Hà Tĩnh:

Toà án tỉnh tắc trách, "khoét sâu" nỗi đau của gia đình thầy giáo gặp nạn oan nghiệt

(Dân trí) - Chồng bị kẻ say rượu tông xe gây tổn thương cơ thể 100%, sống cảnh đời thực vật, người vợ được gia đình cử đại diện thay chồng trước các hoạt động tố tụng của pháp luật. Tuy nhiên, khi tiến hành xét xử hung thủ gây ra vụ việc, người vợ đã không được TAND tỉnh Hà Tĩnh mời dự phiên tòa, không được biết bản án phúc thẩm xét xử ra sao.

Tòa xét xử, gia đình bị hại… không biết

Sự việc tắc trách nói trên vừa được chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1981, trú tổ dân phố 8, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh)- vợ của nạn nhân Hoàng Bá Dũng, SN 1978, giáo viên dạy Toán của Trường THPT Lê Quý Đôn, là nhân vật trong bài viết “Nghẹn lòng trước tình cảnh hơn 200 ngày chưa mở mắt của thầy giáo dạy toán giỏi cấp tỉnh” - bức xúc phản ánh tới Dân trí.  

Tóm lược nội dung vụ án liên quan tới chồng chị Thủy như sau: Vào khoảng 23h45 ngày 21/5/2017, Đoàn Công Đức (SN 1962, trú phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển xe ô tô mang  BKS 37A-116.99 trên đường Quốc lộ 1A từ xã Thạch Trung vào nội thành TP Hà Tĩnh.

Khi đến đoạn đường thuộc xóm Tân Phú, xã Thạch Trung, Đoàn Công Đức đi trên phần đường của xe chạy ngược chiều, bất ngờ phát hiện xe mô BKS 38M1-1380 do chồng chị Thủy là anh Hoàng Bá Dũng điều khiển đi trên phần đường của mình theo hướng từ Nam ra Bắc.

Đoàn Công Đức đánh lái sang trái, nhưng không kịp, đã đâm thẳng vào xe anh Dũng. Bị ô tô tông, anh Dũng cùng xe ngã xuống đường. Hậu quả là nạn nhân Dũng bị tỷ lệ tổn thương 100% cơ thể, chết não, sống cảnh đời thực vât.

Toà án tỉnh tắc trách, khoét sâu nỗi đau của gia đình thầy giáo gặp nạn oan nghiệt - 1

Thầy giáo Hoàng Bá Dũng, nạn nhân bị Đoàn Công Đức xỉn rượu, tông gây chấn thương rất nặng, sống cảnh đời thực vật suốt hơn 2 năm qua. 

Thời điểm xảy ra tai nạn, hệ thống chiếu sáng hoạt động bình thường, đảm bảo tầm quan sát. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của cơ quan điều tra sau đó cho thấy, Đoàn Công Đức điều khiển xe trong tình trạng có sử dụng rượu bia, hơi thở có nồng độ cồn 0,897mg/lít khí thở.

Trên cơ sở kết luận của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tĩnh, VKSND TP Hà Tĩnh đã truy tố Đoàn Công Đức về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo  điểm b khoản 2 Điều 202, BLHS năm 1999.

Với hành vi phạm tội nêu trên, tại phiên tòa xét xử ngày 21/11/2018, TAND TP Hà Tĩnh đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Công Đức 3 năm tù giam.

Tòa buộc bị cáo Đức phải bồi thường cho gia đình bị hại 807,2 triệu đồng, do đã bồi thường 267 triệu đồng, nên phải bồi thường tiếp 540,2 triệu đồng; đồng thời phải trợ cấp chi phí chăm sóc 3000.000/tháng kể từ ngày xét xử sơ thẩm đến khi nạn nhân hồi phục sức khỏe hoặc chết.

Chị Thủy cho biết, do hoàn cảnh đã tận cùng khó khăn, không thể kham nổi chi phí chữa trị, chăm sóc cho chồng, nên gia đình chị đã liên hệ cơ quan chức năng đề nghị can thiệp để bị cáo thi hành nghĩa vụ bồi thường số tiền còn lại.

Tuy nhiên, liên hệ cơ quan chức năng, chị và gia đình sững sờ khi được biết TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành xét xử phiên phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo.

“Sau hơn 7 tháng từ phiên sơ thẩm, tôi và gia đình đã giật mình khi hay tin TAND tỉnh Hà Tĩnh đã xử phúc thẩm vụ án vào ngày 21/2/2019. Gia đình tôi hoàn toàn không được thông báo, không được mời dự phiên tòa này. Tìm hiểu thêm được biết, bị cáo được giảm từ 3 năm tù, xuống còn 2 năm”- chị Thủy bức xúc phản ánh.

Điều khiến chị Thủy và gia đình chị bức xúc hơn là sau phiên phúc thẩm, gia đình chị không nhận được Bản án của TAND tỉnh theo quy định. Chị Thủy liên hệ Bưu điện Thạch Hà, nhưng phía bưu điện khẳng định là không tiếp nhận bất kỳ tài liệu nào gửi chị Thủy qua địa chỉ gia đình.

“Cách đây hơn 1 tháng, tôi đến hỏi và được biết ông Hồ Đăng Quang là thẩm phán phiên xử phúc thẩm. Tôi đã liên hệ thẩm phán Quang thì được thẩm phán này giải thích lỗi không gửi cho gia đình bị hại là do thư kí quên và hứa gửi bổ sung. Tuy nhiên, chờ mãi gia đình tôi không nhận được Bản án nào”- chị Thủy bức xúc.

Đến sáng ngày 17/7, chị Thủy lại đến TAND tỉnh Hà Tĩnh để xin giải đáp thắc mắc thì được phía TAND tỉnh Hà Tĩnh giải thích, việc không mời gia đình bị hại dự phiên phúc thẩm là do gia đình không kháng cáo.

Toà án tỉnh tắc trách, khoét sâu nỗi đau của gia đình thầy giáo gặp nạn oan nghiệt - 2

Chị Thủy cùng người thân chăm sóc chồng tại bệnh viện.

“Tôi đã viện dẫn lời một luật sư tư vấn, vì sao vụ án còn liên quan đến quyền lợi của bị cáo và gia đình, trong đó bị cáo chưa hoàn thành việc thi hành bồi thường dân sự cho gia đình, nhưng Tòa không mời phía bị hại tham dự? Tuy nhiên, tôi không nhận được câu trả lời thỏa đáng của TAND tỉnh Hà Tĩnh ngoài việc họ đổ lỗi không gửi Bản án phiên phúc thẩm là do lỗi của thư ký và mong gia đình thông cảm bỏ qua cho sai sót này”- chị Thủy bức xúc cho biết.

Tòa sai, cần công khai xin lỗi

Sáng ngày 21/7, PV Dân trí đã liên hệ trực tiếp với thẩm phán Hồ Đăng Quang để rõ hơn những phản ánh của chị Thủy.

Thẩm phán Quang thừa nhận ông giữ vai trò chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm vụ án vào ngày 21/2/2019. Dù trong ghi âm mà chị Thủy cung cấp ông Quang thừa nhận việc quên gửi Bản án phúc thẩm cho gia đình bị hại là “do thư kí quên”; tuy nhiên, trả lời Dân trí ông lại “đổi giọng” nói, tòa có gửi Bản án cho bị hại qua đường bưu điện, nhưng do thất lạc địa chỉ?!  

Giải thích lí do phiên phúc thẩm không thông báo, không triệu tập gia đình bị hại tham dự phiên xét xử, thẩm phán Quang tái khẳng định, việc không mời là do gia đình bị hại không có đơn kháng cáo.

PV đặt câu hỏi, gia đình bị hại không kháng cáo, nhưng bản án phiên phúc thẩm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại, vậy tại sao tòa lại không mời gia đình bị hại tham dự? Thẩm phán Quang nói bận họp, tắt máy thoái thác câu trả lời này.

Trao đổi với Dân trí về những bức xúc của gia đình bị hại trong vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh đưa ra quan điểm, việc TAND tỉnh Hà Tĩnh không thông báo, không mời gia đình bị hại tham dự phiên tòa, không gửi Bản án cho gia đình bị hại là sai cả về lí lẫn về tình.  

Toà án tỉnh tắc trách, khoét sâu nỗi đau của gia đình thầy giáo gặp nạn oan nghiệt - 3

Trụ sở TAND tỉnh Hà Tĩnh

“Tôi chỉ đồng ý một phần trong ý kiến của thẩm phán Quang, đó là nếu gia đình bị hại không có đơn kháng cáo thì Tòa không nhất thiết phải triệu tập tới dự phiên phúc thẩm. Tuy nhiên, ở đây, khi bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm nhẹ mức bồi thường chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người bị hại.

Trong trường hợp này, Tòa có trách nhiệm phải triệu tập bên bị hại đến dự phiên tòa. Nếu tòa triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà bị hại không có mặt tòa sẽ xử vắng mặt, còn phiên tòa phúc thẩm không có giấy báo, giấy triệu tập đại diện của bị hại đến dự phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, phải hủy bản án phúc thẩm”- Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn phân tích.

Về việc không gửi Bản án cho bị hại, luật sư Tuấn cho rằng đó là một điều cứng nhắc, cần phải gửi bản án cho bị hại để bị hại biết thực hiện quyền yêu cầu thi hành án kịp thời.

Hà Phương