Thú cưng lâm bệnh, nhiều ông chủ hay "sen"... chạy trốn
(Dân trí) - "Người yêu có thể không có nhưng chó phải có một con", nhiều bạn trẻ nói vui rằng, nuôi thú cưng còn thú vị hơn có người yêu. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, thú cưng vẫn rất dễ bị "thất sủng".
Không khó để bắt gặp những hình ảnh thú cưng được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa tại các tiệm spa, khách sạn dành cho thú nuôi. Thậm chí, thú cưng ngủ chung, ăn chung và được coi như một thành viên trong gia đình cũng là điều hết sức bình thường.
Nhiều người còn gọi chúng với một cái tên hết sức "chảnh", đó là các boss - chủ nhân và chủ nhân thực sự tự nhận mình là "sen", tức "đầy tớ". Thậm chí, khi boss chẳng may bị động chân động tay thì "sen" ngay lập tức nổi khùng, đòi công bằng cho nó bằng cú đấm với người đối diện.
Thế nhưng, ở một diễn biến khác, tại các bệnh viện thú y, không khó để bắt gặp những trường hợp các boss bị bỏ rơi vì rất nhiều lý do.
Khi thú cưng bị "thất sủng"
Chị N.T., nhân viên Bệnh viện thú cảnh Greenpet (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị cũng thường hay gặp một vài chú chó, mèo bị chủ bỏ rơi.
"Mới đây có một chú chó được chủ mang đến chỗ chúng tôi, sau khi khám bệnh thì phát hiện bạn này có vấn đề về thần kinh, rất khó để chữa khỏi. Chủ nhân của chú chó sau khi biết kết quả đã âm thầm bỏ nó lại bệnh viện và chặn luôn số của chúng tôi".
Chị T. cũng cho biết, bệnh viện đã nhận nhiều trường hợp thú cưng bị bỏ rơi. Có trường hợp mang đến kiểm tra, đặt cọc tiền xong là "bặt vô âm tín". Có những trường hợp sau một thời gian thú cưng điều trị nội trú, chi phí đội lên rất cao, sau khi được thông báo chi phí thì chủ nhân cũng không hồi âm.
"Có lần một chủ nhân không biết vì lí do gì mà đem mèo đến bệnh viện, gửi bảo vệ với lý do phải tìm chỗ đỗ xe rồi cứ thế đi luôn. Với những trường hợp như vậy, bệnh viện vẫn sẵn sàng tiếp nhận và tìm chủ mới cho chúng".
Chị Đ.T.L., bác sỹ thú y tại Bệnh viện thú y 2 Vet (Bà Triệu, Hà Đông) cho biết, bệnh viện của chị cũng thường xuyên phải tiếp nhận chó, mèo bị chủ bỏ rơi. "Nhiều chủ nuôi mang thú cưng đến khám, sau khi biết kết quả liền bỏ rơi chúng luôn, trường hợp này chúng tôi gặp rất nhiều. Cũng có chủ nhân vì một lí do nào đó đã để các bạn thú cưng trong một chiếc hộp trước cửa rồi viết một bức tâm thư nhờ chăm sóc hộ.
Những trường hợp như vậy, sau khi bệnh viện kiểm tra và thấy không có vấn đề gì thì sẽ tìm chủ mới cho chúng. Còn đối với con bị bệnh, bệnh viện sẽ cố gắng chữa trị cho đến khi khỏe mạnh hẳn".
Có rất nhiều lí do khiến thú cưng bị chủ bỏ rơi, bị "thất sủng". Theo bác sỹ Đ.T.L., hầu hết các thú cưng bị bỏ rơi do tiền chữa trị lớn hơn giá trị vật nuôi. Những thú cưng này thường gặp các vấn đề về các bệnh truyền nhiễm, bị liệt hay mù lòa… cần thời gian nội trú lâu dài.
Tùy theo cân nặng, theo bệnh mà số tiền chữa bệnh cho thú cưng có thể lên tới hơn chục triệu. Nhiều người cho rằng số tiền này lớn hơn cả số tiền họ bỏ ra để mua con khác nên bỏ lại tại bệnh viện luôn. Cũng có trường hợp, do thú cưng bị nhiều bệnh quá phức tạp cùng một lúc, nên họ chán mà bỏ.
Trạm cứu hộ - mái nhà nương tựa của hàng trăm thú nuôi bị bỏ rơi
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, đối với những chú chó, mèo bị bỏ rơi, hầu hết các bệnh viện sẽ nhờ các khách hàng thân thiết đăng tin tìm chủ nhân mới cho chúng. Ngoài ra, bệnh viện cũng đăng thông tin lên các hội nhóm để những người có nhu cầu có thể cân nhắc đem về chăm sóc.
Trường hợp không tìm được chủ mới, bệnh viện sẽ liên hệ với các trạm cứu hộ chó, mèo trên địa bàn để hỗ trợ.
Theo anh T.M.Q., người sáng lập nhóm cứu hộ chó mèo có tên "Sân nhà nhiều chó" chia sẻ: "Hiện tại, nhóm cứu hộ của mình đang nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 300 chú chó, mèo bị chủ bỏ rơi, không ai chăm sóc hoặc giải cứu từ các lò mổ. Trung bình mỗi tháng nhóm tiếp nhận khoảng 20 trường hợp các bạn thú cưng, trong đó có cả những trường hợp được gửi từ các bệnh viện".
Thường thì người chủ đem chúng tới bệnh viện thú y để chữa trị, sau đó một là họ không có tiền để theo đuổi liệu trình nên bỏ lại đó, hai là họ chán không muốn nuôi nữa, hoặc tiếc tiền bỏ ra, ngay cả khi họ có khả năng tốt về tài chính. Và vế thứ hai, theo Q. thuộc về tình cảm, đạo đức và trách nhiệm của người chủ với thú cưng của họ.
Anh Q. cho rằng, thời gian gần đây ý thức trách nhiệm khi nuôi chó mèo ở thế hệ trẻ đang dần được nâng cao hơn rất nhiều. Một phần vì khi khó khăn các bạn ấy có thể huy động sự trợ giúp từ chính cộng đồng, phần khác là trước khi nuôi các bạn cũng lựa chọn rất kĩ, quá trình chăm sóc tại nhà cũng cẩn thận và quy củ hơn.
Có thể nói, thú cưng với nhiều người chỉ đơn giản là để trông nhà, thậm chí có người chỉ coi đó là động vật lấy thịt, thế nhưng, với những ai dành tình yêu thương đủ lớn cho những loài động vật này đều cảm thấy chúng cũng giống như con người vậy. Chúng cần được che chở, cần chăm sóc những lúc ốm đau, bệnh tật. Và nếu ai đó đã trót yêu thương, xin hãy tận tâm tận sức để những bạn thú cưng được là "boss" theo đúng nghĩa.