Điều tra theo đơn thư bạn đọc:
TP. Hải Phòng "phớt lờ" đền bù thiệt hại của công dân suốt 10 năm
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ, cùng nhiều cơ quan đã xác định Công ty Tân Thành Hưng được hưởng quyền lợi khi UBND TP. Hải Phòng thu hồi đầm Sép. Tuy nhiên, tròn 10 năm sau vụ cưỡng chế ở huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng vẫn lảng tránh đền bù thiệt hại cho công dân.
Trả tiền đền bù cho “người trên trời rơi xuống”
Khu đầm Sép rộng 70ha thuộc xã Đồng Bài được UBND huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng cấp cho ông Trần Văn Phưởng và Mai Văn Hậu theo Quyết định số 173/QĐ-UB ngày 29/4/1994. Theo Quyết định số 173, UBND huyện Cát Hải cho phép khoanh vùng sử dụng 70ha đất mặn nước, bãi triều đã được điều tra vào mục đích nuôi trồng thủy sản đứng tên ông Trần Văn Phưởng và ông Mai Văn Hậu với thời hạn 9 năm. Sau khi tiếp nhận, hai ông Phưởng và Hậu đã đắp 2km bờ đê ngăn nước mặn, xây dựng 5 cống, xây 3 gian nhà ở, bếp nước, nhà chòi, sắm sửa các ngư cụ để đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng thủy sản, năm 2002, ông Vũ Anh Hài và ông Trần Văn Phưởng thống nhất thành lập Công ty TNHH Tân Thành Hưng chuyên nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, do ông Vũ Anh Hài làm Giám đốc Công ty.
Năm 2002, phần diện tích Công ty Tân Thành Hưng đang quản lý và khai thác nằm trong Dự án cải tạo nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn II. Do việc kê khai đền bù phức tạp, ông Trần Văn Phưởng đã làm Giấy ủy quyền cho ông Vũ Anh Hài có toàn quyền làm việc với các cơ quan chức năng liên quan đến việc thu hồi 70ha đầm Sép.
Thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn II, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 9/1/1999. Ngày 6/11/2002, UBND TP. Hải Phòng ra văn bản số 5117 CV-UBND giao Ban đền bù thành phố tổ chức kiểm kê, giải phóng mặt bằng, đền bù.
Bất bình trước việc làm mập mờ của UBND huyện, Công ty Tân Thành Hưng không bàn giao đầm cho cô Nguyễn Thị Thu Hà. Ngày 20/5/2003, ông Phạm Trí Tuệ - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải ký Quyết định số 317/QĐ-UB về việc cưỡng chế thu hồi toàn bộ đầm Sép. Ba ngày sau, UBND huyện huy động lực lượng cưỡng chế, thu hồi các vật dụng nuôi tròng, đánh bắt thủy sản của Công ty Tân Thành Hưng khi chưa đền bù tài sản nào, chưa giao quyết định cưỡng chế.
Nhận thấy Quyết định số 317/QĐ-UB của UBND huyện Cát Hải về việc cưỡng chế thu hồi đầm Sép có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ông Vũ Anh Hài đại diện cho Công ty Tân Thành Hưng gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền của TP. Hải Phòng nhưng không được giải quyết. Trong lúc chờ các cơ quan xem xét giải quyết, Công ty Tân Thành Hưng vẫn bám trụ lại đầm Sép tiếp tục đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Trong thời gian này, Công ty Tân Thành Hưng nhận được Quyết định thi hành án số 235/QĐ-THA ngày 11/07/2003 của Phòng Thi hành án TP Hải Phòng, công nhận tài sản và quyền lợi hợp pháp của ông Trần Văn Phưởng với 70ha đầm Sép, vì trước đó ông Phưởng có tranh chấp với ông Nguyễn Đức Tê về việc chuyển nhượng một phần diện tích.
Nhà nước đã công nhận tài sản và quyền lợi của Công ty Tân Thành Hưng trên phần diện tích 70ha đầm Sép, Công ty Tân Thành Hưng vẫn quản lý đầm theo Quyết định số 173. Tuy nhiên, trong các ngày 29, 30/8/2003, Ban Đền bù thành phố và UBND huyện Cát Hải đã lập biên bản kiểm kê khống khi “dựng” ông Đoàn Hữu Đà, trú tại xã Đồng Bài đứng tên “chủ hộ”, lập phương án bồi thường để nhận số tiền đền bù là 3.904.746.980đ.
Khi Công ty Tân Thành Hưng làm đơn tố cáo kiểm kê khống, các ông: Bùi Quang Sản Trưởng Ban đền bù, Đoàn Hữu Thanh, ông Nguyễn Hữu Khánh nguyên Phó Chủ tịch huyện, bà Trần Thị Uyên Phó Chánh Thanh tra đã lập báo cáo số 66 để báo cáo số tiền đền bù lên UBND thành phố. Theo phản ánh của ông Hài, số tiền đền bù đầm Sép được chia cho ba cấp gồm thành phố, huyện, xã, còn ông Đà không cầm tiền.
Công dân “tố” TP. Hải Phòng “bỏ quên” chỉ đạo của cấp trên
Trong nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại,10 năm qua, ông Vũ Anh Hài đã gửi 200 lá đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan Trung ương và TP. Hải Phòng đề nghị làm rõ những dấu hiệu bất thường trong việc thu hồi 70 ha đầm Sép. UBND TP. Hải Phòng ban hành hơn 20 công văn chỉ đạo các ban, ngành giải quyết vụ việc dứt điểm quyền lợi của công dân.
Ngày 5/6/2008, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã mời đại diện Công ty Tân Thành Hưng lên làm việc để trao đổi, thông báo nội dung làm việc giữa Ban Chỉ đạo với UBND TP. Hải Phòng.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho biết đã đề nghị UBND TP. Hải Phòng kiểm tra tính pháp lý của Quyết định giao đất số 173/QĐ ngày 29/4/1994 và hợp đồng số 02 HĐ - UB ngày 20/6/1994 của UBND huyện Cát Hải giao cho chủ đầm sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản. Tất cả tài sản đầu tư của chủ đầm sẽ được giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 12/3/2008, Công an thành phố có văn bản báo cáo UBND thành phố số 307/PV11. Tiếp đến, ngày 12/6/2008, Sở Tư pháp TP. Hải Phòng có công văn số 185/STP - KTVB gửi UBND thành phố . Căn cứ các văn bản trên, UBND TP. Hải Phòng ban hành văn bản số 3391/CV - UB ngày 20/6/2008, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Tài chính, Xây dựng, UBND huyện Cát Hải lên phương án tính toán bồi thường cho chủ đầm Sép. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại diễn ra ngày 22/7/2008, lãnh đạo TP. Hải Phòng chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Hài 240.000.000 đ.
Cho rằng hướng giải quyết của TP. Hải Phòng không đúng quy định pháp luật, Công ty Tân Thành Hưng tiếp tục tố cáo. Năm 2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã tiếp nhận đơn và có hướng chỉ đạo Hải phòng giải quyết. Ngày 29/7/2011 Thành ủy Hải phòng có công văn số 434 - CV/VPCP giao cho UBND TP. Hải phòng giải quyết. Nhưng phải đợi 8 tháng sau, TP. Hải Phòng mới ra Quyết định 240/QĐ - UBND ngày 23/2/2012 thành lâp tổ công tác, cùng kế hoạch số 951/KH - TCT để giải quyết 70 ha đầm Sép.
Để giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài 10 năm, ngày 8/3/2013, Thanh tra Chính phủ và UBND TP. Hải Phòng đã ký Biên bản số 56/BB-UBND về việc thống nhất phương án giải quyết vụ thu hồi 70ha đầm Sép. Ngày 22/3/2013, ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng ban hành kế hoạch số 1746/KH-UBND, giao Thanh tra thành phố chủ trì, cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cát Hải, cùng các ngành có liên quan rà soát việc bồi thường, hỗ trợ theo phương án đã được phê duyệt. Xem xét phần thiệt hại chi phí đầu tư để bồi thường, hỗ trợ có tính đến yếu tố trượt giá.
UBND TP. Hải Phòng yêu cầu hoàn thành kế hoạch số 1746/KH-UBND trước ngày 30/6/2013. Tuy nhiên, theo phản ánh của công dân thì cho đến lúc này Thanh tra thành phố vẫn chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hải Phòng. Đồng nghĩa, những quyền lợi hợp pháp của Công ty Tân Thành Hưng tiếp tục bị xâm hại sau một thập kỷ mòn mỏi chờ đợi.
Trong đơn kiến nghị gửi báo Dân trí, ông Vũ Anh Hài khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng Trung ương và lãnh đạo TP. Hải Phòng giám sát, chỉ đạo Thanh tra thành phố, các ban, ngành thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo mà Thanh tra Chính phủ và UBND TP. Hải Phòng đã thống nhất tại Biên bản số 56/BB-UBND ngày 8/3/2013; có biện pháp xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân đã sai phạm và xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương