Tiktoker quảng cáo sản phẩm dành cho trẻ nhỏ sai sự thật: Xin lỗi là xong?

PV

(Dân trí) - Mạng xã hội đang xôn xao về câu chuyện của một tiktoker quảng cáo thực phẩm chức năng dành cho trẻ nhỏ sai sự thật, khi cho rằng sản phẩm được tin dùng tại Nhật Bản giúp phát triển chiều cao.

Tuy nhiên, sau khi một số phụ huynh tin theo quảng cáo và đặt mua, đã phát hiện thông tin về xuất xứ, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Nhiều người đã phản hồi lại với chủ kênh tiktok, sau đó tiktoker nêu trên đã đăng tải video để xin lỗi và đính chính thông tin về sản phẩm mà mình từng quảng cáo.

Tiktoker quảng cáo sản phẩm dành cho trẻ nhỏ sai sự thật: Xin lỗi là xong? - 1
Tiktoker quảng cáo sản phẩm dành cho trẻ nhỏ sai sự thật: Xin lỗi là xong? - 2

Hình ảnh Tiktoker đưa ra lời xin lỗi và một số bình luận của người xem (Ảnh chụp màn hình).

Việc một số người nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội nhận quảng cáo không còn là câu chuyện xa lạ. Song, cũng cũng không ít vụ việc đã bị "bóc phốt" bởi cộng đồng mạng vì chất lượng sản phẩm không đảm bảo hoặc nguồn gốc, xuất xứ, thành phần không rõ ràng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Hà Như Khuê (Trưởng Văn phòng luật sư Như Khuê, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Hành vi quảng cáo sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm theo pháp luật quảng cáo hiện hành; được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012: "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố".

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 và Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ).

Luật sư Khuê cũng cho biết thêm, đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể: "Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm".

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều luật trên là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo luật sư Khuê, việc quảng cáo sản phẩm ngày càng diễn ra phổ biến bởi sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và công cụ quảng cáo của một số sàn thương mại điện tử. Điều này đặt ra trách nhiệm kiểm chứng thông tin sản phẩm trước khi nhận quảng cáo của những người nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, để đảm bảo thông tin chính xác đưa đến mọi người.

Ngoài ra, đối với người tiêu dùng, để bảo đảm an toàn cho chính mình và gia đình thì trước khi mua hàng hóa cũng cần lựa chọn một cách kỹ lưỡng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Nguyên Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm