Tiếng nói bạn đọc Dân trí thời “sốt” giá

(Dân trí) - Kỷ lục bao giờ chẳng được quan tâm. Nhưng kỷ lục về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba cũng kéo theo kỷ lục ý kiến phản hồi của độc giả Dân Trí. Họ chính là những người đã, đang và sẽ phải chống chọi với đà quay cuồng của cơn “sốt” giá.

Tiếng nói bạn đọc Dân trí thời “sốt” giá - 1

Nội trợ thời bão giá (ảnh: bee.net.vn)
 

Xu hướng tăng dần

 

Là một trong những nội tướng tương đối có thâm niên trong gia đình, tôi cũng từng trải qua không ít những cơn váng mình, sốt mẩy của thị trường. Thường thì thời kỳ thị trường đỏng đảnh nhất luôn gắn với Tết nguyên đán hàng năm.

 

Quy luật đó lại tiếp diễn sau Tết năm nay, nhưng với diễn biến rất bất thường bởi đà tăng giá mà theo nhiều bạn đọc mô tả là “cứ vù vù tới mức hoa mắt, chóng mặt”, “giá hôm nay lại leo thang lên cao hơn hẳn mức hôm qua”... khiến các bà, các cô, các chị em đi chợ cứ tưởng chừng như túi tiền của mình bị…thủng đáy.

 

Theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê  thì CPI tháng 3/2011 tăng 2,17% so với tháng 2. Đây là mức tăng cao nhất và có tính chất bất thường trong vòng 34 tháng qua. Mức cao hơn trước đó xảy ra hồi tháng 5/2008 - tăng 3,91% so với tháng Tư cùng năm.

 

Như vậy, CPI trong quý đầu tiên của năm nay hình thành xu hướng tăng dần qua các tháng (từ 1,74% tháng 1 lên 2,09% tháng 2…). Mà ở Việt Nam chúng ta, gần như đã thành quy luật giá chỉ có lên, đã lên rất khó bề kéo xuống cho bằng chứ “không dám mơ” tới thấp hơn mặt bằng giá cũ.

 

Tự mình phải rút tiền ra trả cho những mớ rau, con cá, lạng thịt… theo đà tăng cứ nhảy như tôm tươi ngoài chợ những ngày “sốt” giá đồng loạt từ 20 lên 40, rồi 70 đến 80% mà lòng tôi cũng rối như tơ vò. Bữa cơm sum họp gia đình vốn đã mong manh trong thời đại điện tử gần như cái gì cũng có thể “ảo” này, nếu người vợ, người mẹ không cố gắng tảo tần gìn giữ hơi ấm bếp lửa gia đình thì điểm tựa để quy tụ chồng con, người thân rất có thể cũng sẽ bị lung lay.

 

Nhưng lương tiền thì vẫn vầy vậy mà giá thì cứ vọt lên, vọt lên theo chiều gần như thẳng đứng thế này thì dẫu có đảm đang mấy đa số các bà nội trợ cũng chẳng biết xoay xở ra sao cho bữa cơm đảm bảo được dinh dưỡng dù chỉ ở mức tối thiểu, nói gì đến độ hấp dẫn và sự thơm ngon!

 

Nhiệm vụ bất khả thi

 

Tôi cũng có niềm tin như một số bạn đọc đã bày tỏ, rằng không hẳn nguyên nhân chính là do tư thương tại các chợ “tát nước theo mưa” tự đẩy giá lên.

 

Chợ xép khu Trung Hòa gần nhà tôi khá nhỏ, người bán và người mua gần như đều “nhẵn mặt” nhau tới mức người mua có thể không cần trả giá, người bán cũng chỉ  nói thách chút chút để người mua nếu muốn trả giá được hài lòng. Trước những lời xuýt xoa than thở giá cả leo thang, các bà, các cô bán hàng ngoài chợ cũng tỏ ra rất ái ngại.

 

“Chúng em cũng áy náy lắm, nhưng giá mua vào cứ dội lên từng ngày, không mua thì chẳng có gì bán. Giá rẻ thì hàng bán còn chạy. Giá đắt quá thì lượng hàng bán ra lại giảm, người bán cũng khó như người mua. Khổ ơi là khổ” – cô bán hàng thịt quen bộc bạch với tôi.

 

Các bà nội trợ mà thở than thì đã như… chuyện thường ngày ở huyện. Vậy hãy xem các đáng mày râu “xúc cảm” ra sao trước bài toán nan giải giá – lương – tiền:

 

Ngày trước (2 năm trước) cầm 100 ngàn đi chợ cảm giác còn có ý nghĩa. Hiện thời cầm 100 ngàn đi chợ mua được rất ít. Nếu cứ để tăng giá như thế này thì những người có thu nhập trung bình và đi ở trọ như chúng tôi luôn có cảm giác "váng đầu", khổ sở vì phải tính toán. Mức thu nhập thế này và giá cả như thế này thật không còn đủ tự tin để nghĩ đến việc lấy vợ, sinh con...” -  Phạm Thành Sơn:  sonpt1982@gmail.com lo… ế vợ.

 

Với một viên chức mới ra công tác như tôi không biết phải xoay sở như thế nào nữa. Mức lương khoảng 2 triệu đ/ tháng thì là gì và tiêu gì. Bao giờ mới mua được đất và nhà (nếu không nói là cả đời, đấy là chưa kể ăn uống hàng ngày. Có không ăn gì chắc cũng phải khoảng 40 năm nữa thì thực hiện được ước mơ này)” - Tuấn Ngọc:  hoasakura85@yahoo.com lo… không chốn dung thân.

 

Ôi! tôi là giáo viên miền núi càng không sống nổi mất. Năm nay chắc tết tôi mới về quê được vì không có tiền xe. Các bạn nghĩ xem, tháng 2 triệu đồng, đi thuê nhà, tiền ăn hàng ngày… Dù có thắt lưng buộc bụng cũng không đủ” -  Nguyễn Văn Hà:  manhha_th@yahoo.com nhìn xa hơn tới tận… Tết năm sau.

 

Cái khó buộc phải ló cái khôn, không chỉ các gia đình mà nhiều bạn sinh viên đã rỉ tai nhau những kinh nghiệm sống chung với bão giá. Nào là chọn chợ xa, lựa giờ vãn chợ để mua được hàng rẻ. Hoặc siết lại lần nữa những nhu cầu tối thiểu, co kéo dãn mỏng hơn nữa khoản “lương” cha mẹ chu cấp sao cho "che mưa chắn nắng" đủ được 30, 31 ngày.
 

Nick Herotb91:  cuocđoicâyng_2210@yahoo.com than thở: “Từ sau Tết Nguyên Đán tới giờ mình chưa được ăn thịt!!!!!!!! Cứ kiểu này chắc SV chết mất thôi”.

 

Đậu Hoa:  quynhoa117@gmail.com mô tả tóm tắt: “Giờ đây, sinh viên chúng tôi giống như những con cá nhỏ, cứ quẫy đạp, khắc khoải trong... 1 vũng nước”.

 

Nick Thấy thương quá nè:  quehuong@yahoo.com kể:

 

Thấy thương quá các bạn ơi, sinh viên và kể cả những người làm công ăn luơng khổ như nhau! Mình cũng là dân tỉnh lẻ vào thành phố mấy năm rùi. Ra trường đi làm đồng lương phải chắt chiu đi học lên, rùi tiền trọ,tiền xăng, tiền phát sinh lễ cưới, tiệc thôi nôi con đồng nghiệp... Vậy mới thấm, nhưng không thấm bằng bi giờ vật giá leo thang, lương chẳng chịu tăng mà bà chủ bả cứ tăng giá nhà, chật vật đủ thứ hết các bạn ạ…

 

Bóp cái bụng  lắm khi ăn bữa đủ bữa thiếu, đau dạ dày trầm trọng lun chứ ...Vậy nên giờ cứ mà tiền lẻ còn thừa khi đi chợ hoặc những dự định đi chơi là mình dùng số tiền ấy bỏ ống heo hết, tiết kiệm được tí nào hay tí ấy, chứ bít sao bây giờ...híc. Cũng mong cho được tăng lương...vật giá xuống thang chứ đừng leo thang nữa, khổ sinh viên, công nhân ...nói chung là khổ cho nhiều người lắm”.

