Bạn đọc viết:

Trăn trở trước thềm năm học mới

Năm học mới dường như đã bắt đầu trên toàn quốc. Năm nay tân Bộ trưởng chắc chắn sẽ có những ý tưởng và kế họach đổi mới ngành giáo dục nhằm khắc phục những yếu kém và từng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo.

Thế nhưng để làm được điều đó thiết nghĩ là một việc rất khó. Không phải chỉ ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình dài lâu và quan trọng là cần sự thay đổi từ các cấp quản lý giáo dục, nhất là ở cấp quản lý vĩ mô của ngành.

Tôi là một người làm việc trong ngành giáo dục và nói thật một điều tôi cảm thấy rất trăn trở cho nền giáo dục nước nhà của ta hiện nay, Nó lộn xộn, rối rắm không theo một đường lối nhất quán. Từ bậc mầm non, cho đến phổ thông và cao hơn nữa là bậc đại học, sau đại học.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nó lộn xộn, rối rắm như thế nào thì chắc ai cũng biết. Từ chương trình học, sách giáo khoa đều rắc rối một cách khó hiểu. Tôi là giáo viên vốn tốt nghiệp đại học và đang dạy ở bậc tiểu học và năm nay tỉnh Đồng Nai nơi tôi đang giảng dạy có một sự thay đổi lớn, đó là học sinh tiểu học sẽ được nghỉ học ngày thứ 5 và đi học ngày thứ 7. Riêng học sinh khối 4, 5 sẽ đi học 2 tiếng ngày thứ 5. Tôi chẳng hiểu chủ trương này nhằm giúp ích cho việc gì. Quốc gia nào trên thế giới cũng được nghỉ 2 ngày cuối tuần, trong khi Việt Nam lại trở về cái thưở ngày xưa. Đi theo cái lối lạc hậu mà thế hệ trước đã dẹp bỏ. Hay các vị nghĩ rằng học sinh tiểu học học càng nhiều sẽ ngày càng giỏi hơn.

Xin thưa đó là quan điểm sai lầm. Học tiểu học phải đi đôi với nghỉ ngơi, vui chơi. Đằng này 1 tuần đi học 6 ngày liên tục là một áp lực đè nặng lên trí não và tâm hồn của tuổi thơ. Hơn nữa, phụ huynh nếu là công chức thì chẳng biết sẽ đón con như thế nào trong khi ngày thứ 5 cha mẹ đi làm thì con cái ở nhà. Ngày thứ 7 gia đình muốn về ngoại về nội nghỉ ngơi hay đi du lịch cũng khổ vì con còn bận học. Đó chỉ mới là cái bất cập về phân bổ thời gian học ở năm học mới này. Bên cạnh điều ấy còn rất nhiều điều mà nói thật người trong ngành cảm thấy cực kì bức xúc...

Tôi chỉ muốn viết vài điều nho nhỏ để hi vọng rằng nếu vị tân bộ trưởng có đọc được thì cũng thông cảm cho chúng tôi. Câu nói "Năm 2010 Giáo viên sẽ sống được bằng lương". Tôi nghĩ câu nói ấy chắc ai cũng biết và ai là người nói. Nhưng...(lại là chữ… nhưng!) điều đó đến giờ khó mà trở thành hiện thực. Chúng tôi nào có dám đòi hỏi gì cao siêu đâu. Bao năm chúng tôi sống trong cái nghèo đã quen rồi, nhưng “bù lại” xã hội lại đòi hỏi quá nhiều ở thầy cô giáo. Nhìn lại những “tiêu chuẩn nghề nghiệp” mà “nhiều người trong cuộc” phải toát mồ hôi. Xã hội đòi hỏi giáo viên phải thế này, thế kia. Phải yêu nghề, yêu trẻ. Xin thưa, nếu không vì mấy điều đó thì chúng tôi đã bỏ nghề sớm vì chẳng ai dại gì đi học đại học 4 năm trời ra dạy tiểu học với đồng lương khởi điểm là 1triệu 8. Nuôi thân còn không nổi nói chi nuôi vợ con, ba má.

Nói tới “sổ họp” của giáo viên, tôi thấy báo chí đã từng đề cập. Nói thật nó quá rườm rà. Nào là: sổ họp chuyên môn trường, sổ họp chuyên môn tổ, sổ họp hội đồng, sổ học chính trị, sổ học chuyên đề, sổ họp công đoàn trường, sổ họp công đoàn tổ, lịch báo giảng, sổ kế hoạch bộ môn. Nhìn vào người ta không nghĩ là GV mà cứ lầm tưởng là vị bộ trưởng nào đó. Ai cũng nói là rườm rà nhưng chẳng mấy ai đứng lên thay đổi. Họ cho rằng đó là việc đương nhiên của GV. Đã thành “cơ chế” như vậy thì chấp nhận không nói nhiều.. Rầu lòng thật!

Còn nữa, nếu ai ở thành phố Biên Hòa xin hãy mượn quyển sổ liên lạc của học sinh sẽ thấy 1 điều thật nực cười. Trong sổ liên lạc GV phải ghi cả năm sinh của GV,  trình độ đào tạo, danh hiệu đã đạt được, thâm niên công tác. Điều đó có cần không nhỉ? Tôi nghĩ ai nghĩ ra vấn đề đó nên xem lại cách làm của mình đã hợp lí chưa. Có phù hợp không.

Nền giáo dục VN cứ hô hào những khẩu hiệu nghe thật hoành tráng. Nhưng kết quả thu được lại không khả quan là mấy. Nói là thay đổi nhưng cứ thay đổi phẩn ngọn, thấy lá vàng, cành khô là bẻ chứ đâu biết rằng cái gốc nó đã mục nát từ lúc nào không hay...

Tôi viết vài điều ra đây với tâm trạng của người GV thật lòng tâm huyết với nghề. Và tôi rất mong là bài của mình sẽ được đăng để hi vọng rằng mọi người, nhất là những người giỏi giang trong ngành, những nhà giáo tâm huyết đề xuất những ý kiến góp phần tích cực khắc phục những yếu kém đang tồn tại, nhằm đưa nền giáo dục nước nhà  tới vị trí xứng đáng trong thời kỳ mới.

Người Nói Thật

LTS Dân trí - Những điều trăn trở của tác giả bài viết trên đây là “người trong cuộc” của ngành giáo dục. Điều đó cho thấy nhiều vấn đề đáng suy nghĩ không chỉ về chương trình, sách giáo khoa, chính sách lương bổng mà vấn đề nổi lên còn là cung cách quản lý khá rườm rà, máy móc và có nhiều điều không hợp lý, khiến cho giáo viên không thoải mái, thậm chí còn thấy thấy bức xúc và bất bình! Như vậy làm sao động viên và khơi dậy niềm đam mê nghề nghiệp ở đội ngũ giáo viên.

Mong rằng các cấp quản lý giáo dục nên xem xét kỹ lưỡng những điều được phản ảnh trong bài viết trên đây, nếu thấy điều nào đúng thì nên kiên quyết sửa, nhất là Sở GD-ĐT  tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa là nơi tác giả bài viết trên đây nêu lên làm ví dụ cụ thể,

Muốn đổi mới sự nghiệp giáo dục, phải chăng là nên bắt đầu từ đối mới công tác quản lý và đổi mới chính sách đối với đội ngũ giáo viên. Đấy chính là nền tảng quan trọng nhất để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.