Thực phẩm và Dân trí

(Dân trí) - Những thông tin dồn dập về sữa nhiễm chất gây sạn thận có nguồn gốc từ Trung Quốc không còn là lời đồn đại, mà đó là sự thật, một sự thật không thể chối cãi.

Hàng ngàn trẻ em Trung Quốc vì uống các loại sữa này mà phải nhập viện, còn trẻ em của VN thì sao, mọi sự vẫn đang chờ nó xảy ra.

Đó chính là thế bị động của một đất nước mà cơ quan kiểm soát chất lượng thực phẩm còn quá yếu kém. Đã có hàng ngàn tấn sữa nhập từ Trung Quốc, âm thầm tiêu thụ trên thị trường, có loại làm nguyên liệu để sản xuất sữa.

Thế nhưng không ai biết nó có chất gây hại bên trong, không biết có bao nhiêu tấn sữa đã vào bụng trẻ em. Chỉ khi sự cố sữa nhiễm chất gây sạn thận gây chấn động ở xứ người, lúc đó cơ quan có trách nhiệm mới giật mình sực nhớ hình như có duyệt hồ sơ cho nhập sữa Yili, các cơ quan chức năng mới vội vã thu hồi. Nếu như ở Trung Quốc phát hiện chậm hơn, thì trẻ em VN phải trả giá đắt, xã hội phải chịu nhiều thiệt hại do giải quyết hậu quả.

Không chỉ sữa và nguyên liệu sữa, nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm, trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc được bán tràn lan. Người dân tham rẻ, cộng thêm tâm lý chuộng hàng ngoại nên vẫn thích mua. Có loại được quảng cáo nửa thực phẩm, nửa dược phẩm, trong đó có chứa những dược liệu quý như đông trùng hạ thảo, nhân sâm có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe. Dân mình cả tin, cho rằng đông dược Trung Quốc tốt nên sử dụng vô tư.

Đồ chơi trẻ em cũng là một vấn đề lớn chưa được quan tâm. Rất nhiều mặt hàng có tính bạo lực, không an toàn tràn đầy ở các cửa hàng. Phụ huynh mua đồ chơi cho con nhưng không nhận thức một cách đầy đủ về tính giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ của nó. Nguy hiểm hơn, có thể nhiều loại có chứa những hóa chất độc hại trong sản phẩm, trẻ em cầm đồ chơi, ngậm vào mồm. Báo chí từng lên tiếng cảnh báo về vấn đề này nhưng phụ huynh vẫn xem thường.

Nhận thức về an toàn thực phẩm phụ thuộc vào trình độ dân trí. Ở xã hội dân trí cao thì bất cứ mặt hàng nào kém chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe sẽ bị người dân phản đối quyết liệt. Người dân có quyền đòi hỏi Bộ y tế về trách nhiệm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm với những cam kết từ nhà sản xuất cũng như nhà nhập khẩu. Không ít mặt hàng của VN xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Mỹ đã bị trả về vì không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong lúc đó, thị trường VN lại để cho vô số loại thực phẩm xâm nhập, cơ quan có chức năng chăm sóc sức khoẻ người dân lại buông lỏng kiểm soát, người dân tự do sử dụng. Hậu quả của nó không phải chỉ thiệt hại về kinh tế, tự ta tiêu diệt hàng hóa trong nước, mà quan trọng hơn là sức khỏe của người dân đang bị đe dọa từng ngày.

Lê Chân Nhân