“Trận địa” hố ga giăng bẫy ven đường
Đoạn đường Khương Trung mới, nằm sát ven bờ sông Tô Lịch chỉ dài khoảng 1km nhưng là sự án ngữ của gần 30 hố ga bật nắp. Ngày ngày, chúng đang “ngoác miệng” nhăm nhe như muốn nuốt chửng tất cả người và phương tiện qua lại.
Bạn đọc: Anh Đức
Những hố ga bên lề đường hầu hết đều “trần trụi” không có nắp đậy, rộng chừng 40 đến 50cm. Theo phản ánh của người dân xung quanh, chúng không phải do bị mất cắp mà do đơn vị thi công chưa lắp đặt. Gần 30 hố ga đen ngòm, có cái sâu tới 1,5m, không nắp đậy xếp thành “trận địa” vô hình chung đã đẩy mọi người vào mối nguy hiểm luôn thường trực khi tham gia giao thông.
Bác Nguyễn Văn Hùng nhà tại phường Khương Trung bức xúc nói: “Đường này có rất đông xe cộ qua lại. Đã có nhiều xe máy, xe đạp thậm chí cả ô tô bị sa xuống hố. Nhiều người bị ngã đã phải đưa đi cấp cứu”.
Bác còn cho biết thêm: “Ngày mưa, nước thải từ những hố ga bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Để hố ga như thế không những gây nguy hiểm mà còn làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường của khu dân cư nơi đây”.
Theo quan sát của chúng tôi, con đường không hề có biển báo ở các hố ga mất nắp, cũng không có gờ giảm tốc nên rất nguy hiểm cho người đi đường vào giờ cao điểm hoặc khi trời tối.
Không những thế, trên vỉa hè còn là bãi tập kết vật liệu xây dựng cho những công trình của các hộ dân ven đường. Phế thải xây dựng gồm gạch ngói, đất cát, sắt và gỗ được chất thành đống đổ tràn cả xuống lòng đường, che khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông. Xe ô tô đỗ thành hàng dài làm cho con đường vốn đã tắc nay càng tắc thêm. Hàng quán mọc lên san sát khiến khoảng vỉa hè nhỏ dành cho người đi bộ cũng bị lấn chiếm hết.
Tại nhiều hố ga mất nắp, người dân ven đường đã dùng những tấm gỗ, cành cây, thậm chí cả những tấm đan nhọn cắm vào đó để cảnh báo cho người tham gia giao thông. Vô hình chung những thứ đó biến thành những cái “bẫy chết người” khi đi trong đêm tối.
Hố ga không nắp, nước đen ngòm.
“Bẫy chết người” ngụy trang giữa đám cỏ.
Đống gạch chênh vênh ven đường có thể đổ bất cứ lúc nào.
Rác thải ngổn ngang dưới lòng đường.
Che đậy một cách thô sơ.
Người dân dùng phên nhọn cảnh báo, có thể còn gây nguy hiểm hơn.
Xe ô tô xếp hàng dài dưới lòng đường che khuất tầm nhìn.