Tình trạng ô nhiễm nặng của Sông Nhuệ - sông Đáy

Từ đoạn sông chảy qua thành phố Hà Đông, nước bắt đầu bị ô nhiễm nặng. Các tiêu chí ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3-4 lần. Bằng mắt thường, người ta cũng nhận thấy nước sông màu đen, đầy váng bẩn , có mùi tanh…

Đáng tiếc, không ai khác mà chính là con người với hoạt động sản xuất, sinh hoạt gây ô nhiễm nặng hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy.

 

Vừa “vượt rào”, vừa báo cáo không đúng 

 

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, hiện nay, trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có các nguồn thải chính gồm 8 khu công nghiệp và cụm công nghiệp (KCN và CCN) với trên 157 dự án và cơ sở đang hoạt động, 266 cơ sở ngoài KCN và CCN, 358 làng nghề và các nguồn nước thải phát sinh từ sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư, du lịch, thương mại, khách sạn, nhà hàng; nước thải của các cơ sở y tế; nước thải của các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ; nước thải từ nông nghiệp; nước thải từ các hoạt động giao thông thủy... chưa được thu gom, xử lý.   

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đây chính là các thủ phạm gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy. 

 

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT, ông Nguyễn Công Thành, qua kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 230 cơ sở, khu, cụm công nghiệp và 7 làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, với tổng khối lượng nước thải trên 199.442 m3/ngày đêm trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình cho thấy, vi phạm phổ biến nhất là xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. 

 

Chẳng hạn, Công ty TNHH Công nghiệp Broad Bright Sakura Việt Nam, Công ty TNHH United Motor Việt Nam, Công ty TNHH Dynapac (Hà Nội)... đã xả nước thải vượt TCCP từ 10 lần trở lên. Nhiều doanh nghiệp không có giấy phép thải vào nguồn nước, không thực hiện chế độ báo cáo hiện trạng môi trường theo quy định, Không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại... 

 

Tương tự, hầu hết các hộ sản xuất tại các làng nghề cũng xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên 10 lần, quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại không đúng, không kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải... Một vài cơ sở còn xả nước thải có chứa chất nguy hại vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 lần trở lên. 

 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Công Thành, kiểm tra cho thấy, có 191/230 cơ sở đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, chiếm tỷ lệ 83 %, song chỉ có 17/230 đơn vị thực hiện đúng nội dung báo cáo hoặc bản cam kết, chiếm tỷ lệ... 7,4 %! 

 

Phạt cũng không xuể 

 

Bộ TN-MT cho biết, dựa trên kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 74 đối tượng vi phạm với số tiền trên 480 triệu đồng và chuyển hồ sơ, đề nghị Sở TN-MT các tỉnh, thành phố lập thủ tục để xử phạt đối với 85 đối tượng vi phạm với tổng mức phạt tiền từ 1,56 tỷ đồng đến 2,05 tỷ đồng. 

 

Tuy vậy, với mỗi cơ sở vi phạm, số tiền phạt cao nhất cũng chỉ lên tới vài chục triệu đồng, chưa thấm vào đâu so với lợi ích thu được từ sự vi phạm môi trường. 

 

Trước đòi hỏi cấp bách về giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy, Bộ TN-MT cho biết, đối với các đối tượng nằm trong danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải thực hiện các biện pháp xử lý triệt để hoặc di dời bộ phận gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư theo tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

 

Bộ TN-MT cũng đề nghị tạm thời đình chỉ hoạt động xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần với các thông số thông thường và từ 3 lần đến dưới 5 lần với các thông số nguy hại. 

 

Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020”. 

 

Theo đề án này, số tiền khổng lồ 3.335 tỷ đồng huy động từ nhiều nguồn khác nhau để cứu hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy. Cùng với việc bỏ tiền “chạy chữa”, chế tài xử phạt nghiêm khắc các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ môi trường ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy cũng được nêu cao. 

 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghiêm lệnh, chấm dứt hoạt động và xử lý nghiêm đối với tất cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm. 

 

“Cây gậy” chế tài đã có song người dân còn phải trông chờ ở sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Bởi lệnh trên nghiêm mà dưới buông xuôi thì kết quả nhận được vẫn chỉ là những bản báo cáo sai sự thật.

 

ANTD 

Theo Hanoinet

 

LTS Dân trí - Muốn cho đất nước phát triển bền vững và người dân không phải gánh chịu hậu quả nặng nề và khó lường do tình trạng ô nhiễm môi trường gây nên, mọi cơ sở công nghiệp cũng như các làng nghề có nghĩa vụ thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo vệ môi trường, không được đưa ra môi trường nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép;  phải thực đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như mọi cam kết bảo vệ môi trường.

 

Chính vì không thực hiện đúng điều đó, cho nên các cơ sở công nghiệp và các làng nghề hai bên bờ sông đã gây ra tình trạng ô nhiễm nặng nề đối với hệ thống lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy.

 

Nhằm khắc phục cơ bản tình trạng nói trên, đi đôi với việc xúc tiến thực hiện “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy, cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, với chế tài đủ sức răn đe các cơ sở vi phạm không vì lợi ích cục bộ mà không quan tâm đúng mức tới các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đấy cũng là tinh thần thực hiện nghiêm lệnh của Chính phủ đối với tất cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không thực hịện hoặc thực hiện không đúng tiến độ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm.