Tranh chấp tại dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại Long An

(Dân trí) - Xung quanh vụ tranh chấp giữa Công ty China Policy Limited và Công ty Cổ phần Địa ốc Hồng Phát, mới đây Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản kết luận đây chỉ là một vụ tranh chấp kinh tế dân sự.

Tranh chấp tại dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại Long An - 1

Công văn của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản kết luận đây chỉ là một vụ tranh chấp dân sự (ảnh: Vũ Văn Tiến)

Theo tìm hiểu của PV Dân trí cho thấy, dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa có quy mô 500ha tại hai xã Đức Lập Thượng và Tân Mỹ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An do Công ty Cổ phần Địa ốc Hồng Phát (gọi tắt là Công ty Hồng Phát) làm chủ đầu tư.

Ngày 11/7/2005, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định thu hồi đất để giao cho Công ty Hồng Phát triển khai dự án giai đoạn I với 273ha. Nhận thấy quy mô, tính khả thi của dự án, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn hợp tác với Công ty Hồng Phát để cùng triển khai. Trong số này có Công ty China Policy Limited (gọi tắt là Công ty China Policy), văn phòng đặt tại tầng 4 toà nhà số 32 - 34 Ngô Đức Kế, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Ngày 1/6/2007, đại diện Công ty China Policy và Công ty Hồng Phát ký “thỏa thuận khung”, xác định tổng số vốn đầu tư ban đầu cho dự án là 140 triệu USD. Công ty Hồng Phát và Công ty China Policy dự định ký kết một hợp đồng thành lập công ty liên doanh với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó Hồng Phát  góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất, China Policy góp 70% bằng tiền mặt. Công ty China Policy tạm ứng 15,6 triệu USD (số tiền này được tính vào tiền góp vốn của Công ty China Policy khi thành lập công ty liên doanh) để trả  cho các khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng... hoàn thành thủ tục cấp quyền sử dụng đất.

Theo bà Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hồng Phát - Trần Thị Việt Thanh cho biết, do chính sách về đất đai luôn được điều chỉnh, thay đổi nhằm có lợi cho người dân bị thu hồi đất (giá đất tăng lên theo từng năm) dẫn đến chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư... tăng cao so với dự kiến ban đầu. Nặng nhất là đóng tiền sử dụng đất trước đây theo khung giá Nhà nước khoảng 100.000 đồng/m2, đến đầu năm 2008 theo quy định mới phải định giá (sát giá thị trường) tăng lên hơn ba lần. Ước tính Hồng Phát phải đóng thêm 465 tỷ đồng (khoảng 27 triệu USD) tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó là khu tái định cư, theo “thỏa thuận khung” sẽ triển khai ở giai đoạn II, nhưng UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện ngay giai đoạn I. Công ty phải tuân thủ, chi phí phát sinh 4,5 triệu USD...
 
Nguồn gốc nảy sinh tranh chấp chính là từ đây. Theo "Thoả thuận khung" mà hai bên đã ký kết, Công ty Hồng Phát chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng trong thời gian 6 tháng và theo mức tạm ứng là 15,6 triệu USD mà Công ty China Policy chuyển sang. Nhưng vì nhiều lý do, nên đến năm 2008, dự án vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, giá đất đội lên. Căn cứ theo "Thoả thuận khung" mà hai bên đã ký thì Công ty Hồng Phát sẽ phải chịu mọi chi phí phát sinh do việc chậm trễ giải phóng mặt bằng.
 
Tất nhiên là Công ty Hồng Phát không muốn chịu thiệt như vậy và đã đề nghị Công ty China Policy chuyển thêm tiền để giải phóng mặt bằng. Ngược lại, Công ty China Policy cũng không chấp nhận chịu thiệt như vậy vì căn cứ theo "Thoả thuận khung", Công ty China Policy đã chuyển đủ tiền giải phóng mặt bằng. Theo Công ty China Policy, vì Công ty Hồng Phát không đảm bảo được việc giải phóng mặt bằng trong thời gian 6 tháng nên Công ty Hồng Phát phải chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh này.

Theo hồ sơ thể hiện rõ, từ tháng 4/2008 đến 9/2008, Công ty Hồng Phát đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện Công ty China Policy, đưa ra những vấn đề phát sinh của dự án để cùng bàn bạc.

Ngày 10/7/2007, Giám đốc Công ty China Policy - Andrew Lui có thư gửi Công ty Hồng Phát nêu rõ: “Công ty China Policy không thể xem xét bất kỳ khoản thanh toán đầu tư  nào thêm cho dự án cho đến khi có một hợp đồng liên doanh ràng buộc”.

Tiếp đến, ngày 26/9/2008, đại diện Công ty China Policy chính thức có văn bản khẳng định: “Chúng tôi (Công ty China Policy) chỉ có thể xem xét các khoản thanh toán tiếp theo khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của toàn dự án đã được cấp dưới tên của công ty liên doanh”.

Theo lãnh đạo Công ty Hồng Phát: “Dự án đang thực hiện giai đoạn I với 273ha, giai đoạn II là 220ha thì đang triển khai, lấy đâu ra sổ đỏ của toàn dự án để đứng tên công ty liên doanh gồm Công ty China Policy và Hồng Phát? Công ty China Policy hiểu rất rõ, muốn có sổ đỏ thì phải hoàn tất mọi thủ tục theo trình tự, quy định về đầu tư xây dựng, trong đó khâu đền bù giải tỏa, tái định cư, đóng tiền sử dụng đất... Đây là nghĩa vụ của liên doanh nhưng phải làm. Công ty China Policy muốn đứng tên trong sổ đỏ toàn dự án rồi mới “xem xét” các khoản chi phí tiếp theo. Đòi hỏi trên của Công ty China Policy làm sao Công ty Hồng Phát thực hiện?”.

Với những bất đồng trên, ngày 27/10/2008, Công ty Hồng Phát có văn bản số 68/CV.CPHP.08 gửi cho Công ty China Policy thông báo không tiếp tục hợp tác. Hồng Phát sẽ thu xếp tài chính để hoàn lại cho Công ty China Policy. Vậy việc Công ty Hồng Phát sử dụng 15,6 triệu USD của Công ty China Policy từ năm 2007 đến nay để giải phóng mặt bằng rồi giờ bảo trả lại một cách đơn giản vậy sao?

Cho rằng chủ đầu tư vi phạm “thỏa thuận khung” đã ký kết, ông Andrew Lui, Giám đốc Công ty China Policy đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an tố cáo bà Trần Thị Việt Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát chiếm đoạt 15,6 triệu USD.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của ông AndrewLui, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành điều tra - xác minh vụ việc và kết luận "Đây là vụ tranh chấp kinh tế dân sự" điều này đã được thể hiện rõ tại văn bản số 148/C16-P4 ngày 01/04/2010 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) gửi Chủ tịch UBND tỉnh Long An.

Trong Công văn trên nêu rõ:“Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh ban đầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thấy: Thực hiện thỏa thuận khung, Công ty China Policy đã chuyển số tiền 15.600.000 USD để thực hiện dự án và Công ty Hồng Phát đã nhận được số tiền này, đang triển khai thực hiện dự án là có thật. Dự án đã được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây là tranh chấp kinh tế dân sự”.

Theo "Thoả thuận khung" mà hai bên đã ký, nếu trong thời gian tới, hai bên không tìm được tiếng nói chung thì phải đưa nhau ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Namđể phân xử.

Vũ Văn Tiến