 

Lê Văn Bình:  binhienlinh@yahoo.com dãi bày:

 

Một nỗi băn khoăn và khó nói của biết bao nhiêu người không biết ngỏ cùng ai. Đây là vấn đề mà các ban ngành các cấp cần xem xét và có một hướng đi đúng đắn, để những người làm CBCNV nhà nước cũng như những người dân lao động tìm được lời giải cho cuộc sống trong thời kỳ giá cả tăng cao. "Tăng giá trước khi tăng lương", vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào? Những người thu nhập thấp bao giờ mới có nhà để ở? Họ còn không dám ăn ngon, lấy tiền đâu để mà mặc đẹp, mua nhà. Mọi thứ chi tiêu đều phải được đắn đo và xem xét rất kỹ…Đó cũng là mong muốn của biết bao nhiêu người có mức thu nhập thấp, mong các ban, các cấp có thẩm quyền có đường lối chính sách giúp người dân có cuộc sống dễ dàng hơn”.
 
Tiếng nói bạn đọc Dân trí thời “sốt” giá - 2
Ngụ ngôn Rùa - Thỏ thời bão giá
(ảnh: vn.360plus.yahoo.com)
 

Phát triển nóng

 

Còn nhiều lắm, nhiều lắm những tiếng kêu, những cảnh đời trong cơn bão giá. Cùng với đó là những đề xuất, mong muốn, hy vọng về một ngày giá cả bỗng ngừng leo thang và thậm chí còn có thể quay ngược đầu đi xuống.
 

Tôi nghĩ các vị lãnh đạo tầm vĩ mô nên giải quyết tầm xa chứ đừng giải quyết theo kiểu chạy theo tình thế, chỉ khổ dân có thu nhập thấp. Tóm lại là lương cứ chạy theo giá cả thì đương nhiên không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn rồi. Mong sao các nhà hoạch định nên có tầm nhìn chiến lược cho dân được nhờ” - Lan Hương: huonglinh_cp2005@yahoo.com

 

 Các bạn biết không, mỗi khi giá tăng tôi lại đặt câu hỏi: sinh ra bộ phận quản lý thị trường làm gì mà không giải quyết được gì...” - Nguyễn Văn Hùng:  nguyenhienvn83@gmail.com băn khoăn.

 

 Tôi chia sẻ một chút về lạm phát, tiền lương: Phát triển nóng là con dao hai lưỡi, đã có tăng trưởng nhất định sẽ có lạm phát. Muốn kiểm soát được lạm phát thì quản lý hiệu quả đầu tư phải cao. Khi "quan hệ sản xuất không phù hợp với lực lượng sản xuất" thì vấn đề chống lạm phát, bình ổn kinh tế gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay" - Nguyễn Quốc Chưởng:  chuongquoc@gmail.com.

 

Khi những nhu cầu cấp thiết bình thường hàng ngày chưa được đảm bảo thì thời gian đâu nghĩ đến việc học tập, làm việc, sáng tạo và cống hiến. Mong các cơ quan nhà nước, các cấp các ngành sớm có sự điều tiết bình ổn giá cả để đảm bảo sự công bằng cho mọi công dân– Vương Phương:  vuongphuong1990na@gmail.com tâm sự.

 
Và xin dẫn lời bạn Mỹ Phương:  bakhia_30042003@yahoo.com thay cho lời tổng kết:

 

" Dân có giàu nước mới mạnh "... nhưng tình trạng hiện nay thì dường như ngược lại. Dân nghèo và phải chật vật với đồng lương hàng tháng làm ra không đủ tiền sinh hoạt phí, nữa là nói đến chi tiêu gì khác. Thế mà các báo cáo của các cơ quan nhà nước lúc nào cũng nói là nước ta ngày càng phát triển, cũng chẳng hiểu là phát triển ra sao trong khi đời sống nhân dân đang đi xuống. Phúc lợi xã hội giành cho người dân thì càng không thấy thể hiện rõ ràng, mà khoảng cách giàu - nghèo thì càng thấy rõ hơn…”

 

Kiều Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm