Bộ Văn hóa nói gì về việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật?
(Dân trí) - Tại họp báo của Bộ VH,TT&DL, nhiều vấn đề nóng được đưa ra như việc trao tiền thưởng cho tác giả đạt giải thưởng Nhà nước, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật đã được lãnh đạo Bộ trả lời.
Chiều 9/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức họp báo quý III năm 2023. Tại đây, nhiều sự kiện xảy ra trong thời gian qua đã được đưa ra bàn luận và được các Cục, Vụ của Bộ giải đáp.
Nói về việc chưa chi trả tiền thưởng cho 114 tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, dù họ đã nhận giải thưởng được hơn 4 tháng, ông Lê Hồng Phong, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính cho biết, 2 giải thưởng trên đã trao vào ngày 19/5 vừa qua tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Những vướng mắc sẽ được các cơ quan liên quan giải quyết đồng bộ để các tác giả nhận được thù lao nhanh nhất.
"Văn phòng Chính phủ đã giao cho Bộ VH,TT&DL thống kê toàn bộ địa chỉ cụ thể các tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cho Bộ Tài chính.
Ngày 3/10, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, toàn bộ thủ tục để trao tiền thưởng cho các tác giả đã xong", ông Phong thông tin.
Liên quan đến việc gần đây, nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật, bị các cơ quan chức năng nhắc nhở và dư luận lên án, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) - cho biết, Luật Quảng cáo đã có những quy định về nội dung và hình thức quảng cáo.
"Điều 19 Luật Quảng cáo quy định, nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng. Hình thức được thể hiện trên các phương tiện khác nhau sau khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt nội dung.
Chúng ta đã có cơ chế, chế tài, quy định để kiểm soát về mặt nội dung, hình thức, để mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng đảm bảo được tính chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng mà sản phẩm quảng cáo đưa ra. Bên cạnh đó, cũng đã có những quy định về quyền và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia quảng cáo", bà Ninh Thị Thu Hương nói.
Tuy nhiên theo bà Hương, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều quảng cáo chưa đúng với tính năng, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia quảng cáo mà không kiểm chứng chất lượng sản phẩm. Đối với những đối tượng này, cơ quan nhà nước sẽ đưa ra những chế tài chặt chẽ hơn, bởi những người này định hướng cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sai nếu khán giả nghe theo lời quảng cáo.
"Dự thảo về Luật Quảng cáo sửa đổi cũng đưa ra quyền và trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo có uy tín, nghĩa là chúng ta không chỉ hướng tới các nghệ sĩ mà còn hướng tới những người có uy tín khác. Người có uy tín đó sẽ được định nghĩa trong dự thảo sắp tới", bà Hương nói thêm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH,TT&DL) - cho biết Bộ này đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hay không tuân thủ quy tắc ứng xử, có tác động lớn đến xã hội.
"Bộ VH,TT&DL đã ban hành Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghệ thuật, những hành vi vi phạm đạo đức, ứng xử, nhất là trong việc quảng cáo không trung thực, cung cấp sai thông tin tới công chúng, gây ảnh hưởng xấu thì ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật về quảng cáo.
Những người này sẽ được Bộ VH,TT&DL, Bộ TT&TT đưa vào diện xem xét, kiểm soát trong quy trình xử lý: Như bị lập danh sách "cảnh báo", gửi đến các cơ quan liên quan để kiểm soát hình ảnh xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như hoạt động xã hội.
Chúng tôi đã phối hợp với Bộ TT&TT làm xong dự thảo, lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Tư Pháp, và các cấp có thẩm quyền và chờ phê duyệt. Dự kiến, cuối năm nay sẽ xong việc này".
Ông Sơn cũng mong rằng, qua những biện pháp quyết liệt này, người nổi tiếng sẽ có ý thức hơn nhất là việc phát ngôn, quảng cáo trên mạng xã hội.