Thông tin xuyên tạc

Tin vui cá tra VN vừa “thoát nạn” khỏi “danh sách đỏ” của WWF tại sáu nước Châu Âu, thì sau đó lại có thông tin bịa đặt cho rằng Chính phủ VN gây sức ép, thậm chí còn đến văn phòng WWF tại VN dọa đình chỉ giấy phép hoạt động.

Hẳn nhiên đây là những thông tin xuyên tạc. Chính vị Giám đốc WWF tại VN-bà Trần Minh Hiền-cũng đã khẳng định không hề có sự đe dọa nào từ cơ quan chức năng, cũng như không có việc  Chính phủ VN gây sức ép đối với hoạt động của văn phòng WWF.

 

Những thông tin xuyên tạc trắng trợn trên nhất thiết phải được tiếp tục điều tra làm rõ. Song cũng cần thêm một lần nữa khẳng định, việc WWF đưa cá tra VN vào “danh sách đỏ” dựa trên các cơ sở dữ liệu thiếu thực tế đã không thể thuyết phục được dư luận nói chung. Sức ép đối với WWF, trên thực tế đến từ dư luận rộng rãi, từ những người nông dân Việt nuôi cá tra, từ các DN chế biến và XK, đến những hiệp hội, tổ chức NK phân phối sản phẩm này tại Châu Âu và Mỹ. Bà Jeanne McKnight-một chuyên gia truyền thông chiến lược hàng đầu về công nghiệp thực phẩm toàn cầu tại Mỹ, sau khi có chuyến đi khảo sát đến vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL-đã kiên quyết bày tỏ quan điểm: “Phải gạt bỏ bất cứ tính nghi ngờ nào về tính an toàn của cá tra VN”. 

 

Trong tình hình sản phẩm cá tra VN có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới nhờ vào chất lượng và giá cả, thì việc ngày càng có nhiều rào cản kỹ thuật, thương mại giăng ra tạo cản ngại là điều dễ hiểu. Thậm chí, hằng ngày hằng giờ cá tra VN đang phải đối mặt, đương đầu với những âm mưu đen tối nhằm cạnh tranh thiếu lành mạnh và chơi bẩn. Chúng ta tôn trọng, tiếp thu các chuẩn mực tiên tiến nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm cá tra VN, qua đó tạo ra thương hiệu lan tỏa mạnh hơn ra thế giới. Song chúng ta không thể chấp nhận sự vô lý “một cổ hai tròng”, mà việc rút cá tra VN ra khỏi “danh sách đỏ” là thắng lợi của lý lẽ và sự công bằng, thắng lợi của sự thật dù có lúc sự thật này đã bị bóp méo, bị nhìn lệch lạc.

 

Nếu lập luận theo những thông tin xuyên tạc cho rằng, WWF rút cá tra VN ra khỏi “danh sách đỏ” trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản tại sáu nước Châu Âu là do bị đe dọa, bị gây sức ép, thì không lẽ chính WWF đã chọn lựa cách hành xử bỏ qua sự thật?

 

Chính phủ nước nào cũng phải hỗ trợ người dân, DN của mình, và càng phải bảo vệ mạnh mẽ hơn khi dựa trên sự thật và lý lẽ. Theo lẽ này, nếu Chính phủ VN yêu cầu WWF xem xét lại sự bất hợp lý khi đưa cá tra VN vào “danh sách đỏ” thì cũng là một hành động chính đáng, nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

 

Theo Thẩm Hồng Thụy
Lao Động