Bình Thuận:

Tin bác sĩ, đưa con đi nước ngoài chữa bệnh: “Tiền mất - Tật mang”?

(Dân trí) - Cháu bé được BV Nhi Đồng 1 chẩn đoán, “bong võng mạc sinh non, xuất huyết pha lê thể”. Nhưng sau đó, nghe lời khuyên bác sĩ BV Mắt TP.HCM, gia đình đưa cháu sang Thái Lan tìm cơ hội cuối. Trớ trêu, mắt bé không sáng được mà gia đình còn gánh thêm món nợ…!

Theo đơn thư trình bày chị Nguyễn Thị Xuân Thủy (Lagi - Hàm Tân, Bình Thuận) gửi Báo Dân Trí, Bé Nguyễn Thành Kiên (sinh ngày 1/4/2014) là trẻ sinh non khi mới nằm trong bụng mẹ được 32 tuần. Bé phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt của BV tỉnh Bình Thuận gần hai tuần. Sau khi về hai tháng, chị Thủy đưa con vào khám tổng quát tại BV Nhi Đồng 1. Kết quả chẩn đoán: “xuất huyết pha lê thể”, “bong võng mạc trẻ sinh non”. Nghe bác sĩ chuyên khoa Mắt, BV Nhi Đồng 1, cho biết như vậy, người mẹ trẻ hoang mang và không biết đó là bệnh gì nên hỏi lại một lần nữa, bác sĩ cho biết cháu bị “mù vĩnh viễn”. Vừa nghe xong, người mẹ hụt hẫng và bị sốc nặng.

Tin bác sĩ, đưa con đi nước ngoài chữa bệnh: “Tiền mất - Tật mang”?
Cả gia đình giờ phải sống nhờ vào đồng lương giữ quán Karaoke của ông ngoại cháu Kiên, chưa biết ngày nào trả hết món nợ cả trăm triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, chị Thủy cho biết: “Bồng con trên tay, tôi chỉ biết khóc. Tôi hỏi bác sĩ có thể mổ được không, hay tôi mổ chung và hiến cho con một bên mắt của mình. Bác sĩ đã ôm em và nói, “đừng buồn, không mổ kịp nữa, hãy dành đôi mắt của em, để lo cho cháu sau này”. Sau đó, tôi gọi về nhà báo tin và nghe nói có BV chuyên về mắt, nên quyết định đưa con qua khám, với suy nghĩ, còn nước còn tát.”

Tại Phòng khám ROP (Bệnh bong võng mạc trẻ sinh non), BV Mắt TP.HCM, BS. L. T. K. C. đã khám cho con chị Thủy. Sau khi có kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ thông báo, “cháu bị bong võng mạc trẻ sinh non”. Sau đó, BS K. C. khuyên chị Thủy nên đưa con đi nước ngoài chữa trị.

Chị Thủy cho biết, BS K. C. giới thiệu tôi đến gặp BS C. để hiểu rõ thêm về vấn đề đi nước ngoài, chứ ở Việt Nam không chữa được nữa. Nếu đi Thái Lan điều trị tốn 100 triệu đồng, còn Singapore là 250 triệu đồng. Tôi và cha đã ôm con quay về nhà, thương cảm cho hoàn cảnh của bé Kiên, bà con láng giềng đã cho tôi mượn 70 triệu, rồi gom góp sự giúp đỡ của người thân, bán đồ trong nhà. Tôi cầm 100 triệu đồng, ôm con, quay lại gặp BS. C. để được nghe tư vấn và bắt đầu “hành trình” đưa con đi nước ngoài chữa bệnh.

Tại Thái Lan, chúng tôi đến BV Vichaiyut, tại đây các bác sĩ khám chẩn đoán bé Kiên bị trào ngược bao tử, thiếu máu trầm trọng và xuất huyết não nhẹ ở chế độ bán cấp, và cho biết bệnh này có thể điều trị được tại Việt Nam cho đỡ tốn kém. Chị Thủy kể: “Về mắt của con tôi, các BS Thái Lan cho biết, mắt phải của cháu có thể mổ được, nhưng kết quả không được như mong muốn, do tình trạng sức khỏe của cháu quá yếu.” Theo  kết luận của các BS tại BV Vichaiyut - Thái Lan, vì sinh non, bé Kiên đã bị bong võng mạc cả hai mắt, trước khi phẫu thuật, kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị thiếu máu.  

Sau khi đưa con về Việt Nam, chị Thủy đưa con vào lại BV Nhi Đồng 1, cầm theo thư và đĩa CD của BV Thái Lan để điều trị được 5 ngày và xuất viện về nhà, uống thuốc đi tái khám thường xuyên. Được 2 tháng, chị Thủy cho biết chị bế con vào BV Mắt TP.HCM, tái khám, gặp BS C.. Khám xong, BS cho biết: “ca phẫu thuật thất bại, cháu hiện giờ vẫn chưa thấy được gì.”

Không biết kêu ai, chị Thủy ôm con quay về nhà bố mẹ đẻ và từ đó cùng cha mình - ông Nguyễn Văn Thiện quần quật kiếm tiền nuôi con, trả nợ.

Qua tìm hiểu với chính quyền địa phương nơi hai mẹ con chị Thủy cư ngụ, ông Võ Bình Minh - Trưởng khu phố 3 (phường Tân Thiện, La Gi), khẳng định “Thu nhập trung bình của gia đình họ trên dưới 500.000 đồng/tháng/người, thấp hơn chuẩn nghèo của phường. Cha con, ông cháu chị Thuỷ hiện vẫn ở nhờ nhà bên vợ. Ông Thiện - cha cô Thủy, vừa phải nuôi bà mẹ vợ nay đau mai ốm, vừa chăm đứa cháu ngoại bị bệnh mù bẩm sinh. Còn Thủy, mẹ bé Kiên, không thể đi làm vì không ai chăm sóc con.”

Vì con còn quá nhỏ, lại không thể nhìn thấy, bà ngoại nay ốm mai đau, chị Thủy không thể tìm được bất cứ công việc gì. Mọi chi phí trong nhà phải dựa vào công việc bảo vệ tại quán karaoke của ông Thiện. Từ khi đưa bé Kiên quay lại La Gi sau ca phẫu thuật ở Thái Lan, ông Kiên mới trả được 2 lần nợ, mỗi lần 1 triệu đồng. Không biết, gia đình ông chừng nào mới trả xong món nợ này.

Bác sĩ C. và  bệnh viện Mắt TPHCM lý giải gì?

PV Dân Trí đã chuyển hồ sơ của bé Nguyễn Thành Kiên cho lãnh đạo BV Mắt TP.HCM để tìm hiểu rõ việc khuyên bệnh nhân đi nước ngoài chuyển viện, trong khi cháu đã được các BS Nhi Đồng 1 chẩn đoán, không thể mổ được, do “xuất huyết pha lê thể, bong võng mạc trẻ sinh non”. Cụ thể, với trường hợp này, bác sĩ C. có đưa ra một lời khuyên đúng đắn hay không? Khi việc đưa bệnh nhân đi nước ngoài trong một hoàn cảnh là hy vọng mắt bé có thể nhìn thấy lại với một tỷ lệ thành công về mặt chuyên môn rất nhỏ, và điều quan trọng, bé Kiên có hoàn cảnh gia đình lại vô cùng khó khăn, không hề dư giả tiền của để “đánh cược” với sự thành công trong phẫu thuật mắt như vậy?  

Theo phúc đáp của BV Mắt TP.HCM, ngày 5/6/2014, bé Nguyễn Thành Kiên được khám tại BV Nhi Đồng 1, với chẩn đoán “xuất huyết võng mạc, xuất huyết pha lê thể”. Cùng ngày, chị Thủy đã đưa bé đến khám tại phòng khám ROP (bệnh võng mạc ở trẻ sinh non) - BV Mắt TP.HCM với chẩn đoán bong võng mạc hai mắt/ROP và hẹn ngày 9/6 hội chẩn. Sau đó, BS. D. Q. C. đã khám và chụp hình đáy mắt cho bé. BS cũng đã giải thích cặn kẽ cho gia đình về tình trạng và tiên lượng của bệnh. Bà Thủy có hỏi về việc phẫu thuật cho bé, BS C. cho biết: “Hiện tại BV Mắt TP.HCM chưa có khả năng phẫu thuật đối với bệnh này do điều kiện gây mê và hồi sức sau mổ không đủ đối với những trẻ sơ sinh, nhẹ cân và có những dị tật do sinh non đi kèm, cũng như chưa có kinh nghiệm trong phẫu thuật cho trường hợp của bé Kiên.”

Còn về việc có khuyên bà Thủy đi nước ngoài chữa bệnh hay không, BS C. đã giải trình như sau: “Tôi đã cho bà Thủy biết, chi phí đi điều trị nước ngoài rất tốn kém khoảng 60 - 100 triệu tùy tình trạng bé có phải nằm lại hay không. Đó là theo lời của một số gia đình đã đưa con đi điều trị tại đây. Còn ở Singapore chi phí khoảng 10.000USD. Việc thu xếp đi nước ngoài, gia đình bé phải tự thu xếp, đồng thời cũng đã giải thích tiên lượng sau phẫu thuật” BS. C. có cho bà Thủy số điện thoại vài gia đình đã đưa con đi điều trị ở Thái Lan để tìm hiểu rõ hơn.

Tuy nhiên, khi  PV Dân trí trao đổi với một số chuyên gia trong ngành khoa nhãn nhi, đa số ý kiến cho rằng: Trong hầu hết các trường hợp trẻ đã bị bong võng mạc, tiên lượng rất xấu. Nên đi nước ngoài điều trị hay điều trị trong nước hầu như không khác gì nhau. Đó là một trong những lý do khiến đối với những trường hợp bệnh có chẩn đoán bong võng mạc, có nơi sẽ xử lý theo hướng tiến hành phẫu thuật nhưng cũng có nơi không áp dụng phẫu thuật. Nhưng dù có phẫu thuật chỉ mang tính chất bảo tồn, giúp mắt không bị teo đi nhưng không có hiệu quả trong việc bảo tồn thị lực (!).

Hương Cát