Tôi đi họp phụ huynh

Đúng 8 giờ sáng chủ nhật hôm ấy, hầu như tất cả các vị phụ huynh học sinh của lớp đã tề tựu đông đủ. Mọi người cứ tự tra tìm tên con em mình ghi bằng phấn ở vị trí bàn nào, thì ngồi vào đấy.

Trông cảnh tượng ấy giống như một lớp học, một lớp học đặc biệt, đủ các lứa tuổi, nhưng trẻ nhất cũng đã ngoài ba mươi. Cô giáo bước vào, vì không có ai hô "đứng!", nên mọi người trong lớp vẫn ngồi im. Đó là điều khác biệt giữa một lớp học với một lớp họp phụ huynh! Buổi họp đầu tiên trong năm học mới của phụ huynh học sinh, bắt đầu. Cô giáo mở cặp lấy tài liêu, đeo kính, rồi chậm rãi nói:

 

- Trước tiên, tôi xin tự giới thiệu, tôi tên là…, năm nay được ban giám hiệu nhà trường phân công về làm chủ nhiệm lớp này. Đây là một trong hai lớp xếp hạng yếu kém nhất năm học vừa qua. Bây giờ, xin các vị phụ huynh, khi tôi điểm danh đến tên em học sinh nào, thì mời vị phụ huynh của em đó đứng lên để tôi được biết mặt, tiện cho việc quan hệ sau này.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Một đề nghị làm hầu hết mọi phụ huynh đều ngỡ ngàng. Sao lại phải đứng dậy cho cô giáo nhìn mặt? Mình có phải là học sinh của cô đâu!... Trước mặt mỗi phụ huynh đều đã ghi tên con em mỗi phụ huynh rồi, cô giáo hoàn toàn có thể đối chiếu sơ đồ lớp học là biết ngay ai là phụ huynh của em nào chứ? Mà xem mặt phụ huynh làm gì? Xem qua một lần ở chỗ đông người thế này, làm sao cô giáo nhớ được?... Nhưng cô giáo đã bắt đầu "điểm danh", và lần lượt từng vị phụ huynh, đều răm rắp đứng dậy:

 

- Nguyễn Thị Mộng Mơ (tên một học sinh)? Một phụ huynh đứng lên với vẻ ngượng ngùng:

 

 

- Thưa cô giáo, có tôi! (vị này nói hơi bị thiếu, đáng nhẽ phải nói "Thưa cô giáo, có tôi là phụ huynh em Mơ ạ" mới gãy nghĩa chứ! Nhưng thôi, hiểu ngầm vậy, chứ cứ câu nệ câu chữ thế, có mà hết buổi, còn họp hành gì!)

 

Cô giáo bỏ qua, gọi tiếp:

 

- Phan Thị Huyền Thu (tên một học sinh khác)?

 

- Có! Vị phụ huynh này chắc là cựu chiến binh, quen tác phong điểm danh trong quân đội…

 

- Đỗ Thị Đào?

 

- Dạ, có.

 

Cô giáo nhìn phụ huynh này hồi lâu, rồi nói: - Hôm nay mới biết mặt!

 

Ông bạn ngồi cạnh ghé tai tôi thì thào: - Này, hôm nay là buổi họp đầu tiên, thì hôm nay mới biết mặt, là chuyện đương nhiên chứ?

 

Tôi im lặng, nghĩ bụng: Cái nhà ông này đoảng quá, hỏi thế mà cũng hỏi. Lần đầu có con đi học chắc? Phụ huynh nào chả phải đến nhà cô giáo chủ nhiệm trước hàng tháng? Không biết thì phải hỏi thăm, chứ để đến hôm nay mới gặp cô giáo, thì đúng là vô tâm quá! Các cụ đã chả dạy: "Muốn con hay chữ, phải "yêu" lấy Thầy" là gì? Vả lại, khai giảng năm học mới này, lại đúng dịp tết Trung Thu, mà cô giáo đến hôm nay mới trông thấy mặt ông, tức chứng tỏ ông chưa đến "tết" nhà cô giáo? Thế thì "hỏng" quá đi rồi, còn thắc mắc nỗi gì?

 

Nhưng đó chỉ là những điều tôi suy nghĩ trong đầu, chứ tuyệt không dám nói với ông ngồi cạnh. Dại gì mà nói cơ chứ, con cháu mình học ở đây, những mấy năm nữa!

 

Tiếp theo, cô giáo đọc bản thông báo về các khoản phụ huynh học sinh phải đóng góp trong năm học mới, bao gồm các "khoản bắt buộc" như "học phí chính thức: hai chục ngàn một tháng", "học phí học thêm một số buổi chiều: tám ngàn một buổi", "tham gia xây dựng nhà trường: hai trăm ngàn cả năm học", "quỹ hội Phụ huynh toàn Trường: một trăm ngàn", rồi một số "quỹ" lặt vặt khác như "tiền gửi xe đạp",  "tiền thuê bảo vệ", "tiền thuê các chị lao công", "tiền điện", "tiền nước", "tiền nước uống", "tiền vệ sinh". Lại có cả "quỹ khuyến học" nữa. Khoản đóng góp "không bắt buộc" (tức đóng góp "tự nguyện") gồm: tiền "mua bảo hiểm y tế", và "bảo hiểm thân thể". Đọc xong bản thông báo, cô giáo hỏi:

 

- Có vị nào thắc mắc điều gì về các khoản đóng góp năm nay không?

 

Không một ai lên tiếng! Im lặng - thế có nghĩa là mọi người đều đồng ý!

 

Chưa xong, đến lượt vị chi hội trưởng Hội phụ huynh lên phát biểu, đề nghị mỗi vị góp cho chi hôi một trăm ngàn nữa để làm quỹ lớp. Chi hội trưởng lại hỏi, giống như câu hỏi của cô giáo chủ nhiệm:

 

- Có vị nào thắc mắc điều gì về các khoản đóng góp năm nay không?

 

Không một ai lên tiếng! Im lặng - thế có nghĩa là mọi người đều đồng ý!

 

Rất chu đáo!  Rất chi tiết! Rất đầy đủ! Có điều cộng nhẩm toàn bộ lại, thì giật thót mình, vì số tiền đóng góp với khá nhiều người ngồi đây, là quá bất ngờ: ngót nghét một triệu đồng! Cứ tính mà xem, nếu một nhà có hai con đi học, thì tháng này chi tới gần hai triệu chứ có bỡn đâu? Đấy là chưa kể tới khoản tiền mua sách giáo khoa, sách tham khảo, mua vở viết cùng các dụng cụ học tập. Một khoản nữa cũng không thể không lo, ấy là quần áo đồng phục! Mấy tháng lương đi đứt ấy chứ chơi à? Ấy là nói người có lương, chứ người thất nghiệp không lương thì còn gay nữa. Nhưng biết làm thế nào, muốn con có cái chữ thì bố mẹ phải tốn kém chứ. Cứ bao cấp mãi, ngân sách xã hội gánh sao xuể?!. Người ta còn có phương án tăng thêm học phí, để không lạc hậu so với các nước láng giềng nữa kia.

 

Tan họp ra về, mừng thì ít, lo thì nhiều. Tôi liếc nhìn mấy vị phụ huynh đi cùng, mặt vị nào cũng như… chảy dài thêm ra! Đấy là cảnh tình thật đập vào mắt tôi, chẳng dám nói thêm lên đâu.

 

Trần Huy Thuận

 

LTS Dân trí - Câu chuyện phụ huynh học sinh đi họp đầu năm học cho con em mình hầu như đã trở thành thông lệ và nhận được sự quan tâm của mọi gia đình. Các bậc cha mẹ học sinh (hoặc ông, bà đi thay) đều muốn đi dự đông đủ để được biết cô giáo chủ nhiệm căn dặn những điều gì hệ trọng trong năm học mới để còn về nhắc nhở con em mình.

 

Nhưng xem ra nội dung cuộc họp được phản ảnh trong bài viết trên đây hầu như chỉ xoay quanh việc điểm danh và phổ biến các khoản thu… nào là các “khoản thu bắt buộc” rồi đến các “khoản thu tự nguyện”. Xong các khoản thu của trường của lớp, lại đến khoản khu của chi hội phụ huynh học sinh… Rốt cuộc theo sự nhẩm tính thì số tiền đóng góp đến gần một triệu đồng cho một suất học sinh. Gia đình nào có hai, ba con đi học thì số tiền phải đóng góp đầu năm học không phải là nhỏ, nhất là đối với người nông dân nghèo.

 

Câu chuyện “lạm thu, loạn thu” của các trường học vào đầu năm học đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo biết đến và đã có biện pháp chấn chỉnh, nhưng xem ra chưa đủ liều lượng răn đe, cho nên năm học này vẫn diễn ra cái cảnh giống như nhiều năm học trước.