Từ nước ngoài, nghĩ về bạo lực học đường (phần 1)
Trẻ em và ... khả năng bị “tiêm nhiễm” bởi các bài văn?
(Dân trí) - Để tránh bạo lực học đường và bạo lực nói chung ở giới trẻ, chúng ta phải dùng hết mọi phương tiện trong tầm tay, trong đó có việc xem xét và chọn lọc kỹ các nội dung có hàm chứa bạo lực trong các tác phẩm văn học dạy ở trường.
LTS Dân trí - Bài viết dưới đây của một nhà giáo giảng dạy lâu năm ở nước ngoài, dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu tâm lý trẻ em, giúp cho chúng ta có thêm cái nhìn khách quan và sự đánh giá đúng đắn về những giá trị của các tác phẩm văn học điển hình của các giai đoạn lịch sử, đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa và đang giảng dạy ở nhà trường hiện nay.
Vấn đề quan trọng ở đây là vai trò của những thầy cô giáo dạy văn làm công việc dẫn dắt và gợi mở cho học sinh tìm thấy ý nghĩa nhân bản đích thực của những tác phẩm văn học đó.
Ý kiến đó rất hay, bản thân tôi cũng đã dạy các con tôi như thế. Tạo sự trong sáng và hiền hòa cho tâm hồn các cháu là điều rất cần thiết. Bằng chứng là dù ở tận trời Âu, mới 13 tuổi, con trai tôi thuyết trình truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng ở lớp, được các bạn đồng cảm và cùng sẻ chia.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
“Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng,
Có con bướm trắng thường sang bên này”
Thế nhưng, cái gì cũng vậy, nếu thái quá thì cũng không nên: Sạch quá cũng dễ mắc bệnh. Thật vậy, nếu để phòng bệnh cho một cháu bé, ta nuôi cháu trong một môi trường hoàn toàn vô trùng thì vô tình chúng ta sẽ không giúp cháu có khả năng đề kháng. Lúc rời khỏi môi trường được bảo vệ chu đáo, cháu dễ bị mắc bệnh khi phải tiếp xúc với những con vi trùng đầu tiên mà cháu gặp.
Tương tự như vậy, dạy trẻ không hẳn là phải xây tháp ngà, cấm các em đọc sách này hay sách nọ,... mà phải chuẩn bị cho các em để biết cách xử sự trước mọi tình huống của cuộc sống, xử sự có suy nghĩ và theo đạo lý xã hội.
Dạy văn cũng phải trung thành với văn, y như dạy khoa học. Mỗi tác phẩm có cái đẹp của nó. Bạo lực trong đó cũng là một cái đẹp theo định nghĩa chính thống của triết. Không phải đọc “Lão hà tiện” của Molière xong, các học sinh bên này sẽ thành keo kiệt hay xài hoang phí. Các tác phẩm của Molière là những kiệt tác cần phải học.
Mỗi tác phẩm có cái đẹp của nó. Bạo lực trong đó cũng là một cái đẹp theo định nghĩa chính thống của triết.
Cùng lắm là bị ác mộng một đêm. Tây Âu cũng đầy những chuyện cổ tích với ác quỉ, râu xanh hay con chồn ăn thịt người.
Cháu nội của tôi, 33 tháng tuổi, hiện đang sợ con rồng. Chúng tôi tiếp tục tả hình dáng con rồng ấy cho cháu nghe và đưa cháu một khúc dây thừng lớn để cháu có thể trói rồng nếu ... rủi ro con rồng đến nhà mình. Con rồng là thế giới của tưởng tượng còn khúc dây thừng là thế giới của hiện thực. Cháu tôi đang sống trong một thực tế yên ổn và một thế giới tưởng tượng phong phú để lớn lên hài hòa.
Nội dung các truyện có bạo lực dĩ nhiên là có ảnh hưởng với các cháu nhưng còn tùy bối cảnh, tùy những giải thích của người giới thiệu. |
Từ 3 đến 6 tuổi các cháu ghi hết, như một tờ giấy thấm, những hiện tượng xung quanh, của gia đình cũng như của xã hội và cũng là lứa tuổi của những phát triển vĩ đại. Học ngoại ngữ lúc này hữu hiệu nhất là thế. Một em bé không biết nói trước 6 tuổi là trường hợp hiếm hoi, thường là các bé bị bỏ rơi hay bị nhốt trong gác xép cách biệt với xã hội.
Nếu phải tóm lược, có thể nói là trẻ dưới 6 tuổi các cháu tin truyện được kể, các cháu sợ những tình tiết tàn nhẫn, nhưng các cháu chưa “áp dụng” những bạo lực ấy trong cuộc sống thực.
(Còn nữa)
Nguyễn Huỳnh Mai
(Liège, Bỉ)