Tìm về giá trị văn hóa gia đình

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị vật chất và tinh thần được tạo nên, song nhịp sống sôi động cũng cuốn đi nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Từng gia đình cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều mà trước hết là sự xuống cấp của những giá trị văn hóa.

Đã đến lúc mỗi con người, mỗi gia đình cần tỉnh táo xem xét và có những hành động thiết thực xây dựng văn hóa gia đình trên cái nền dân tộc và hiện đại.

 

Có thể nói, văn hóa gia đình là nơi khởi nguồn và gìn giữ nội dung, bản sắc cơ bản của văn hóa dân tộc. Gĩư gìn được truyền thống văn hóa gia đình là góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Người Việt Nam ta vốn có truyền thống văn hóa gia đình phong phú và tinh tế, được thể hiện và tỏa sáng trong những cái rất cụ thể. Từng lời nói, cử chỉ, hành vi, ý nghĩ của mỗi thành viên ở mọi lúc mọi nơi trong đời sống thường ngày như: bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ru, giọng nói, nụ cười, ánh mắt, trong lời dạy trẻ tập nói bi bô, trong sự dạy bảo của cha me với con cái về chữ hiếu, chữ trung, trong câu chuyên cổ tích ông bà kể cho cháu nhỏ, trong sự chung thủy của nghiã vợ chồng, trong chia ngọt sẻ bùi của anh em, những lúc quây quần thắp nén nhang thơm tưởng nhớ tổ tiên…

 

Nói văn hóa gia đình thì nội dung và ý nghĩa rất rộng lớn. Nhưng đó chính là những gì mà những con người cùng chung một mái nhà ấm cúng được hình thành và gắn  bó bởi hôn nhân và huyết thống vun đắp xây dựng bằng cả cuộc đời cho mối quan hệ ruột thịt ngày một bền chặt, cao đẹp, thiêng liêng và trường tồn.

 

Tìm về văn hóa gia đình trước hết và chủ yếu là tìm về gia giáo gia phong, vì đó là nền tảng, là cốt lõi trong đó gia giáo quyết định gia phong.

 

Có thể hiểu, gia giáo là quá trình giáo dưỡng con người từ khi còn trong bụng mẹ (thai giáo) cho đến lúc lớn khôn và trong suốt cuộc đời. Nhân cách và bản lĩnh, tư chất và năng khiếu, đạo đức và lối sống đều được hình thành và phát triển từ cái nôi gia đình để rồi cùng với nhà trưòng và xã hội vun đắp, phát huy, dần dần được hoàn thiện trong cuộc sống mà trở thành con người hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của xã hội.

 

Gia phong là nề nếp truyền thống của một gia đình có gia giáo, kế tiếp nhau phát huy những tinh hoa của đạo đức, tư tưởng, lối sống đã được khẳng định qua nhièu thử thách. Nhìn nhận gia phong không lệ thuộc vào của cải vật chất và địa vị xã hội, mà chủ yếu dựa vào chuẩn mực văn hóa tinh thần như: đạo đức, tài năng, tâm hồn, chí hướng, phương châm đối nhân xử thế, ý thức bổn phận và ý thức gây dựng cho con cháu.Trong truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, gia giáo có tiêu chí lớn là: chính tâm, thành ý, hướng thiện, tu nhân tích đức, trọng lễ nghĩa nhằm trang bị cho con người một cách toàn diện, có đủ đức tài.

 

Trong thời đại mới, có những cái phải điều chỉnh thay đổi cho phù hợp để đáp ứng với yêu cầu của xã hội về nhân tố con người.Việc chọn lọc, điều chỉnh, bổ sung, phát triển là nhiệm vụ trước hết của mỗi người, mỗi gia đình.  Tìm về giá trị văn hóa gia đình là hành động thiết thực trong quá trình xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

 

Trần Vân Hạc

 

LTS Dân trí - Mái ấm gia đình là cái nôi hình thành đạo đức, nhân cách, ý chí phấn đấu cũng như cách sống, lối sống của mỗi con người. Nói cách khác, chính những nét đẹp văn hóa gia đình đã góp phần quan trọng vào việc định hình, tạo dựng và vun dắp nhân cách và tính cách của mỗi con người.

 

Coi trọng việc xây dựng văn hóa gia đình không chỉ là công việc thiết thân của mọi nhà mà đấy còn là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo và quản lý nhằm chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

 

Tìm về những giá trị của văn hóa gia đinh chính là tìm về cội nguồn những nét đẹp của văn hóa dân tộc và đó cũng là cơ sở quan trọng để xác định đúng những tiêu chí xây dựng “gia đình văn hóa” ngày nay kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại.