Tiền gửi trong ngân hàng bỗng "bốc hơi": Ai chịu trách nhiệm?

Khả Vân

(Dân trí) - Những ngày qua, nhiều khách hàng hoang mang khi ngành công an thông tin về vụ việc một khách hàng sau hơn 2 năm gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) bỗng dưng bị mất hơn 58 tỉ đồng.

Ngoài ra nhiều khoản tiền của các khách hàng khác cũng "không cánh mà bay" khỏi tài khoản MSB. Hay như vụ chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu đã bị hack tài khoản ngân hàng mất gần 500 triệu đồng.

Tại sao nơi gửi tiền được cho là an toàn, độ tin cậy cao mà giờ đây lại có nhiều bất cập như vậy? Khi tiền "bốc hơi", thì khách hàng hay ngân hàng là bị hại và ai phải chịu trách nhiệm là băn khoăn của nhiều độc giả Dân trí khi gửi bình luận (comment) về báo.

Tiền gửi trong ngân hàng bỗng bốc hơi: Ai chịu trách nhiệm? - 1

2 vị khách, một người có hơn 58,6 tỷ đồng, một người hơn 27,7 tỷ đồng cùng trong tài khoản MSB nhưng hiện tiền bốc hơi, chỉ còn vài chục nghìn đồng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Hợp đồng tiền gửi có thể được coi là một "hợp đồng vay tài sản"

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, quan điểm này được hỗ trợ bởi các quy định khác nhau trong Bộ Luật dân sự 2015. Điều 463 của Bộ Luật dân sự 2015 định nghĩa một hợp đồng vay tài sản là "sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".

Một hợp đồng tiền gửi có thể được coi là một "hợp đồng vay tài sản". Theo Điều 464 Bộ Luật dân sự 2015, sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro đối với nó (Điều 162 Bộ Luật dân sự 2015).

Người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận.

Ngân hàng phải chịu trách nhiệm về số tiền gửi

Theo Luật sư Quách Thành Lực, khi tiền được gửi vào ngân hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm đối với tài sản đó.

Căn cứ khoản 2, 3 Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng thì ngân hàng phải có một số trách nhiệm sau đây:

- Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi.

- Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Cũng theo Luật sư, khi khách hàng đến ngân hàng giao dịch, gửi tiền là khách hàng đã tin tưởng ngân hàng, nên khi có sự việc mất tiền xảy ra thì ngân hàng cũng có liên quan.

Vậy, khi khách hàng của mình vô cớ bị mất tiền, thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi để xảy ra sai sót. Còn việc nhân viên ngân hàng là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gửi của khách, lúc này ngân hàng được xác định là bị hại thì người chiếm đoạt sẽ phải bồi thường cho ngân hàng, còn ngân hàng sẽ phải bồi thường lại cho khách hàng bị mất tiền.

Ngoài ra, theo Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN thì chủ tài khoản chỉ chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.

Trường hợp nếu ngân hàng thoái thác không nhận trách nhiệm, không bồi thường cho khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho khách hàng.

Những vụ việc mất tiền trong tài khoản diễn ra dồn dập thời gian gần đây cũng là hiện tượng cảnh báo đối với người dân và ngân hàng. Các hình thức lừa đảo tinh vi khiến cho khách hàng ngày càng khó lấy lại được tiền.

Vì vậy, khách hàng gửi tiền tuyệt đối không đưa thông tin cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng và phải kiểm tra kỹ nội dung giao dịch trước khi ký các giấy tờ... Đặc biệt không được chủ quan, dễ dãi, không giao dịch tắt ngang với nhân viên ngân hàng.