Bài 1:

TP.HCM: Vụ kiện sau hơn 20 năm giải quyết lại quay về…điểm ban đầu!

(Dân trí) - Một vụ tranh chấp đất đai kéo dài hơn 20 năm với sự vào cuộc của nhiều cơ quan và Phó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận về việc chấm dứt xem xét khiếu nại. Tuy nhiên, mọi giải quyết trở nên vô nghĩa vì sau ngần ấy thời gian vụ kiện lại trở về điểm ban đầu.

Nguồn gốc mảnh đất 

TP.HCM: Vụ kiện sau hơn 20 năm giải quyết lại quay về…điểm ban đầu! - 1
Báo cáo kết luận số 51/BC-TTCP ngày 11/1/2011 của Thanh tra Chính phủ.

Theo báo cáo kết luận số 51/BC-TTCP ngày 11/1/2011 của Thanh tra Chính phủ, năm 1968, vợ chồng các ông Lê Văn Vàng, Lê Chơn Huệ và Nguyễn Văn Châu mua được mảnh đất 1.000m2 tại ấp An Điền, xã An Phú, huyện Thủ Đức (nay là phường Thảo Điền, quận 2). 

Năm 1976, ông Vàng, ông Huệ và ông Châu cho ông Trần Hữu Hảo cùng vợ là Phạm Thị Dễ sử dụng diện tích đất trên nhằm mục đích giữ giùm đất. Tuy nhiên, ông Hảo trình bày là được ông Châu, ông Huệ và ông Vàng cho luôn 1.000m2 (việc cho nhận này chỉ bằng miệng). Sau khi nhận đất, vợ chồng ông Hảo sử dụng một phần đất dựng nhà ở phần còn lại trồng hoa màu.

Năm 1982, ông Hảo đại diện gia đình đứng tên kê khai thửa đất trên, theo ông Hảo, khi ông đứng tê kê khai thửa đất này ông có thông báo cho gia đình ông Vàng, ông Huệ và ông Châu nhưng không ai có ý kiến gì. Ông Huệ cho rằng, việc ông Hảo kê khai, đăng kí sử dụng đất là so gia đình các ông nhờ.

Trong quá trình sử dụng, ông Hảo có dựng thêm 1 căn nhà lá. Do mâu thuẫn gia đình nên vợ chồng ông Hảo và bà Dễ đã ly hôn và được TADN quận 1 công nhận. Năm 1986, bà Dễ lập “Giấy chuyển nhượng nhà ở và vườn trái cây ăn quả” cho bà Lâm Thị Kim Sang (không thông qua chính quyền địa phương), nội dung thoả thuận nhượng bán 500m2 đất và căn nhà lá nằm trên diện tích đất này. 

TP.HCM: Vụ kiện sau hơn 20 năm giải quyết lại quay về…điểm ban đầu! - 2
Hồ sơ liên quan đến mảnh đất xảy ra tranh chấp.

Cũng trong năm 1986, ông Huệ có đơn khiếu nại đến UBND xã An Phú về việc bà Dễ xây dựng nhà, nhập hộ khẩu và sang nhượng nhà, đất cho bà Sang. Sau đó, UBND xã An Phú đã bác đơn của ông Huệ. 

Năm 1989, ông Huệ, ông Châu và đại diện của gia đình ông Vàng đã lập tờ uỷ quyền cho ông Lương Trọng Yêm (em vợ ông Huệ) thay mặt 3 ông để khiếu tố việc bà Dễ chiếm đoạt và bán đất của các ông. Đến năm 1991, ông Yêm tiếp tục được các gia đình trên lập “Giấy uỷ quyền sử dụng vĩnh viễn 1.000m2” có xác nhận có chính quyền địa phương.

Hành trình đòi đất

TP.HCM: Vụ kiện sau hơn 20 năm giải quyết lại quay về…điểm ban đầu! - 3

Ngày 4/7/1996, UBND TP.HCM ban hành quyết định về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Phan Thị Dễ.

Theo báo cáo kết luận số 51/BC-TTCP ngày 11/1/2011 của Thanh tra Chính phủ, căn cứ vào Giấy uỷ quyền sử dụng vĩnh viễn 1.000m2”, ông Lương Trọng Yêm có đơn khiếu nại yêu cầu được sử dụng mảnh đất trên và được nhiều cơ quan chức năng giải quyết. 

Cụ thể, ngày 12/6/1994, UBND huyện Thủ Đức (cũ) ra quyết định về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Yêm với nội dung không công nhận việc mua bán nhà và chuyển nhượng 1.000m2 đất giữ bà Dễ, bà Sang. Thu hồi mảnh đất trên giao UBND xã An Phú quản lý sau đó lập thủ tục giao lại cho bà Sang 200m2, bà Dễ 200m2, diện tích 600m2 còn lại giao cho ông Vàng, ông Huệ và ông Châu mỗi người 200m.

Ngày 18/7/1995, Sở Địa chính TP.HCM ban hành quyết định giải quyết đơn khiếu nại của ông Yêm theo hướng đồng ý với các giải quyết của UBND huyện Thủ Đức như trên. Không đồng tình với quyết định của Sở Địa chính, các bên tranh chấp tiếp tục khiếu nại đến UBND TP.

Ngày 4/7/1996, UBND TP.HCM ban hành quyết định về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Phan Thị Dễ với nội dung, công nhận quyết định của Sở Địa chính, thu hồi 1.000m2 đất, không công nhận việc mua bán nhà, đất giữa bà Dễ và bà Sang. 

UBND TP cũng giao Sở Địa chính, UBND huyện Thủ Đức giải quyết, điều phối, giao lại phần đất trên cho bà Dễ 200m2, bà Sang 200m2. Diện tích 600m2 còn lại giao cho gia đình ông Vàng, ông Huệ và ông Châu mỗi người 200m sử dụng theo quy định pháp luật hiện hành.

Sau khi UBND TP ban hành quyết định giải quyết như trên, năm 1998, ông Lương Trọng Yêm bán 2 lô đất F23-F24 cho bà Nguyễn Thị Kim Chung (ngụ quận Bình Thạnh).

TP.HCM: Vụ kiện sau hơn 20 năm giải quyết lại quay về…điểm ban đầu! - 4

Bản án sơ thẩm của TAND quận 2 và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM.

Mọi việc tưởng chừng đã “hạ màn” sau nhiều năm thì bất ngờ giữa bà Chung và phía ông Yêm và gia đình ông Vàng, ông Huệ, ông Châu không thoả thuận được diện tích đất được phân chia nên bà Chung làm đơn ra TAND quận 2. 

Tại bản án sơ thẩm của TAND quận 2 và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã làm sáng tỏ những gì? Những mâu thuẫn, uẩn khúc kéo dài hàng nhiều năm được giải quyết thế nào? 

Báo Dân trí tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm