Vụ dành cả tuổi xuân đi đòi đất - Bài 3:

TP HCM: Mòn mỏi chờ đợi 40 năm, người dân vẫn “ôm trọn” thiệt thòi!

(Dân trí) - UBND Huyện Bình Chánh, Sở Địa chính, Thanh tra thành phố, UBND TP, Thanh tra Chính phủ, 5 văn bản của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, đôn đốc giải quyết khiếu nại của gia đình bà Phượng. Tuy nhiên, 40 năm qua sự việc vẫn chưa dứt điểm, mọi thiệt thòi người dân vẫn “ôm trọn”.

Khiếu nại có cơ sở

tttp

Một số kết luận, thông báo của Thanh tra TP.HCM trong việc giải quyết khiếu nại của gia đình bà Phượng.

Như Báo Dân trí đã phản ánh, trước giải phóng, gia đình bà Lê Thị Hồng Phượng sở hữu 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh. Do nằm ở vị trí đắc địa nên nằm 1974, gia đình bà san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 gia đình bà Phượng liên tục khiếu nại đòi lại phần đất trên nhưng vụ việc này chưa được giải quyết dứt điểm.

Suốt 40 năm qua, liên quan đến việc khiếu nại của gia đình bà Phượng, ngày 7/11/1993 UBND Huyện Bình Chánh ban hành Quyết định số 444/QĐ-UB về việc xin lại đất để mở cơ sở sản xuất của bà Trần Thị Đê (mẹ bà Phượng) theo đó tại Điều 3 thể hiện: “Chấp thuận trên diện tích thu hồi (1.190m2) sẽ giao cấp lại cho Bà Trần Thị Đê diện tích 950m2…”. Cùng thời điểm, Sở Địa chính ban hành Quyết định 874 ngày 26/12/1995 về việc giải quyết đơn khiếu nại của gia đình bà Phượng, theo đó tại điều 1 có nêu: “Chấp thuận giao 504m2 đất cho bà Trần Thị Đê để lập cơ sở sản xuất…”.

Thanh tra TP.HCM đã có 7 văn bản đều có nội dung kiến nghị UBND TP.HCM xem xét 3 nội dung gia đình bà Phượng khiếu nại. Thanh tra TP.HCM xác định, việc gia đình bà Phượng khiếu nại việc cấp đất cho bến xe miền Tây sử dụng và đầu tư xây dựng, bán giao cho Công ty xe khách và dịch vụ miền Tây nhưng không có Quyết định thu hồi đất, chưa xem xét hỗ trợ cho gia đình bà là có cơ sở xem xét.

Bằng khoán điền thổ số 1103, thuộc loại đất ruộng có diện tích 16.000m2 nhằm lô số 330 tờ bản đồ thứ 4 – Bình Trị Đông (khu đất này trước đây thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, nay thuộc quận Bình Tân của gia đình bà Phượng.
Bằng khoán điền thổ số 1103, thuộc loại đất ruộng có diện tích 16.000m2 nhằm lô số 330 tờ bản đồ thứ 4 – Bình Trị Đông (khu đất này trước đây thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, nay thuộc quận Bình Tân của gia đình bà Phượng.

Thanh tra TP.HCM cũng xác định, những hộ sử dụng ổn định được công nhận nhưng phải trả công sức đền bù cho người có quyền sở hữu cũ (gia đình bà Phượng - PV) nên đất cần được giao trách nhiệm cho UBND huyện Bình Chánh rà soát giải quyết theo thỏa thuận bồi thường hoa màu. Các trường hợp lấn chiếm chưa hợp thức hóa cần xem xét xét kỹ sau khi có thỏa thuận với bà Trần Thị Đê, Lê Thị Hồng Phượng mới tiến hành hợp thức hóa.

Đối với phần đất ông Nguyễn Văn Nhờ (nguyên lãnh đạo huyện Bình Chánh) chiếm dụng bất hợp pháp, Thanh tra TP từng yêu cầu Bí thư huyện Bình Chánh xem xét xử lý. Việc ông Nhờ cản trở đo đạc để xác định diện tích giữa các phần đất của ông Nhờ, hộ dân lấn chiếm và bên xe Miền tây để cơ quan chức năng có cơ sở trình UBND TP.HCM giải quyết cần được xem xét xử lý.

Ngày 29/4/2010 Thanh tra TP. HCM tiếp tục có văn bản báo cáo về việc kiểm tra rà soát kết luận và kiến nghị giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều điểm “mập mờ”!

Báo cáo số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009 kết luận về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng, trong đó đã phân tích, kết luận rất rõ về việc khiếu nại của gia đình bà Phượng.
Báo cáo số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009 kết luận về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng, trong đó đã phân tích, kết luận rất rõ về việc khiếu nại của gia đình bà Phượng.

Liên quan đến khiếu nại của gia đình bà Phượng, Thanh Tra Chính phủ (TTCP) từng có báo cáo số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009 kết luận về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng, trong đó đã phân tích, kết luận rất rõ về việc khiếu nại của gia đình bà Phượng.

Theo kết luận số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009 của TTCP, việc giải quyết khiếu nại đối với diện tích ông Nhờ đang sử dụng hơn 4.600m2 đất (2.132m2 đất không thuộc lộ giới, 1.699m2 đất thuộc lộ giới và 808,47m2 đã được đền bù) mà UBND TP đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng số 4570/QĐ-UB-TD ngày 13/7/2000 mới chỉ công nhận cho ông Nhờ được sử dụng 1.504m2. Quyết định này cần phải được xem xét lại một số nội dung như việc cấp 1.000m2 đất ở cho ông Nhờ theo Quyết định 72/QĐ-UB ngày 15/3/1993 của UBND huyện Bình Chánh có phù hợp với hạn mức đất ở theo quy định của thành phố tại thời điểm ban hành quyết định hay không? Diện tích 1.000m2 đất còn lại chỉ được tạm cấp để sản xuất nông nghiệp nhưng khi xét công nhận lại được coi là đất ở.

TTCP cũng xác định, phần diện tích còn lại ngoài diện tích 1.504m2 mà ông Nhờ quản lý sử dụng, Thanh tra TP đã kiến nghị UBND thành phố giao đất có thu tiền đối với diện tích còn lại không nằm trong lộ giới thì tạm giao tại báo cáo số 212/BC-TTTP-XKT ngày 12/4/2007 của Thanh tra TP. Kiến nghị này là chưa phù hợp vì đây là phần đất không có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền, do đó không thuộc nội dung khiếu nại mà thuộc nội dung tranh chấp.

Về nội dung khiếu nại liên quan đến diện tích đất của công ty cổ phần xe khách miền Tây sử dụng, TTCP cho rằng, ngày 18/10/2008 UBND TP có văn bản chấp thuận hỗ trợ cho bà Trần Thị Đê mà không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là chưa phù hợp với luật Khiếu nại, tố cáo.

Đối với tranh chấp khiếu nại liên quan đến diện tích đất của một số hộ dân đang sử dụng đất,UBND huyện Bình chánh trước đây và sau này là UBND Quận Bình Tân rất chậm trễ trong xem xét giải quyết cho đến nay cũng chưa phân tách từng trường hợp khiếu nại, tranh chấp để có thủ tục xem xét, giải quyết phù hợp. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét yêu cầu UBND TP. HCM nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các đơn vị, cá nhân trong việc chậm giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng theo quy định của pháp luật và không báo cáo Thủ tướng chính phủ theo chỉ đạo tại công văn số 2254/VPCP.VII ngày 9/5/2003 của Văn phòng Chính phủ.

TTCP cũng yêu cầu rà soát các nội dung đã xem xét, giải quyết, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp về thẩm quyền, thể thức, chấp hành các quy định của pháp luật mà Đoàn thanh tra đã nhận xét để có biện pháp giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng.

Văn phòng Chính phủ phát đi nhiều thông báo chỉ đạo giải quyết vụ việc nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Văn phòng Chính phủ phát đi nhiều thông báo chỉ đạo giải quyết vụ việc nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Sau khi TTCP có kết luận số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009 và nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM bất ngờ có thông báo số 118/TB-UBND về chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc khiếu nại, tranh chấp của bà Lê Thị Hồng Phượng. Điều này khiến gia đình bà Phượng vô cùng bức xúc.

“UBND TP chưa thực hiện kiến nghị của Thanh tra TP, chưa thực hiện kết luận của TTCP, chưa giải quyết phần đất thực tế gia đình ông Nhờ chiếm để có câu trả lời cho gia đình chúng tôi trong khi đó UBND thành phố ra thông báo giải quyết khiếu nại cuối cùng là không thỏa đáng, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình chúng tôi”, bà Phượng bức xúc.

Bà Phượng nói trong nước mắt: “Bằng mồ hôi, nước mắt và biết bao công sức của bao thành viên gia đình, cả nhà chúng tôi mới tạo lập được đất với mong muốn bằng công sức nhỏ bé của mình góp phần vào xây dựng đất nước nhưng phút chốc mọi thứ đều mất tất cả. Đau xót hơn khi chồng tôi qua đời, ông ấy vẫn đau đáu với việc đòi đất. Ngay cả khi chết, chúng tôi không có lấy một tấc đất cắm dùi để lo hậu sự cho ông ấy”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Xuân Hinh - Trung Kiên