TP.HCM: Dự án “ngâm tôm” hơn chục năm, người dân khốn đốn

(Dân trí) - Dù được UBND TPHCM phê duyệt dự án xây dựng nhà liền kề nhưng hơn 10 năm nay Công ty Cổ phần Đông Dương vẫn chưa hoàn tất việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Sự việc trên khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, hàng ngàn m2 đất bị bỏ hoang, lãng phí trong khi người dân không có đất để canh tác, ổn định cuộc sống.

Xót xa nhìn đất bỏ hoang

duan-1468280651191

Khu dự án có phần đất của bà Nga đang bị bỏ hoang trong khi người dan không có đất canh tác

Bà Bùi Thị Nga (ngụ phường 26, quận Bình Thạnh) vừa có đơn đề nghị khẩn thiết gửi đến Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng và nhiều cơ quan ban ngành tại thành phố cầu cứu về việc gia đình bà bị “ngâm” gần 3.000m2 đất tại dự án xây dựng nhà liền kề tại phường Phú Hữu (quận 9) do Công ty Cổ phần Đông Dương (Cty Đông Dương) làm chủ đầu tư. Dù dự án này được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2003 nhưng đến nay Cty Đông Dương vẫn chưa hoàn tất việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Trong đơn cầu cứu bà Nga bức xúc trình bày: “Tôi là chủ sở hữu diện tích đất 2.841 m2, số thửa 1064 do UBND quận 9 cấp ngày 12/12/2002 tại phường Phú Hữu (quận 9, TPHCM). Năm 2003, Công ty Cổ phần Đông Dương được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương xây dựng dự án nhà liền kề tại phường Phú Hữu (quận 9). Dù phần đất của gia đình tôi nằm trong diện tích của dự án nhưng tôi không hề được UBND phường cũng như công ty Đông Dương thông báo về sự việc. Cuối năm 2003, khi tôi lên UBND phường Phú Hữu để làm các thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất thì mới được biết phần đất của tôi nằm trong đất dự án của Cty Đông Dương nên không được chuyển đổi. Lúc này, tôi liên hệ với Cty Đông Dương nhưng không nhận được phản hồi về việc giải quyết bồi thường cho diện tích của gia đình tôi”.

“Sau nhiều lần liên hệ với công ty Đông Dương cũng như UBND phường Phú Hữu không đạt được kết quả, gia đình tôi đã gửi đơn đến UBND TPHCM cùng nhiều cơ quan chức năng để kêu cứu. Sau gần 5 năm chờ đợi, đến ngày 23/12/2008 UBND TPHCM đã ra công văn số 8005/UBND-ĐTMT chỉ đạo giải quyết bồi thường cho gia đình tôi. Đồng thời giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đôn đốc kiểm tra thực hiện”, bà Nga thông tin.

Theo công văn số 8005/UBND-ĐTMT nêu rõ “Công ty Đông Dương phối hợp với UBND quận 9 nhanh chóng thương lượng, thỏa thuận, bồi thường dứt điểm đối với phần diện tích đất còn lại chưa bồi thường của các hộ dân nằm trong ranh dự án. Đồng thời, khẩn trương hoàn tất việc đầu tư xây dựng công trình theo quy định chậm nhất cuối quí I năm 2009 phải hoàn thành”.

“Đá bóng” trách nhiệm, người dân lãnh đủ!

Triển khai hơn 10 năm nay nhưng dự án chỉ duy nhất có một con đường
Triển khai hơn 10 năm nay nhưng dự án chỉ duy nhất có một con đường

Gần 3 tháng sau công văn 8005/UBND-ĐTMT của UBND TPHCM, ngày 16/2/2009, công ty Đông Dương đã mời bà Bùi Thị Nga đến trụ sở công ty số 282 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) để thương lượng về mức giá đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong biên bản làm việc, ông Đỗ Trường Sơn, Tổng giám đốc kiêm chủ đầu tư dự án cho biết: “Tình hình hiện tại của Công ty có khó khăn chung do ảnh hưởng chung từ thị trường bất động sản nhưng công ty vẫn muốn được tiến hành đền bù phần diện tích còn lại và hoàn tất dự án. Công ty đề nghị tính giá đền bù là 1.500.000 đồng/m2 cho những diện tích đất chưa được đền bù”. Nhận thấy đây là giá đất quá thấp so với giá hiện hành nên bà Nga đã đề nghị mức giá đền bù 2.000.000 đồng/m2. Sau buổi làm việc, hai bên đã thống nhất ngày 24/2/2009 sẽ thống nhất giá đền bù và phương thức thanh toán phù hợp. Tuy nhiên, đến ngày hẹn trên, Cty Đông Dương không hề có động thái đền bù khiến bà Nga vô cùng bức xúc hơn.

Bà Nga cũng nhiều lần liên hệ với UBND quận 9 để kêu cứu nhưng cũng không nhận được chấp thuận. Phía UBND quận 9 đưa ra thông tin: “Trường hợp của bà Bùi Thị Nga với nội dung khiếu nại về việc không bồi thường và cố tình chiếm đoạt tài sản của công ty Đông Dương không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận 9. Đề nghị bà Nga liên hệ với Công ty Cổ phần Đông Dương để được xem xét giải quyết”.

Kể từ thời gian đó đến nay, dù bà Nga đã nhiều lần liên hệ với công ty Đông Dương để được giải quyết việc đền bù nhưng không được giải quyết. Hơn 13 năm qua, gần 3.000m2 đất của gia đình bà Nga không được phép xây dựng, canh tác nên phải bỏ trống gây lãng phí, trong khi đó gia đình bà Nga không có đất để canh tác, ổn định cuộc sống. “Quyền lợi chính đáng của gia đình tôi đã bị xâm phạm hàng chục năm nay nhưng không được giải quyết, tôi mong rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Đinh La Thăng trong thời gian qua sẽ mang lại lợi ích hợp pháp cho người dân thành phố, mong Bí thư Thăng quan tâm, giải quyết giúp gia đình tôi”, bà Nga trình bày.

Bà Nga kiến nghị được nhận lại phần đất hợp pháp của gia đình để canh tác
Bà Nga kiến nghị được nhận lại phần đất hợp pháp của gia đình để canh tác

Liên quan đến vụ việc này, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng có công văn số 5824/TNMT gửi đến UBND TPHCM kiến nghị về dự án đầu tư nhà ở liền kề của Cty Đông Dương tại phường Phú Hữu đã kéo dài khá lâu, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, gây bức xúc dư luận, khiếu nại kéo dài nên Sở TN&MT kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận điều chỉnh quy mô diện tích đất dự án của Cty Đông Dương, điều chỉnh cắt giảm ra khỏi ranh thu hồi, giao đất của dự án gần 5.000m2 (trong đó có gần 3.000m2 đất của gia đình bà Nga – PV).

Dù Sở TN&MT đã kiến nghị như vậy và có văn bản giải đáp mọi vướng mắc gửi đến UBND TPHCM nhưng đến nay việc đưa phần diện tích đất chưa được bồi thường của bà Nga ra khỏi quy hoạch dự án vẫn chưa được thực hiện?

Báo Dân trí tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên - Xuân Hinh