Tín hiệu vui ban đầu ở bến cá gần 50 tỷ từng khiến người dân thất vọng tại Sóc Trăng

(Dân trí) - Sau một thời gian “lỗi hẹn”, bến cá Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) từng khiến người dân thất vọng đã chính thức đi vào hoạt động trong niềm vui phấn khởi của ngư dân và bà con ở địa phương.

Ông Phạm Văn Hứa - Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề (đơn vị quản lý bến cá Mỏ Ó) cho biết, Sóc Trăng là tỉnh ven biển nằm ở phía Nam cửa sông Hậu và có diện tích tự nhiên là 3.310,04km2 (xấp xỉ 8,3% diện tích của khu vực ĐBSCL). Chiều dài bờ biển của tỉnh là 72km với 3 cửa sông chính đổ ra biển Đông, cùng với diện tích mặt nước nội địa khá lớn mang lại nguồn lợi thuỷ sản phong phú và đa dạng.

Năm 2012, Sóc Trăng được chọn là 1/8 tỉnh trong tổng số 29 tỉnh ven biển của Việt Nam tham gia dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) bằng nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), với mục tiêu tổng thể là cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững.

Được sự quan tâm của WB, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Trung ương dự án CRSD và của tỉnh, công trình nâng cấp bến cá Mỏ Ó (thuộc Hợp phần C, dự án CRSD tỉnh Sóc Trăng) được thực hiện, với tổng kinh phí 55,4 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục khác nhau.

Việc xây dựng nâng cấp bến cá quy mô, hiện đại làm nơi neo đậu tàu, lên xuống hàng hóa và tránh trú bão là khát vọng, là ước mơ từ nhiều đời nay của người dân ấp Mỏ Ó.

Tín hiệu vui ban đầu ở bến cá gần 50 tỷ từng khiến người dân thất vọng tại Sóc Trăng - 1

Bến cá Mỏ Ó.

Ông Phan Văn Lượm (ngụ ấp Mỏ Ó) nói: “Là người cả một đời gắn bó với nghề đi biển, chúng tôi rất cần nơi để tàu thuyền neo đậu khi trở về đất liền. Hồi trước, sau khi đi biển về, tàu của chúng tôi phải men theo con rạch nhỏ về đậu tại nhà, gặp khó khăn như vận chuyển hàng hóa đến nơi thu mua, vận chuyển xăng dầu, vật tư chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới…,. Còn bây giờ đã có bến cá Mỏ Ó thì ai cũng rất phấn khởi vì có nơi neo đậu tàu, mua bán, trao đổi hàng hóa thuận tiện hơn”.

Còn ông Nguyễn Văn Trung (người dân xã Trung Bình) chia sẻ: “Bà con chúng tôi phấn khởi khi ngư dân có bến cá để nơi neo đậu tàu thuyền tập trung, không phải về cảng Trần Đề cách đây mấy cây số, ra biển cũng gần hơn mấy cây số nữa, chi phí giảm nhiều”.

Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề - ông Phạm Văn Hứa cho biết, hiện tại, bến cá Mỏ Ó tạm bàn giao đưa vào sử dụng sẽ giúp ngư dân yên tâm đánh bắt cá khi cặp bến. Với nhiệm được giao, đơn vị cam kết quản lý tốt tài sản đã được đầu tư xây dựng và kêu gọi ngư dân vào bến cá để phát triển lớn mạnh.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động cho bà con biết để chọn bến cá làm nơi tập kết tàu thuyền và hàng hóa. Sắp tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện các dịch vụ hậu cần nghề cá để ngư dân yên tâm ra biển đánh bắt”, ông Hứa nói.

Tín hiệu vui ban đầu ở bến cá gần 50 tỷ từng khiến người dân thất vọng tại Sóc Trăng - 2

Tàu vào bến cá Mỏ Ó.

Chủ tịch UBND huyện Trần - ông Lưu Hữu Danh cho biết, huyện Trần Đề là địa phương có thế mạnh khai thác thủy sản, chiếm 80% sản lượng khai thác biển của tỉnh. Tới đây, huyện sẽ phối hợp với ngành chức năng để khai thác hết công năng hoạt động của bến cá Mỏ Ó nhằm phục vụ ngư dân không chỉ của Trần Đề mà còn của cả khu vực lân cận để tăng giá trị chất lượng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế huyện nhà, tăng thu nhập ngư dân.

Theo Ban quản lý dự án CRSD, hằng ngày bến cá Mỏ Ó sẽ tiếp nhận khoảng từ 200 - 300 chiếc tàu ra vào bến, phục vụ cho trên 600 hộ dân chuyên nghề khai thác gần bờ của huyện Trần Đề.

Xuân Lương