Trăn trở đầu năm mới của trí thức Việt Nam: Bệnh giả dối

Có thể nói bệnh dối trá đã và đang trở thành mối lo ngại lớn nhất trong đời sống xã hội những năm gần đây. Nó có mặt ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và huỷ hoại nền tảng đạo đức dân tộc.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong bức thư gửi các thày cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2008 vừa qua đã tỏ ra hết sức lo lắng: “Chúng ta rất lo lắng khi tiêu cực, bệnh thành tích hay, rộng hơn là sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và xã hội”. Giáo sư Hoàng Tuỵ, trong một trả lời phỏng vấn đã nhận xét “nói dối là mối nhục lớn”.

Nhân dịp Xuân mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Hữu Thọ và một số trí thức có nhiều trăn trở về cái gọi là “mối nhục lớn” này.
 
Nhà báo Hữu Thọ: Rửa tai để được nghe những lời nói thật
 
Trăn trở đầu năm mới của trí thức Việt Nam: Bệnh giả dối - 1
"Sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác. Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát".

Gióng lên sự cảnh báo

Thưa Nhà báo Hữu Thọ, có khi nào ông nghĩ rằng dân tộc ta lại là dân tộc có... truyền thống nói dối?

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Ông cha ta thường khuyên bảo con cháu phải thật thà. Dân tộc tảast quý trọng những người trung thực, ngay thẳng. Nhưng thời nào cũng có người nói dối, dối trá có mặt trên khắp ngõ ngách thế gian. Chỉ có điều nó xuất hiện với tần số và dung lượng như thế nào thôi.

Theo ông, ở Việt Nam hiện nay nó xuất hiện với tần số và dung lượng như thế nào?

Cũng chưa có một con số thống kê cụ thể hay một điều tra xã hội học nào đủ quy mô để định lượng vấn đề này nhưng theo cảm nhận của tôi, nó ở mức trầm trọng, gây nhiều bức xúc cho nên các vị lãnh đạo mới phải cảnh báo. Ngay tại Quốc hội kỳ họp vừa rồi cũng có vị đại biểu đã nói tới sự dối trá rất đang lo ngại. Nói dối không chỉ là do bệnh thành tích, còn là do bệnh cơ hội, muốn tiến thân bằng con dường man trá… 

Công phu và thành tâm

“Trầm trọng” và “bức xúc”. Tại sao lại dẫn đến tình trạng trầm trọng và bức xúc, thưa ông?

Người nói dối đương nhiên là xấu nhưng vấn đề là có một nhu cầu muốn nghe nói dối từ phía người nghe. Tôi nhớ cách đây đã lâu, tôi có đọc một vở kịch nước ngoài (hình như của Lécmôntốp thì phải) đại để là một vị quan hỏi một kẻ thuộc cấp làm sao nói dối, không nói thật những khiếm khuyết của xã hội, của các mệnh lệnh, gã này thưa rằng bởi tôi đã ba lần nói thật thì cả ba lần đều bị quở mắng, trừng phạt cho nên chẳng dại gì mà tôi nói thật nữa. Để bệnh nói dối tràn lan chủ yếu là tại người nghe.

Nghĩa là muốn nghe lời nói thật thì trước hết phải thật sự cầu thị…?

Thì đúng rồi. Tôi cũng đã đọc ở đâu đó, hình như của nhà văn Vũ Bằng, chuyện một hoạ sý tài năng nhưng lại có vai vế trong xã hội. Khi triển lãm tranh của mình, ông này phải cải trang và nấp kín để được nghe lời nói thật bình phẩm về những bức tranh của mình vì khi anh đã có một địa vị nào đó mà xuất hiện, rất khó được nghe những lời nói thật. Không ít kẻ nịnh bợ, tâng bốc anh. Nhưng cũng có người chỉ vì nể nang mà không nỡ nói ra sự thật. Còn như không ít lãnh đạo địa phương, khi cán bộ và người dân ở đó nói lên những sự thật không hay ở địa phương mình đã nổi đóa lên thì làm sao có thể được nghe lời nói thật.

Nhưng từ xa xưa, các cụ đã nói “Trung ngôn nghịch nhĩ”?

Đấy. Đấy. Vấn đề là nó còn ở chỗ ấy. Sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác. Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát. Bác Hồ nói phải “lắng nghe” tiếng nói của dân. Ai cũng có tai để nghe nhưng “lắng nghe” là nghe một cách chân thành, chăm chú, nghe để sửa mình.

Nói ra chân lý cũng cần một nghệ thuật

Ông có thấy nói dối đã và đang trở thành căn bệnh đáng lo ngại?

Tôi lo chứ. Tôi đã từng phát biểu ở Quốc hội về vấn đề này. Cách đây ít lâu, tôi vào Tây Nguyên, đến thăm đồng chí Kso Si, một trí thức Tây Nguyên cùng một khóa Trung ương với tôi, đồng chí ấy nói các anh không nghe được tiếng nói thật của dân đâu. Hỏi vì sao, ông ấy bảo khi khen thì họ nói tiếng Kinh còn khi chê thì họ nói tiếng dân tộc. Mà mình thì có biết tiếng của dân tộc họ đâu, cho nên chỉ dược nghe lời khen bùi tai.

Nói đến Quốc hội, ông có tin rằng lần cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương nói đại để án dân sự của ta xử thế nào cũng được là ông ấy nói thật?

Tôi không am hiểu đâu nhưng là người đứng đầu ngành toà án, ông ấy phải hiểu rõ nhất, sâu sắc nhất thực trạng của ngành mình phụ trách và khi ông ấy nói như thế thì chắc rằng đó là sự thật.

Còn trường hợp người kế nhiệm ông Dương là Chánh án Nguyễn Văn Hiệu. Ông Hiệu cũng vì nói lên một sự thật đại ý rằng đội ngũ thẩm phán thiếu đến mức phải “vơ bèo vạt tép” cũng là nói thật?

Thật chứ. Hai ông ấy đều nói đúng về một sự thật.

Ông nghĩ gì khi cả hai ông đều vì nói lên sự thật dẫn đến sự phản ứng gay gắt ở ngay Nghị trường Quốc hội?

Tôi nghĩ có lẽ các ông ấy sai lầm ở cách nói. Không ai khuyên anh nói dối nhưng bảo vệ chân lý có nhiều cách. Tiếp cận chân lý có nhiều con đường. Đi đến chân lý cũng có nhiều con đường và nói ra chân lý có nhiều cách nói.

Im lặng trước cái xấu cũng là một kiểu dối trá

Là đảng viên 60 năm tuổi Đảng, đã từng nhiều năm tham gia Trung ương và lãnh đạo văn nghệ sỹ, nhà báo, xin được thành thật hỏi ông, các nhà lãnh đạo của ta có thật sự muốn nghe lời nói thật không?

Về cơ bản, theo tôi các đồng chí đó rất muốn nghe sự thật, muốn nghe phản biện nhưng trong tâm lý con người rất phức tạp. Khi anh còn là cấp dưới thì anh muốn “cãi” cấp trên, nhưng khi có quyền lực thì anh lại không muốn người ta cãi lại mình. Phức tạp thế đấy.

Ông có như thế không?

Có chứ. Khi còn công tác, tôi có cậu thư ký mẫn cán, thạo việc và thẳng thắn. Có lần vì vội, mình trực tiếp thảo công văn, đưa cậu ta cho đánh máy, thấy cậu ta rút bút sửa ngay vào bản thảo. Thế là mặt mình nóng bừng lên. Đêm về nghĩ lại, thấy cậu ấy sửa thế là đúng. Mình viết vội nên một số từ thuộc lĩnh vực chuyên ngành mình nắm không được chắc. Rất may là lần ấy, mình kìm được chứ nếu bị mắng, chắc cậu ta sẽ chẳng bao giờ sửa những cái sai cho mình nữa.

Sự thật luôn khắc nghiệt. Một nửa cái bánh là một nửa cái bánh nhưng 99% sự thật vẫn chưa chắc đã là sự thật. Ông có nghĩ rằng không nói ra những nhược điểm, những cái xấu của nhau cũng là một kiểu dối trá?

Đấy, đấy. Chính vì thế mà việc đánh giá cán bộ vẫn chưa đạt hiệu quả. Chúng ta đánh giá cán bộ chủ yếu là qua tự phê bình và phê bình, nhưng tự phê bình và phê bình hiện nay hiệu quả còn thấp. Có vụ tham nhũng nào do nội bộ cơ quan phanh phui ra đâu. Đã có lần tôi nói tới sự cản trở trong tự phê bình và phê bình trong tâm lý: phê bình cấp trên thì sợ bị trù úm, phê bình ngang cấp thì sợ bị đánh giá là gây mất đoàn kết nội bộ, phê bình cấp dưới thì sợ mất phiếu. Rồi tâm lý dĩ hòa vi quý, nể nang… Khổ nỗi sự thật không được nói ra nó sẽ âm ỉ, dồn tụ. Nếu không được tháo ngòi sẽ có lúc nó bung ra.

Nhưng không phải mọi lời nói dối đều xấu…?

Đúng rồi. Ví dụ như một thầy thuốc chưa nói thật bệnh nhân nan y để trấn an tinh thần hay chuyện nói dối trẻ em rằng ông già Noen tặng quà đêm giáng sinh chẳng hạn. Đó là những lời nói dối cần thiết và đáng yêu.

Hi vọng năm mới

Xin hỏi ông một câu ngoài lề. Có ý kiến rằng năm 2008 là năm báo chí bị “sao quả tạ chiếu”. Ông đánh giá gì về nhận định này?

Tôi nghĩ năm Mậu Tý đúng là năm không vui với báo chí khi có nhiều nhà báo bị thu thẻ, một số nhà báo bị bắt giam. Đây là một tổn thất nặng nề vì theo tôi, ngoài mấy nhà báo dính vào tham nhũng, bắt giam là đúng. Số còn lại, theo tôi chủ yếu là do rủi ro nghề nghiệp, non yếu về bản lĩnh chính trị trong việc xử lý thông tin và sự thiếu thận trọng, nóng vội, câu khách để bán báo… Đúng là nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm. Hi vọng năm mới, những đồng nghiệp của tôi sẽ thận trọng hơn trong khi hành nghề.

Xin cám ơn ông và chúc ông một năm mới tốt lành!

 Theo Bùi Hoàng Tám - Nguyễn Kim Khánh
Nhà báo và Công luận