục được thiệt hại vật chất do hành chiếm đoạt tài sản gây ra, hâu quả xấu gây ra cho xã hội đã được giảm thiểu. Việc người trộm cắp tài sản dù đã trả lại tài sản trộm cắp nhưng vẫn áp dụng hình phạt tù với họ xét ra là nặng nề, có thể không đạt được mục đích hạn chế loại tội phạm này. Thậm chí ngược lại nó còn khiến người đã thực hiện hành vi càng quyết liệt lẩn tránh, che dấu đến cùng hành vi của mình.

Muốn hạn chế cái xấu cái ác thiết nghĩ phải gieo mầm thiện chứ áp dụng hình phạt nặng cho người hối lỗi, muốn quay đầu chuộc lại sai lầm nhất thời sẽ không đạt được mục đích “đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” như ghi nhận tại điều 1 Bộ luật hình sự năm 1999”, luật sư Lực bày tỏ quan điểm.

Anh Thế (thực hiện)