Trách nhiệm và lòng tin

(Dân trí) - Tránh tình trạng phiếu thì cao, trình độ năng lực lại yếu, chỉ vài lần sau bầu cử qua tiếp xúc cử tri, qua theo dõi các kỳ họp mới thấy lòng tin của mình bị nhầm phải ân hận.

Ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã cận kề. Trong ngày 22 tháng 5 năm 2011, mỗi cử tri phải làm trách nhiệm của mỗi công dân, tự tay cầm lá phiếu, được quyền bầu ai mà mình tin tưởng, gửi gắm và có quyền gạch tên ai mà mình cảm thấy chưa yên tâm để giao phó.

Trong một ngày, thậm chí chỉ trong một buổi hay chỉ một giờ, cử tri một lúc phải lựa chọn trong danh sách để bỏ 4 lá phiếu cho 3 cấp Hội đồng nhân dân từ xã, Phường, Thị trấn; Huyện, Quận, Thị xã; Tỉnh, Thành phố và Đại biểu Quốc hội. Cầm lá phiếu bầu vừa là trách nhiệm của công dân với tổ quốc, vừa phải có trách nhiệm với cả chính mình, phản ảnh chính kiến của mình, tránh tình trạng bỏ bừa cho xong.
 
Trách nhiệm và lòng tin - 1

Bầu cử không chỉ là quyền mà con là trách nhiệm của mỗi người dân. (Ảnh: laodong.com.vn)

Lá phiếu của cử tri còn là thước đo, sự phản ảnh lòng tin của nhân dân với ứng cử viên. Số phiếu càng cao, phản ảnh lòng tin càng lớn và tất nhiên đòi hỏi trách nhiệm càng cao của người được gửi gắm trách nhiệm. Tránh tình trạng phiếu thì cao, trình độ năng lực lại yếu, chỉ vài lần sau bầu cử qua tiếp xúc cử tri, qua theo dõi các kỳ họp mới thấy lòng tin của mình bị nhầm phải ân hận.

Trong kỳ bầu cử này, có một điều mà chúng ta phải nhớ là trong danh sách bầu cử đã có sự chắt lọc kỹ, công phu “đãi cát tìm vàng”. Tỷ lệ người ứng cử có số dư cao hơn các kỳ bầu cử trước, theo quan điếm ai trúng cử cũng xứng đáng, ai trật cũng tiếc, để nhắc nhở cử tri phải hết sức bình tĩnh, cân nhắc thật kỹ trước khi cầm bút. Cần tránh việc lấy từ trên xuống, gạch từ dưới lên, làm sai lệch kết quả, lòng tin bị phản ảnh thiếu chính xác.

Đi bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cử tri, nhưng quyền lợi và nghĩa vụ đó phải gắn với trách nhiệm, phản ảnh trung thực lòng tin của cử tri, để khi trúng cử mỗi đại biểu biết mà phấn đấu, gắn trách nhiệm với lòng tin. Còn nếu không thì “một lần mất tin”, “Vạn lần mất… tín”.

Phùng Văn Mùi