Lễ hội chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam):
Trò chơi bạo lực lấn át trò diễn dân gian
(Dân trí) - Sáng 8/4, hàng ngàn du khách thập phương cùng nhân dân đã hành hương về chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên để cùng hoà mình vào Lễ hội năm 2012.
Theo Ban tổ chức cho biết, Lễ hội chùa Long Đọi Sơn năm nay sẽ được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 7 đến ngày 11/4/2012 (tức ngày 17 đến 21 tháng 3 năm Nhâm Thìn).
Lễ hội chùa Long Đọi Sơn đã trở thành một nét văn hoá tín ngưỡng truyền thống hàng năm của người dân xã Đọi Sơn nói riêng và huyện Duy Tiên nói chung. Lễ hội nhằm quảng bá các công trình kiến trúc tại di tích lịch sử chùa Long Đọi Sơn, đồng thời giữ gìn nét đẹp văn hoá dân gian truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương.
Đây cũng là dịp để nhân dân trong vùng và du khách thập phương về hành lễ và vãn cảnh chùa. Tại đây, vào năm 987, vua Lê Đại Hành đã về mở hội thi cày. Hơn 100 năm sau, năm 1118 vị vua thứ tư của triều Lý - Lý Nhân Tông cùng đoàn tuỳ tùng theo dòng Châu Giang ghé thăm núi Đọi, thấy cảnh sắc núi sông hữu tình đã cho xây dựng một ngôi chùa, đặt tên là Long Đọi Sơn và xây dựng Bảo Tháp Sùng Thiện Diên Linh.
Địa danh núi Đọi, sông Châu ra đời gắn liền với sự ra đời của Bảo Tháp Sùng Thiện Diên Linh năm 1118. Tháp báu Sùng Thiện Diên Linh được xây dựng qua 3 vụ cày và 4 mùa lúa chín mới hoàn thành vào năm 1121 với quy mô 13 tầng.
Chùa Long Đọi Sơn đã trải qua gần 900 năm lịch sử. Đây là một ngôi chùa cổ kính, với những kiến trúc tiêu biểu của thời Lý.
Ngoài phần Lễ, còn có nhiều trò chơi được tổ chức như: Thi nấu cơm, dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, hát đối, hát giao duyên, chọi gà... Đến với Lễ hội chùa Long Đọi Sơn, du khách không chỉ dâng hương khấn phật mà còn thể hiện lòng tưởng nhớ đến danh nhân trong lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của Lễ hội và những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của vùng miền vẫn còn tồn tại những trò chơi mang tính bạo lực, phản cảm khiến nhiều du khách thập phương khi về với Lễ hội chưa được vừa lòng. Điều đáng nói hơn nữa là những đối tượng tham gia trò chơi mang tính bạo lực và đỏ đen chủ yếu là giới trẻ, trong đó không ít các em học sinh cũng tham gia.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi lại được vào sáng ngày 8/4/2012 tại Lễ hội chùa Long Đọi Sơn năm 2012:
Duy Cảnh - Thúy Phòng