Tòa tối cao “kháng” lại chính mình sau 2 năm thi hành án

(Dân trí) - Sau 2 năm cơ quan Thi hành án Dân sự TP Hà Nội thi hành bản án phúc thẩm có hiệu lực trong một vụ tranh chấp đất đã qua phiên Giám đốc thẩm TAND Tối cao. Nhưng bất ngờ vừa qua TAND Tối cao lại kháng nghị ngược lại với chính bản án đó.

Cắt đôi đất của mẹ cho một người tâm thần đứng tên

Vụ kiện bắt đầu từ việc anh Nguyễn Văn Tạo tự ý xẻ đôi miếng đất hương hỏa của cha mẹ để chia cho anh Nguyễn Văn Chung, người anh em họ bị mắc chứng bệnh tâm thần đứng tên. Và bà Triệu Thị Mão, người sử dụng miếng đất hợp pháp nói trên đã đệ đơn đòi tài sản mà bị đơn chính là con trai của bà.

Sau 8 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tòa đã tuyên buộc anh Tạo và anh Nguyễn Văn Chung phải trả lại đất cho bà Mão và bản án đã được thi hành xong cách đây gần 2 năm.

Theo lời khai và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án tranh chấp đất thể hiện, mảnh đất mà bà Triệu Thị Mão sử dụng có nguồn gốc là đất của bố mẹ chồng bà là hai cụ Nguyễn Văn Sụn và Nguyễn Thị Nghĩa, để lại với tổng diện tích ban đầu 2.036m2 .

Năm 1945, sau khi vợ chồng cụ Sụn và cụ Nghĩa qua đời, vợ chồng bà Triệu Thị Mão và ông Nguyễn Văn Kế đã quản lý và sử dụng 2.036m2 đất do bố mẹ để lại. Năm 1956, ông Nguyễn Văn Kế và bà Triệu Thị Mão chia cho người em ruột là ông Nguyễn Văn Sáu một phần diện tích đất đó.

Số diện tích đất còn lại, 1020m2, vợ chồng bà Mão cùng các con sử dụng. Đến năm 2002 thì phát sinh việc tranh chấp khi chị Nguyễn Thị Bình, chị gái của anh Nguyễn Văn Chung đem sổ đỏ đứng tên anh Chung và yêu cầu anh Nguyễn Văn Tạo con trai bà Mão xác định mốc giới thửa đất giáp ranh và trả lại thửa đất cho anh Chung.

Biết chuyện như vậy, lúc này bà Mão “té ngửa” ra, trong khi bà đi vắng ở với con trên tỉnh Hòa Bình thì thửa đất 1020m2 của bà đã bị con trai của bà là anh Tạo “cưa” đôi cho anh Nguyễn Văn Chung đứng tên một nửa và UBND huyện Thanh Trì đã cấp sổ đỏ cho anh Chung, anh Tạo, mỗi người 510m2.

Giải thích về việc này trước tòa, anh Tạo cho rằng do để mảnh đất lớn quá sợ phải đóng thuế nhiều nên đành chia đôi mảnh đất ra để cho anh Chung đứng tên một nửa vì anh Chung là người mắc bệnh tâm thần, không biết gì còn tiền thuế đất vẫn do anh Tạo một mình đóng.

Sau 8 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, giám đốc thẩm, ngày 23/9/2008, TAND thành phố Hà Nội đã xử phúc thẩm và tuyên bố, việc vợ chồng bà Mão sử dụng đất liên tục trên 60 năm nên là chủ sử dụng đất hợp pháp đối với thửa đất 1020m2. Hơn nữa, việc UBND huyện Thanh Trì cấp sổ đỏ cho anh Nguyễn Văn Chung, người mắc bệnh tâm thần, là trái pháp luật.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của bản án Giám đốc thẩm ngày 21/4/2008 của TAND tối cao, TAND TP Hà Nội cũng xác định, không có việc chia đất của vợ chồng cụ Sụn vào năm 1968 như bị đơn trình bày. Vì thế, lần thứ 3 xét xử phúc thẩm TAND thành phố Hà Nội vẫn quyết định buộc anh Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Chung phải trả lại đất cho bà Mão và kiến nghị UBND huyện Thanh Trì thu hồi các sổ đỏ cấp trái pháp luật.

Và vì tình cảm họ hàng, bà Mão sẵn sàng cắt 150m2 đất trong số 510m2 đất để cho anh Chung có mảnh đất sinh sống.

Bản án đã có hiệu lực đến tháng 1/2009, cơ quan thi hành án đã tiến hành thi hành bản án xong, giao đất cho các bên và làm báo cáo gửi lên các cơ quan cấp trên về việc đã thi hành xong bản án.

Tòa tối cao kháng nghị thiếu khách quan, “mở” ra sự rắc rối

Những tưởng vụ việc tranh chấp đất trong gia đình bà Mão đã được an bài sau gần một thập kỷ tranh chấp và bản án đã được thi hành án gần 2 năm.

Nhưng, ngày 9/6/2010, Phó chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ lại kí ra quyết định kháng nghị hủy bản án phúc thẩm lần 3 của TAND thành phố Hà Nội ngày 23/9/2008 và đề nghị Tòa Dân sự - TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án nêu trên và giao cho TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm lại.

Bản kháng nghị của TAND Tối cao cho rằng một số nhân chứng khai rằng có chuyện bàn chia đất giữa các bên vào năm 1968. Cụ thể ông Kế, ông Sáu và ông Nguyễn Văn Bốn (bố của anh Chung, chị Bình) đã bàn chia đất. Theo đó ông Sáu được chia 1.116m2 đất số diện tích đất còn lại là1.020m2 đất ông Bốn và ông Kế chia làm đôi.

Tuy nhiên điều oái oăm này là lí do mà TAND Tối đưa ra để khàng nghị lại chính là phần trước đây bản án Giám đốc thẩm ngày 21/4/2008 của họ đã bác vì xét thấy không có căn cứ và không phù hợp với nhiều tình tiết, chứng cứ khách quan có trong hồ sơ.  

Cũng theo tài liệu có trong hồ sơ của vụ án tranh chấp đất thể hiện rõ những điều hết sức vô lí của bản kháng nghị này. Đó là TAND Tối cao dựa vào lời khai của một số nhân chứng là người thân trong gia đình khai rằng “năm 1968 có chuyện bàn bạc về việc chia đất giữa các con của cụ Sụn cụ Nghĩa”. Nhưng chính điều này đã thể hiện sự phi lí của bản kháng nghị đó là, trong số những lời khai này có những người được Tòa coi là nhân chứng lại sinh vào năm 1971 (chị Nguyễn Thị Mai) và ông Nguyễn Văn Khải SN 1968. Nghĩa là người làm chứng lại sinh sau một vụ việc đã xảy ra trước đó hoặc khi mới lọt lòng chưa biết gì đã đã được coi là nhân chứng của một vụ án.

Ngoài ra quyết định kháng nghị của TAND Tối cao mặc dù không có tài liệu nào cho thấy, có văn bản thỏa thuận phân chia tài sản như các đương sự đã khai, vậy thì nội dung mà TAND Tối cao kháng nghị như vậy liệu có thật sự khách quan? Hay chỉ để mở ra sự rắc rối không đáng có trong một vụ án tranh chấp dân sự mà mọi chuyện đã quá rõ ràng và hợp lí hợp hợp tình đã được thể hiện trong các bản án trước đó của các cấp tòa trong đó có cả bản án của TAND Tối cao.

H.Ngân