Tiêu điểm:
Trách nhiệm công dân
(Dân trí) - Chính phủ đưa ra các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh đó, kêu gọi toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Việt Nam ta còn nghèo, nhưng ý thức tiết kiệm không cao. Nhiều người nước ngoài kinh ngạc khi thấy dân ăn uống, tiêu xài hoang phí.
Rượu bia, thuốc lá được tiêu thụ rất mạnh, chiếm tỉ lệ rất cao tính trên đầu người, năm 2010 tiêu thụ khoảng 1,5 tỉ lít bia. Không chỉ uống bia sản suất trong nước, nhiều người còn uống bia ngoại nhập đắt tiền. Việt Nam cũng là nơi tiêu thụ rượu ngoại khủng khiếp. Có những loại vang hay rượu mạnh giá rất đắt, được dành để biếu tặng và không ít người chỉ uống những loại này để chứng tỏ "đẳng cấp".
Cùng với rượu bia, một bộ phận người dân chỉ thích xài hàng ngoại nhập và phải là hàng hiệu. Một cái túi xách, chiếc ví, bộ áo quần hàng hiệu có giá cả ngàn đô la. Nhiều người có tiền đi xe hơi từ vài trăm ngàn đến triệu đô la, họ muốn chơi ngông theo kiểu đại gia hơn vì nhu cầu thực sự. Các cháu tuổi teen cũng muốn tỏ ra sành điệu, sử dụng hàng đắt tiền, điện thoại di động loại sang. Năm 2010 Việt Nam, chi tới 10 tỉ USD để nhập khẩu hàng xa xỉ. Đó là con số đáng buồn cho một quốc gia nghèo.
Một lĩnh vực rất phát triển tại Việt Nam là đầu tư kinh doanh bất động sản và xây dựng nhà ở. Nhưng tâm lý chuộng ngoại đã khiến cho các nhà đầu tư dự án cũng như hộ gia đình mua sắm các loại thiết bị, vật liệu xây dựng nhập khẩu. Nhiều nhà sản xuất trong nước đã cố gắng thay đổi công nghệ, sản xuất ra các loại sản phẩm có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập, nhưng người tiêu dùng vẫn quay lưng. Ý thức về tiêu dùng hàng trong nước còn thấp là một cách mình tự hại mình.
Thực hành tiết kiệm không chỉ dừng lại chỗ giảm bớt các chi tiêu không cần thiết, tránh tối đa lãng phí, mà quan trọng hơn là biết sử dụng các loại sản phẩm có lợi cho mình và có lợi cho quốc gia mình. Nền sản xuất trong nước là yếu tố quan trọng để phát triển, tiêu dùng hàng trong nước là một cách giảm nhập siêu hiệu quả, góp phần xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường. Các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc giàu mạnh là nhờ dân tộc họ đã biết tiết kiệm, người dân chăm chỉ làm việc và đặc biệt là thể hiện lòng tự tôn dân tộc bằng hành vi tiêu dùng. Đã đến lúc dân mình phải quyết tâm thực hành tiết kiệm, sử dụng hàng trong nước. Làm việc này không phải hưởng ứng một phong trào mà bằng trách nhiệm công dân.
Lê Chân Nhân