Vụ án “siêu lừa” Thái Lương Trí:
Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao tại Hà Nội có dấu hiệu vi phạm tố tụng
(Dân trí) - "Làm xiếc" con dấu, Thái Lương Trí và Dương Minh Hải đã qua mặt các cơ quan quản lý trong nước và nước ngoài, chiếm đoạt gần 30 chục tỷ đồng của những người cùng hợp tác kinh doanh.
Hành vi này bị truy tố vì 2 tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong đơn gửi báo Dân trí và các cơ quan trung ương, ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và bà Chu Thị Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú cho biết, là người bị hại trong Vụ án Thái Lương Trí và Dương Minh Hải, ông Huấn và bà Thành rất nôn nóng đợi Tòa phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử sau kháng cáo của bị cáo Trí và Hải. Sau 28 tháng mòn mỏi chờ đợi, ông Huấn và bà Thành vô cùng thất vọng khi bản án, cùng quá trình xét xử có dấu hiệu vi phạm trình tự tố tụng và được “báo trước” như một bản án bỏ túi.
Cụ thể, tại phiên xét xử phúc thẩm chính thức diễn ra trong 4 ngày 28, 29, 30 và 31/10/2013, Chủ tọa, - Thẩm phán Nguyễn Hồng Phúc thể hiện dấu hiệu thiên vị, thiếu khách quan khi chấp nhận hàng loạt tài liệu không được thu thập qua con đường chính thống của bị cáo. Vị chủ tọa cũng liên tục cắt lời trình bày của phía bị hại và luật sư phía bị hại. Đặc biệt, vị Chủ tọa này cũng cắt luôn cả ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên giữ quyền công tố khi trình bày căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, không chấp nhận lời dẫn giải tội của bị cáo theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án của Kiểm sát viên.
HĐXX không xem xét từng tài liệu, chứng cứ một cách cẩn trọng, không đưa ra đối chiếu, công bố các tài liệu trong hồ sơ tại phiên tòa như thường thấy. Các tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập theo trình tự tố tụng do pháp luật quy định cũng bị bỏ qua.
Tại phiên xét xử, Luật sư Hoàng Văn Hướng đã phải bức xúc thốt lên: “Những dẫn chứng các tài liệu chứng cứ của bị hại đưa ra đều bị khước từ, nhưng ngược lại của phía bị cáo đưa ra đều được thu thập xem xét. Như vậy, HĐXX làm việc thiếu khách quan”.
Nhiều lần có dấu hiệu vi phạm trình tự tố tụng
Theo dõi vụ án từ đầu, không ít người giật mình vì việc có dấu hiệu vi phạm các qui định của Tòa Phúc thẩm diễn ra nhiều lần và có dấu hiệu giảm nhẹ tội danh của bị cáo. Một điểm bất ngờ là việc đưa ra xét xử vụ án Thái Lương Trí từ phiên sơ thẩm đã được hoãn đến 8 lần.
Cụ thể, ngày 23/2/2012, lần đầu tiên Tòa phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, phiên xét xử bị hoãn do vắng mặt luật sư bào chữa cho các bị cáo. Chưa đầy 1 tuần sau, ngày 29/2/2012, Tòa án phúc thẩm tiếp tục ra thông bão hoãn phiên xét xử phúc thẩm dự kiến mở vào ngày 13/3/2012. Lý do lần hoãn này là "bị cáo Thái Lương Trí có tình trạng sức khỏe yếu".
Hơn 1 năm sau, ngày 12/4/2013, Tòa phúc thẩm mới tiến hành đưa ra xét xử phiên phúc thẩm. Tuy nhiên, cũng như lần trước, sau khi làm xong thủ tục, HĐXX lại tuyên bố hoãn vì "Luật sư phía bị cáo Dương Minh hải xin hoãn vì bị cáo không có mặt tại tòa".
Lần thứ 4, ngày 6/5/2013, kịch bản hoãn xét xử phúc thẩm lại lặp lại một lần nữa vì bị cáo Trí không có mặt với lý do ốm. Đặc biệt, lý do hoãn vì sức khỏe này có tình tiết khó hiểu, khi Chủ tọa phiên tòa công bố bệnh án của Trí: Huyết áp đo được 120/80, nhịp đập mạch 100/70. Những người bị hại đã so sánh các chỉ số đủ chứng minh sức khỏe của mình còn "nguy hiểm" hơn bị cáo, nhưng Chủ tọa phiên tòa vẫn tuyên bố... hoãn!.
Trong khi đó, Điều 242, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định: Tòa phúc thẩm TAND tối cao, Tòa án Quân sự Trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Trong trường hợp phải hoãn phiên tòa, thì theo Điều 245, Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn hoãn phiên tòa cũng không được quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn. Những người bị hại đang đặt dấu hỏi, việc Tòa phúc thẩm trì hoãn ngoài quy định của Luật nói trên có dụng ý gì?.
Ngày 10/4/2013, Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư có công văn số 5345 gửi đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao đề nghị xem xét, chỉ đạo xét xử phúc thẩm theo thẩm quyền, đúng qui định, thông báo kết quả đến Văn phòng Trung ương Đảng để báo cáo Thường trực Ban bí thư.
Ngày 15/4/2013, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục có văn bản lần hai gửi Chánh án TAND tối cao sớm kiểm tra, xem xét giải quyết theo thẩm quyền, trả lời đương sự và báo cáo kết quả giải quyết trình Chủ tịch nước trước ngày 15/6/2013. Tuy nhiên, tất cả các thời hạn đều không được thực hiện.
Trở lại với phiên xét xử phúc thẩm, sau 4 ngày tranh tụng, HĐXX tuyên huỷ bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại từ đầu. Theo quan điểm của HĐXX, vụ án này có nhiều vấn đề mà quá trình điều tra, kiểm sát và xét xử sơ thẩm chưa làm rõ. Bên cạnh đó, HĐXX cũng đánh giá có dấu hiệu của việc vi phạm tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố xét xử ở giai đoạn sơ thẩm. Với việc làm vi phạm trình tự tố tụng, Tòa phúc thẩm đang yêu cầu làm rõ việc vi phạm này của cấp sơ thẩm.
Quá trình xét xử sơ thẩm ra sao? Quan điểm của các cơ quan chức năng như thế nào? Chúng tôi sẽ làm rõ ở bài sau.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ban Bạn đọc